Học cách yêu thương và tha thứ - Câu chuyện nhân văn cảm động

Lúc nào tôi cũng nhớ lời mẹ căn dặn: Điều đầu tiên con cần phải học không phải là cách chống đỡ với cuộc sống này mà chính là học cách yêu thương và tha thứ.

Diệu Nguyễn
08:00 15/06/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tôi vẫn nhớ như in ngày mẹ giao cho tôi chiếc xe gắn máy, mẹ nói: “Mẹ chỉ lo cho hai an hem được vậy thôi. Lo cho hai đứa học xong đại học và cho mỗi đứa một chiếc xe gắn máy để làm phương tiện đi lại. Mẹ không thể cho nhiều hơn được”.

Tôi đã rất xúc động khi nghe mẹ nói như vậy, tôi ôm mẹ và nói với mẹ rằng: “Mẹ đã cho con rất nhiều rồi, cho con cả một tâm hồn đầy đặn từ chính những việc mẹ đã làm”.

Ngày trước, mẹ kể với tôi ngày mẹ cưới bà ngoại khóc nhiều lắm. Mà không khóc, không lo lắng sao được khi mà cô tiểu thư của một gia đình tương đối khá giả ở Sài Gòn, vừa là cô nữ sinh trường Gia Long vừa mới tốt nghiệp sư phạm với bao hoài bão ước mơ, lại chấp nhận về quê chồng làm dâu, làm cô giáo nhỏ tại một vùng biển, đất đai khô cằn ở tận miền Trung.

Chấp nhận đánh đổi nhưng cuộc sống hôn nhân lại không được như mẹ mong muốn. Ba tôi sau khi được cử vào Sài Gòn học lớp nghiệp vụ đã nảy sinh tình cảm với một cô gái thành thị, để rồi quên đi “cô vợ quê” đang mỏi mòn trông ngóng chồng về. Và rồi chuyện gì đến cũng đến, khi tôi tròn 3 tuổi, mẹ mang thai em tôi trong bụng thì ba tôi bỏ đi, căn nhà không còn hơi ấm của người trụ cột gia đình nữa.

Hoc-cach-yeu-thuong-va-tha-thu-Cau-chuyen-nhan-van-cam-dong

Sau những ngày đau buồn, tủi nhục, mẹ gạt nước mắt đưa hai an hem tôi vào lại Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Khi ấy ký ức về ba của tôi chỉ là một người đàn ông tệ bạc qua lời kể của hàng xóm và người thân. Thế nhưng, mỗi lần nghe đến ba, mẹ chỉ nhỏ nhẹ nói với tôi: “Cuộc sống luôn có những điều vừa lòng không tồn tại, chúng ta phải biết học cách yêu thương và tha thứ để tâm hồn mình luôn có những ngày vui”.

Và mẹ cũng đặt ra những quy tắc trong gia đình cho tôi và em gái: “Thứ nhất, hãy cứ xem như ba đi công tác xa, không có mặt ở nhà, cả nhà không được nói xấu ba. Thứ hai, mẹ lo kiếm tiền cho tụi con ăn học, lo chuyện bếp núc. Anh lớn thì thay ba xem máy móc, xe cộ, đồ đạc trong nhà có hư thì sửa giùm ba. Con út thì coi dọn dẹp nhà cửa cho tinh tươm, gọn gàng”.

Những khó khăn vẫn luôn lẩn khuất trong căn nhà chỉ có phụ nữ và trẻ nhỏ, nhưng không vì thế mà căn nhà trở nên hiu quanh mà lúc nào cũng vui vẻ, rộn rã tiếng cười.

Bà nội sống ở quê, bà đã lớn tuổi nhưng lúc nào cũng đau đáu vì đứa con trai và thương cho con dâu cùng hai đứa cháu nhỏ của mình. Cứ mỗi kỳ nghỉ hè mẹ lại đưa anh em tôi về quê nội. Mẹ cứ dặn: “Nhà mình không giận ba thì cũng không được giận bà nội”. Ngày bà nội đột ngột ra đi, mẹ nghe tin xong liền thuê xe đi về trong đêm để hai cháu kịp nhìn bà lần cuối.

Những điều mẹ làm cứ thế gieo vào tâm hồn tôi và em gái những hạt giống thật đẹp của tình thương và lòng vị tha. Lúc nào tôi cũng nhớ lời mẹ căn dặn: Điều đầu tiên con cần phải học không phải là cách chống đỡ với cuộc sống này mà chính là học cách yêu thương và tha thứ.

Sưu tầm

Xem thêm: Nhà cho con rồi chị ở đâu? – Câu chuyện đáng suy ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận