Người dân Nghệ An nấu hàng nghìn suất cơm nóng tiếp sức cho bà con vùng lũ lụt
Giữa những ngày mưa lũ dâng cao, bếp ăn nghĩa tình của người dân Nghệ An đã nhóm lên, tiếp sức cho bà con vùng lũ bằng những suất cơm ấm nóng, thấm đẫm tình người.
Hoàn lưu sau bão kết hợp với việc thủy điện xả lũ với lưu lượng kỷ lục đã khiến nhiều khu vực hạ du Nghệ An chìm trong biển nước. Tại xã Nhân Hòa (huyện Anh Sơn cũ), hàng loạt ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều xóm làng hoàn toàn cô lập. Người dân không kịp trở tay, những bữa cơm thường nhật bỗng trở nên xa xỉ khi bếp núc ngập bùn, thực phẩm cạn kiệt. Giữa hoàn cảnh đó, anh chị Thảo Cường ở xóm Cây Chanh đã quyết định lập một bếp ăn tại chính ngôi nhà của mình, nấu những suất cơm đầu tiên để tiếp tế cho các gia đình vùng lũ.
“Ban đầu, vợ chồng tôi chỉ định nấu khoảng 50 suất để san sẻ với bà con lối xóm. Nhưng sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều người biết chuyện đã cùng chung tay góp gạo, gửi rau, thậm chí có người ở xa còn chuyển tiền về để mua thêm thực phẩm. Cứ thế, bếp ăn nhỏ của gia đình dần trở thành điểm hội tụ yêu thương của cả cộng đồng”, chị Đậu Thị Thảo xúc động kể lại.

Buổi trưa hôm ấy, căn nhà nhỏ bỗng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Mười lăm chị em phụ nữ, người đi chợ, người nhặt rau, người lo nhóm bếp, tất bật chuẩn bị. Đến trưa, 165 suất cơm nóng hổi được đóng hộp cẩn thận, nhanh chóng được chuyển lên thuyền, băng qua những con ngõ ngập sâu, trao tận tay các gia đình đang bị cô lập. “Chúng tôi chưa kịp ăn cơm trưa, chỉ mong bà con không phải chịu đói, không cảm thấy cô đơn giữa cơn lũ dữ”, chị Thảo bộc bạch.

Tinh thần sẻ chia ấy nhanh chóng lan rộng, không chỉ dừng lại ở một bếp ăn. Cũng tại xã Nhân Hòa, những bếp ăn tự phát của chị Hoa Lan, chị Ngọc Mai, cô Phạm Thị Thùy Linh, bếp bà Hương, nhà chị Huyền Sỹ, bếp anh Nguyễn Hữu Hồng... lần lượt đỏ lửa. Chỉ trong một ngày, hơn 1.000 suất cơm nghĩa tình đã được trao đến tay bà con vùng ngập lụt. Đó là những bữa ăn không chỉ đầy đủ thịt cá, canh rau, mà còn thấm đẫm tình người, trở thành nguồn động viên to lớn để người dân thêm vững vàng vượt qua thử thách.
“Sáng nay, bà con xóm Đỉnh Hợp đã nhận được suất cơm nghĩa tình. Tối nay lại tiếp tục có. Ai cũng mong nước nhanh rút để còn dọn dẹp, ổn định lại cuộc sống. Cảm động lắm, biết ơn lắm những tấm lòng của mọi người”, chị Hoàng Loan, một người dân, xúc động chia sẻ.

Không dừng lại ở những bữa ăn, tinh thần “lá lành đùm lá rách” còn lan tỏa qua nhiều việc làm tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Tại xã Tương Dương, Hội Nông dân xã kịp thời phát động hội viên ra quân giúp đỡ các hộ dân bị ngập sâu. Hàng chục hội viên tỏa về các điểm ngập, chung tay quét dọn bùn đất, thu dọn nhà cửa, dựng lại những bức tường nghiêng ngả sau lũ. Những nồi bánh chưng nghĩa tình cũng được gói vội trong đêm, để sáng hôm sau kịp thời mang đến cho các gia đình chưa có nhà để ở, chưa có bếp để nấu ăn.
“Bà con chia thành nhiều điểm nấu, mỗi điểm từ 5 đến 6 người. Những gia đình không bị ngập đảm nhiệm việc nấu nướng, sau đó đưa tới các điểm tập trung để mọi người cùng ăn. Đây là nghĩa cử thiết thực, đậm tình làng nghĩa xóm mà hội viên dành cho nhau trong lúc hoạn nạn”, anh Vi Đức Tuấn, chi hội trưởng nông dân bản Mon, xã Tương Dương, cho biết.

Trong khi đó, tại xã Lương Sơn (Đô Lương cũ), ngay khi nhận tin nước sắp dâng cao có nguy cơ ngập úng diện rộng, Hội Nông dân xã đã nhanh chóng huy động lực lượng, hỗ trợ bà con thu hoạch gần 4ha ngô vùng bãi. Những cánh tay nối tiếp nhau, người vác bao, người vận chuyển, chỉ trong một buổi sáng, toàn bộ số ngô đã được thu gom an toàn, kịp thời trước khi nước tràn về, tránh nguy cơ mất trắng.
Tinh thần đoàn kết, nghĩa tình còn được nhân lên nhờ sự chung sức của các đoàn thể. Hội Nông dân xã Nhân Hòa đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể địa phương kịp thời trao gửi nhu yếu phẩm và áo phao cho các hộ dân bị ngập sâu, bị cô lập. Chỉ trong vòng một ngày, đã có 202 thùng mì tôm và 64 chiếc áo phao được chuyển tới tận tay những người đang cần hỗ trợ nhất.
Giữa mênh mông nước lũ, hình ảnh những người nông dân, những người phụ nữ tay lấm chân bùn sẵn sàng xắn tay áo nấu từng nồi cơm, gói từng chiếc bánh, hay đội mưa đi thu gom từng bao ngô, bao lúa, đã và đang viết nên những câu chuyện ấm áp, góp phần nhân lên sức mạnh cộng đồng để cùng nhau vượt qua hoạn nạn.
Những bữa cơm nóng hổi giữa vùng trắng nước, những bàn tay giang rộng nâng đỡ nhau, những ánh mắt, cái siết tay động viên nhau trong gian khó, tất cả là minh chứng sống động cho tinh thần tương thân tương ái, cho truyền thống đoàn kết, nhân hậu của con người Việt Nam. Và chính trong gian nan, những tấm lòng ấy đã thắp lên ngọn lửa hy vọng, khơi dậy sức mạnh để người dân vùng lũ thêm vững vàng, tiếp tục dựng xây lại cuộc sống.
Xem thêm: Ca sĩ Hòa Minzy ủng hộ 300 triệu đồng cho bà con vùng lũ ở Nghệ An
Tin liên quan
Mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 (Wipha) đã gây ngập lụt và sạt lở tại nhiều xã miền núi tỉnh Nghệ An. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được huy động giúp đỡ người dân chống chọi với cơn lũ dữ.
Hành động dũng cảm lao xuống dòng nước lũ chảy xiết cứu bé trai của Thượng úy Cảnh sát giao thông khiến người dân vô cùng cảm phục.
Giữa hàng trăm người hoảng loạn, nữ điều dưỡng trẻ Lê Thị Mai đã bình tĩnh ép tim liên tục, cứu sống cụ bà bị đuối nước tại bãi biển Diễn Thành.
Bài mới

Không cần lời lẽ trang trọng, không cần in tên người nhận, cũng chẳng có những hình thức mời gọi ồn ào. Tấm giấy mời duy nhất cho Concert Quốc gia “Tổ quốc trong tim” chỉ là bản in ca khúc Tiến quân ca – bản Quốc ca thiêng liêng của dân tộc. Từ góc nhìn của một học sinh lớp 9, lời chia sẻ mộc mạc nhưng đầy xúc cảm dưới đây không chỉ là suy nghĩ về một buổi biểu diễn, mà là tiếng lòng của một thế hệ trẻ về tình yêu nước.

Với nam sinh Trần Xuân Đam, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hoàn cảnh khó khăn đã tạo động lực, giúp em xuất sắc trở thành thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.