“Vua mìn” Trịnh Tố Tâm: “Hùm xám đèo Hải Vân” gieo rắc nỗi kinh hoàng cho địch với 53 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ
Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"
Những chiến công hiển hách của “vua mìn” Trịnh Tố Tâm
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trịnh Tố Tâm sinh năm 1945 tại thôn Mỹ Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ, vùng đất đã đi vào âm nhạc qua bài ca huyền thoại “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Chính từ nơi đây, tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã thấm sâu vào trái tim biết bao thế hệ, hun đúc nên những con người quả cảm, trong đó có cậu bé Trịnh Tố Tâm lớn lên giữa làng quê giàu truyền thống cách mạng, sớm chịu cảnh mồ côi cha, mất anh trai trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1965, khi giặc Mỹ trút bom xuống miền Bắc, Trịnh Tố Tâm khi ấy vẫn đang là học sinh, đã không do dự khoác ba lô tình nguyện bước vào phong trào “Ba sẵn sàng”. Đây là phong trào thi đua yêu nước do Đoàn Thanh niên phát động giữa khói lửa chiến tranh, với khẩu hiệu vang vọng: “Sẵn sàng chiến đấu – Sẵn sàng nhập ngũ – Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần”.
Không lâu sau, chàng trai trẻ viết đơn nhập ngũ, tình nguyện vào chiến trường miền Nam khốc liệt và được phân công chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên - Huế, nơi nổi tiếng là “chảo lửa” trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.
Từ năm 1967 đến 1970, Trịnh Tố Tâm đã cùng đơn vị tham gia 58 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 1.500 tên địch trong đó có tới 700 lính Mỹ, đánh phá gần 100 xe quân sự, hàng chục cầu cống, phá tan nhiều kế hoạch của kẻ thù trên tuyến đường chiến lược. Cá nhân ông đã lập nên chiến tích đặc biệt: tiêu diệt 270 tên địch, trong đó có 185 lính Mỹ, trực tiếp bắn rơi và phá hủy 3 máy bay cùng nhiều xe cơ giới.
Khi phát hiện đèo Hải Vân là tuyến vận tải huyết mạch của địch, ông cùng đồng đội mở những đợt đánh phá táo bạo, làm giặc Mỹ chao đảo. Năm 1968, trong một lần trinh sát, Trịnh Tố Tâm phát hiện địch thường tập trung tại điểm cao bên đường lúc gần sáng. Ông lập tức lên kế hoạch cùng tổ đội đặt mìn và tiêu diệt, làm bị thương 60 tên giặc.

Đầu năm 1970, với cương vị Đại đội phó, ông chỉ huy đánh trúng điểm đổ quân của Mỹ, tiêu diệt gọn 2 trung đội, khiến kẻ thù vô cùng hoảng loạn.
Với chuỗi thành tích chiến đấu xuất sắc, Trịnh Tố Tâm được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ đến 53 lần, một con số ít ai sánh kịp. Đồng đội gọi ông là “vua mìn đèo Hải Vân”, còn phía địch thì treo thưởng hậu hĩnh cho bất kỳ ai bắt được “con hùm xám đèo Hải Vân – Trịnh Tố Tâm”.
Năm 1971, khi vừa tròn 27 tuổi, Trịnh Tố Tâm đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 21 công binh, Đoàn 4, Quân khu Trị Thiên, ghi dấu một chặng đường chiến công hiển hách. Bên cạnh đó, ông còn vinh dự được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; 13 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; cùng 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Những tấm huân chương ấy là những minh chứng sống động cho một huyền thoại giữa thời đại khói lửa.
Người anh huỳnh truyền cảm hứng về lòng yêu nước
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Anh hùng Trịnh Tố Tâm tiếp tục cống hiến trong thời bình, đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Bí thư Trung ương Đoàn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trên cương vị là người đứng đầu tổ chức Đoàn, ông đã trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho thế hệ thanh niên Việt Nam, một người thủ lĩnh trẻ trung, tâm huyết, tận tụy với công việc và cháy bỏng tình yêu đất nước. Dù đã rời xa chiến trường, nhưng tinh thần chiến binh trong ông chưa bao giờ tắt. Anh hùng Trịnh Tố Tâm ra đi ở tuổi 51 do căn bệnh ác tính, hậu quả của ảnh hưởng của chất độc hóa học trong những năm tháng ở chiến trường. Sự ra đi của ông đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng đồng đội, người thân và biết bao thế hệ trẻ.

Chị Trịnh Hải Vân – con gái đầu lòng của Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm chia sẻ rằng trong đời sống thường nhật, cha mình là một người nghiêm khắc nhưng rất mực giản dị, khiêm nhường và chuẩn mực. “Là con của một người anh hùng, nhưng chúng tôi rất hiếm khi được nghe cha kể về những trận đánh hào hùng. Những chiến công hiển hách ấy, chúng tôi chỉ biết qua đài, báo. Điều cha dạy chúng tôi chính là sự tận tâm trong công việc, sự khiêm nhường trong cách sống, và tinh thần cống hiến không toan tính,” chị Vân xúc động kể lại.
Mang trong lòng mong muốn thế hệ hôm nay hiểu hơn về người anh hùng đặc biệt ấy, ông Phan Văn Quý – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương, cũng là một cựu chiến binh Trường Sơn từng được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân khi mới 23 tuổi đã quyết định dựng tượng Trịnh Tố Tâm. Sau hơn 6 tháng thực hiện, bức tượng bằng đồng mang hình ảnh người anh hùng đã được hoàn thiện và trang trọng đặt tại Trường THPT Ứng Hòa B (Hà Nội), quê hương nơi ông sinh ra và lớn lên.

Chia sẻ về quyết định đầy tâm huyết ấy, ông Phan Văn Quý cho biết: “Tôi có may mắn được làm đồng đội với anh Tâm một thời gian. Khi anh là Bí thư Trung ương Đoàn, tôi còn là cán bộ Đoàn cấp sư đoàn. Hai anh em từng được cử đi dự Festival tại Cuba. Từ những lần đồng hành đó, tôi hiểu anh Tâm là một con người mẫu mực, gần gũi và giàu lòng nhân ái. Tôi luôn ấp ủ mong muốn làm điều gì đó để tưởng nhớ người anh hùng này. Giờ đây, khi bức tượng đã hoàn thiện, tôi cảm thấy mãn nguyện. Hy vọng lớp trẻ hôm nay sẽ học được ở anh Tâm không chỉ lòng dũng cảm, mà cả sự tử tế, giản dị và tinh thần sống hòa đồng, yêu thương”.
Tác phẩm tượng Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm là công trình nghệ thuật do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường – nguyên Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện bằng cả tâm huyết.
Nói về tác phẩm của mình, nghệ sĩ Nguyễn Phú Cường tâm sự: “Tôi chọn hình ảnh Trịnh Tố Tâm khi còn trẻ, với nụ cười tươi tắn, ánh mắt thông minh sáng ngời, ngực đeo những tấm Huân, Huy chương như một biểu tượng sống động về tinh thần bất khuất, nghị lực vươn lên và lòng yêu nước nồng nàn. Tôi mong rằng các em học sinh, khi nhìn bức tượng này, sẽ cảm nhận được sức mạnh truyền cảm hứng từ một người anh hùng chân thật và gần gũi như chính người thân của mình”.
Tin liên quan
Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.
Thấy trời mưa tầm tã, có dấu hiệu sạt lở, vị trưởng thôn này đã quyết định di tản 115 người lên núi trước khi lũ quét ở Lào Cai.
Hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024); Với lòng biết ơn vô hạn và để góp phần tri ân những người đã ngã xuống vì quê hương đất nước, trong đó có những người mẹ, người chị Phụ nữ Việt Nam, với truyền thống 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hâu, đảm đang” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng;
Bài mới

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.