109 bức thư và mối tình vượt qua khói lửa chiến tranh: "Đêm nay anh sẽ không trở về và cả cuộc đời anh sớm hiến dâng cho Tổ quốc"
Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.
Những bức thư trở thành sợi dây nối liền hai trái tim xa cách
Những ngày tháng 7, khi cả khi cả nước lặng mình tưởng nhớ và tri ân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), tại một căn nhà nhỏ ở phường Hà Cầu (Hà Nội), bà Vũ Thị Lui hay còn được gọi thân thương là bà Lưu Liên lặng lẽ lau chùi bàn thờ, châm ba ly cà phê, ba chén trà, ba điếu thuốc... như một nghi thức thiêng liêng. Đó là cách bà tưởng nhớ người yêu cũ liệt sĩ Trần Minh Tiến, người đã hy sinh nơi chiến trường Khe Sanh năm 1969, mang theo một nửa trái tim của bà đi mãi.
Trước khi nên duyên với người chồng hiện tại là ông Nguyễn Doãn Hùng (80 tuổi), bà Liên và liệt sĩ Tiến từng có một chuyện tình lãng mạn, vượt qua khói lửa chiến tranh. Mối tình ấy đã nuôi dưỡng những ước mơ hạnh phúc thời hoa lửa, nhưng cũng nhiều mất mát, đau thương.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, đưa bà Liên trở lại những tháng ngày cắp sách đến trường, khi bà và liệt sĩ Trần Minh Tiến còn là đôi bạn học cùng lớp. Ông Trần Minh Tiến sinh năm 1945, trong một gia đình nghèo tại thị xã Hà Đông, thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Khi ấy, bà Liên là cô gái phố thị, nổi bật với nước da trắng hồng, vẻ ngoài duyên dáng. Bà không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, khéo léo, hát hay, múa giỏi , là “cô gái phố” bao người ngưỡng mộ, thầm mến.
Trên đường đi học về, cả hai thường chạm mặt nhau. Chính những lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy đã khiến ông Tiến âm thầm đem lòng cảm mến cô gái nhỏ hơn mình một tuổi. Dù chỉ cách nhau nửa cây số, nhưng giữa họ luôn có một ranh giới vô hình của hai tầng lớp khác biệt, một bên là cô tiểu thư đài các, một bên là cậu học trò nghèo sống trong khu phố lao động. Ông Tiến yêu quý bà từ thuở ấy, nhưng không dám ngỏ lời, bởi ông tự ti nghĩ rằng mình không xứng đáng nên đành giữ mối tình trong im lặng, chỉ dám dừng lại ở mức tình bạn.

Đến năm 1963, ông Tiến lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, đóng quân tại Nhổn, Hoài Đức (Hà Tây). Sau ba tháng huấn luyện gian khổ, ông được chọn vào đội bóng của Sư đoàn, chuyển về Phú Thọ. Đầu năm 1965, ông quay lại đơn vị chiến đấu, lần này đóng quân tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Vào những ngày cuối mùa hè năm ấy, khi cả hai đã đủ trưởng thành, ông Tiến quyết định thổ lộ tình cảm với bà Liên. Nhưng chiến tranh chẳng cho họ nhiều cơ hội. Mưa bom bão đạn đã khiến mối tình giữa người lính trẻ và cô tiểu thư khuê các chỉ có thể đong đầy qua thư từ và ký ức. Trong suốt 5 năm yêu nhau, họ chỉ gặp được chưa đến 20 lần.
Trong suốt 5 năm yêu nhau giữa khói lửa chiến tranh, những lá thư đã trở thành sợi dây nối liền hai trái tim xa cách, là đôi cánh âm thầm nâng đỡ cho một chuyện tình đầy thử thách. Bà Liên nghẹn ngào nhớ lại: “Anh Tiến gửi cho tôi nhiều thư lắm, cứ rỗi thời gian là viết thư cho tôi rồi cất vào balo, chờ dăm bữa nửa tháng ra đồng bằng gặp quân bưu mới được gửi đi. Thế nên thư không đều đặn, có lúc vài ba lá có lúc thì 1-2 tháng không được một lá thư nào”.

Tình yêu tuổi trẻ của họ mãnh liệt nhưng cũng đầy nhẫn nại và chờ đợi. Hàng trăm lá thư đã được gửi đi trong những năm tháng ấy mỗi bức là một mảnh yêu thương, một lời hẹn thầm lặng, một lời động viên vượt lên gian khổ. Nhưng rồi chiến tranh khốc liệt, thời gian trôi qua và biết bao biến cố cuộc đời khiến bà không thể giữ lại tất cả. Sau cùng, chỉ còn 109 bức thư còn nguyên vẹn với thời gian. Với bà Liên, đó không chỉ là giấy mực mà là “báu vật” vô giá, là chứng nhân của một tình yêu bất tử, cần được trân trọng gìn giữ như một phần thiêng liêng của cuộc đời mình.

“Lá thư của người lính viết bao giờ cũng không hết ý. Anh nhận được 2 lá thư của em. Mừng vui khôn xiết, tuy chúng mình cách xa nhau nhưng mọi hành động ý nghĩ vui buồn chúng mình đều có nhau. Đúng vậy! Những giờ phút nghỉ là chúng mình dành cho nhau…
Sinh nhật tới anh tròn 21 tuổi và bước sang tuổi 22, bọn anh đã chuẩn bị rồi, không biết hoàn cảnh có cho phép không? Anh đang thực hiện ý định của em là bỏ thuốc, khó khăn nhưng anh sẽ làm. Em trách anh nhiều thì lần này trừ đi nhé. Anh mong những cái đó mở cho ta một lối đi rộng rãi hơn, thắt chặt hơn chúng mình vào cuộc đấu tranh sinh tử. Tình yêu của chúng mình phải trong sạch, nghiêm túc, nhưng không thiếu tính lãng mạn của tuổi trẻ. Thời chiến! Người lính chờ đợi hy vọng và chiến đấu”.
(Trích lá thư được liệt sĩ Tiến viết ngày 9/9/1966)
Mối tình hoa lửa có duyên nhưng không phận
Tháng 1 năm 1968, khi đang làm kế toán tại Xí nghiệp ươm tơ Hoài Đức, bà Liên đạp xe lên đơn vị thăm người yêu mang theo niềm háo hức về một đám cưới sắp thành hình, theo tinh thần “đời sống mới”. Gặp nhau giữa những ngày hiếm hoi bình yên, ông Tiến đã hứa sẽ sớm thu xếp công việc để về tổ chức hôn lễ. Trở về nhà, bà bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho ngày trọng đại. Nhưng rồi, đám cưới không thể diễn ra như mong đợi. Ông Tiến bất ngờ nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam (đi B). Tin ấy khiến bà vừa buồn, vừa giận. Thế nhưng, khi thấu hiểu lý do người yêu hoãn cưới, trái tim bà lại nhói lên nỗi day dứt, ân hận khôn nguôi.
Giữa tháng 3 năm ấy, đơn vị ông Tiến chính thức nhận lệnh lên đường. Bà Liên vẫn đang làm việc tại xí nghiệp thì hay tin ông đang tập kết ở Sơn Tây. Không quản đường xa, người lính trẻ tranh thủ đi bộ 20 cây số để đến người yêu, lúc đó cơ quan của bà Liên đang sơ tán tại Sơn Đồng, Hoài Đức. Nhưng vì còn giận chuyện cưới hỏi bị trì hoãn, bà chần chừ không ra gặp, dù trong lòng cuộn trào nỗi nhớ.

Mãi đến khi anh bảo vệ vào trách: “Yêu lính mà chẳng hiểu gì về lính cả! Anh ấy đang trên đường đi B, anh tạt về để chào xong đi tiếp, còn em thì cứ ngồi trong này”, cô gái trẻ mới hốt hoảng lao ra, lòng đầy ân hận. Khi ấy, bà vẫn chưa hiểu hết sự khốc liệt của chiến trường B, càng không biết rằng, đó sẽ là lần gặp gỡ cuối cùng giữa hai người.
Hôm ấy, ông Tiến đã nhẹ nhàng giãi bày lý do vì sao không gửi thư báo trước, vì sao lỡ hẹn lễ cưới. Anh không muốn trao gánh nặng lên đôi vai người mình yêu: “Bấy giờ tôi rất yếu, bố mẹ tôi thì không đồng ý. Anh ấy sợ lấy anh là trao gánh nặng lên đôi vai tôi thì tôi không chịu được. Nếu tôi có con nữa thì càng không chịu được. Hẳn anh ấy phải rất yêu tôi thì mới có thể bỏ tất cả tham vọng của người con trai để cho người yêu mình sung sướng” – bà Liên trầm ngâm, ánh mắt xa xăm.
Dù đã thấu hiểu, nhưng nỗi ân hận vẫn âm ỉ trong lòng bà suốt nhiều năm. Bởi khi ấy, ông là người con trai duy nhất trong gia đình, là niềm hy vọng của cả dòng họ. Nếu điều không may xảy ra, gia đình mất ông thì coi như là mất tất cả.

Trước lúc rời đi, người lính trẻ đã trao cho người con gái ông yêu một món quà kỷ niệm đó là chiếc áo lính bạc màu và một chiếc nhẫn có hai trái tim lồng vào nhau. Chiếc nhẫn ấy, ông đã tự tay mài giũa từ mảnh xác máy bay Mỹ trong những buổi trưa hành quân không ngủ. Đó không chỉ là món quà chia tay, mà còn là một lời thề thầm lặng, một tín vật gửi gắm cả niềm tin, hy vọng và tình yêu không lời.
“Chiếc khăn mà em thêu cho anh thì anh mang đi, anh luôn luôn để ở ngực. (Đó là chiếc khăn có hình bông hồng tím chung thủy được bà Liên thêu năm 1967)
Khi anh đi chiến đấu thì anh sẽ gửi lại đồng đội.
Nếu khăn về bất cứ lúc nào thì em đi lấy chồng lúc ấy, đừng chờ giấy báo tử”.
Cứ thế, giữa người lính và cô tiểu thư khuê các đã tồn tại một mật ước.

Những lá thư vẫn âm thầm làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của mình, nối liền hai trái tim yêu nhau giữa chiến trường bom đạn. Sau khi vào Nam chiến đấu, ông Tiến vẫn không ngơi nghỉ việc gửi thư về cho người yêu. Trong từng trang giấy mỏng, ông kể cho bà nghe những câu chuyện đời thường giản dị, xen lẫn là những nỗi nhọc nhằn khi hành quân dưới cái nắng bỏng rát da, những đêm mưa rừng thấm lạnh tận xương. Mỗi lá thư như một lời thì thầm, một sự nhắc nhớ đầy tha thiết rằng anh vẫn ở đây dẫu nghìn trùng xa cách.
Những lá thư ấy, bà Liên chỉ có thể nhận mà không thể hồi âm, bởi bà không biết địa chỉ chính xác nơi đơn vị ông Tiến đóng quân. Đôi khi, bà thấy mình bất lực trước những lời yêu thương gửi về mà chẳng thể đáp lại chỉ biết lặng lẽ đọc đi đọc lại, như giữ một phần linh hồn người mình yêu bên cạnh.
Vào một đêm tháng 5/1968, ông bất ngờ hiện về trong giấc mơ của bà. Khuôn mặt ông nhuốm đầy máu, xung quanh là biển lửa và khói súng mịt mù. Một linh cảm dữ dội bỗng ập đến, khiến bà đau đớn đến tiều tụy. Dù vậy, trong lòng bà vẫn âm ỉ một tia hy vọng “Người lính trẻ ấy sẽ trở về!”

Ngay sau lần linh cảm ấy, bà Liên mang toàn bộ ảnh chân dung của ông Tiến đi rửa lại. Lạ thay, trong tất cả các bức ảnh, ông đều không cười gương mặt trầm lặng, ánh mắt xa xăm như đang gửi gắm điều gì. Trước khi đi, ông từng dặn bà: “Em giữ cho anh tấm ảnh này, để nếu một mai anh không trở về, thì bố mẹ anh vẫn còn được nhìn thấy anh.”
Dường như ông đã linh cảm được điều chẳng lành đang tới gần. Ngày 27/5/1968, ngay trước lúc bước vào trận đánh ác liệt, ông để lại một lá thư gửi về, nhưng đề ngày "chiều 31/5/1968" như một lời dặn dò cuối cùng, thấm đẫm yêu thương và dự cảm chia ly. Lá thư ấy, mãi mãi là khúc nghẹn ngào giữa trang cuối một chuyện tình dang dở.
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Tiến gửi cho bà Liên có đoạn:
“Lưu Liên yêu quý của anh!
Đêm nay anh ra trận, anh định sau trận này viết thư về báo công cho em luôn thể.
Nhưng anh linh cảm mách bảo rằng: đêm nay anh sẽ không trở về và cả cuộc đời anh sớm hiến dâng cho Tổ quốc. Anh không ân hận điều gì, sống và hành động theo lý tưởng của Đảng và Tổ quốc giao cho.
Anh chỉ ân hận nếu lá thư này không đến tay em, để em phải chờ đợi anh thì lỡ tuổi thanh xuân, thì tội anh lớn lắm.
Trước khi ra trận anh gửi lại đơn vị một số thứ, em hãy giữ một ba lô trong đó có:
- Một giấy sinh hoạt Đảng
- Một quyển nhật ký
- Mấy lá thư của em hẹn anh về
- Mấy cái ảnh của anh và em
- Chiếc khăn thêu bông hồng tím thủy chung
Anh giao tận tay cho anh Lương Ngọc Trú. Anh nói với anh Trú: "Tất cả tiền tuyến và hậu phương ở trong đó, nếu tôi không trở về thì bằng mọi cách anh phải thông báo cho Lưu Liên biết, anh cứ trao chiếc khăn này là Lưu Liên hiểu phải làm gì…".
Ký ức đau thương của ngày 19/1/1969 vẫn mãi in đậm trong tâm trí bà Liên. Hôm ấy, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Trần Minh Tiến, anh đã anh dũng ngã xuống trong một trận đánh đẫm máu tại đồi làng Cát, Khe Sanh, Quảng Trị. Tin dữ ập đến như một nhát dao lạnh lẽo, bà Liên gục xuống một góc nhà, đôi mắt vô hồn hướng về khoảng không trước mặt, tay không ngừng mân mê chiếc khăn tay thêu bông hồng tím – chiếc khăn mà năm xưa bà gửi theo anh đi chiến đấu. Bà nghẹn ngào, nức nở tự nói với chính mình: “Nó đã trở về mà không có anh, xóa nốt một chút tia hi vọng cuối cùng của em”.

Suốt buổi chiều hôm đó, bà lặng im, không khóc, dù trong lòng chỉ muốn gào lên thật to để cho cả thế gian thấy nỗi đau này lớn đến nhường nào. Bà thấy bóng mình lẻ loi, nhỏ bé và đơn độc làm sao.
Mãi cho đến khi một người thân đến vỗ vai, nhắc: “Ra đình làm lễ truy điệu anh đi em”, bà mới đứng dậy, bước đi như trong cõi mộng. Khi đến đình, thấy di ảnh ông Tiến với dải băng đen vắt chéo trước ngực, bà không còn kìm nén được nữa, nước mắt cứ thế tuôn rơi như trút hết nỗi đau bị dồn nén từ bao ngày tháng chờ đợi.
Sau lễ truy điệu, bà Liên ôm thùng thư và những trang nhật ký bà đã viết suốt những năm tháng yêu đương, mang ra sân định đốt như một cách để gửi trọn vẹn những lời chưa kịp nói cho người ở “thế giới bên kia”. Nhưng lửa vừa bén giấy, tay bà lại khựng lại vì không nỡ. Và rồi bà cẩn thận dập lửa, gom tất cả lại, cất giữ như thể đang góp nhặt từng mảnh ký ức vỡ để yêu thương ấy, dù dang dở, vẫn còn mãi với thời gian.
Viết tiếp tương lai từ quá khứ
Hơn 56 năm trôi qua kể từ ngày chia tay mối tình đầu giữa khói lửa chiến tranh, giờ đây bà Liên đã có một gia đình yên ấm, ngập tràn hạnh phúc bên người chồng yêu thương và những đứa con thành đạt. Chồng bà là ông Nguyễn Doãn Hùng, một sỹ quan quân đội, cả hai đến với nhau bằng một tình yêu chân thành và đầy bao. Ông Hùng không chỉ tôn trọng quá khứ của vợ, mà còn trân quý từng kỷ vật, từng ký ức về liệt sĩ Trần Minh Tiến. Với ông, việc bù đắp cho những mất mát của bà là một cách để gìn giữ tình người, gìn giữ điều thiêng liêng từ một thời oanh liệt.

Trước khi quyết định nên nghĩa vợ chồng, bà Liên đã không giấu giếm mà kể rõ mọi chuyện với ông Hùng về người lính năm xưa, về lời hứa đi tìm hài cốt người đã khuất khi đất nước hòa bình. Bà hứa sẽ là một người vợ hiền, một người mẹ tận tụy, còn tình yêu… xin hãy để thời gian và lòng người trả lời.
Khoảng năm 1971, khi miền Bắc xảy ra trận lụt lớn, trong lúc vội vã chạy lụt, ông Hùng có thể bỏ lại nhiều thứ quý giá, nhưng nhất định không quên mang theo chiếc vali đựng kỷ vật của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Ông nhìn vợ và bảo: “Những thứ khác có thể mua lại, nhưng nếu chiếc vali này mà trôi mất, em sẽ giận anh suốt đời.” Nghe vậy, bà òa khóc trong vòng tay ông. Từ giây phút ấy, họ thực sự là vợ chồng không chỉ vì tình yêu, mà còn vì sự trân trọng và sẻ chia.


Gần 20 năm ròng rã, bà Liên kiên trì lần theo từng manh mối để thực hiện lời hứa năm xưa tìm mộ người lính đã hy sinh. Đó là một hành trình đầy gian nan, bởi thời gian đầu thông tin còn mơ hồ, chiến trường cũ đã đổi thay. Mãi đến khi đất nước phát triển hơn, hồ sơ liệt sĩ được cập nhật đầy đủ hơn, bà mới lần ra được nơi chôn cất ông Tiến giữ trọn lời hứa: “Nếu một mai anh không trở về, ngày hòa bình em sẽ đi tìm anh”.
Trong hành trình ấy, ông Hùng luôn lặng lẽ đứng phía sau, âm thầm ủng hộ vợ. Ông không chỉ cảm thông với quá khứ của bà, mà còn mong muốn giúp bà thực hiện trọn vẹn những ước mơ còn dang dở của người lính năm nào.

“Năm 2008 tôi vào chiến trường xưa, tìm tới vị trí nơi anh đã nằm xuống, lúc đó xương cốt anh phần lớn hóa ra đất. Tôi đào được 4 chiếc khuy với chiếc đèn 3 pin. Thế nhưng trực giác cứ thấy thiếu gì đó, tôi có nói phải là cái đèn 3 pin mới là anh tiến. Thì quả thật lúc sau đào lên là cái đèn, tôi nhớ vì cái đèn ý tôi mua cho anh ấy, đặc biệt nhất cả đơn vị có 1 cái đèn 3 pin thôi”, bà Liên bùi ngùi kể lại.
Bà Liên thường nói với chồng mình rằng: “Có quá khứ thì mới có hiện tại.” Những ngày yêu ông Tiến, bà còn quá trẻ để hiểu thế nào là sẻ chia, là thể hiện tình yêu đúng cách. Chính vì thế, khi ông ra đi, bà day dứt trong nhiều năm trời. Đôi khi bà thầm trách mình: “Giá như mình dịu dàng hơn, quan tâm hơn, giá như anh ấy trở về, mình sẽ yêu thương anh nhiều hơn...” Nhưng rồi bà nhận ra, đời không có nhiều chữ “giá như” đến vậy. Và khi bước vào cuộc sống mới, bà luôn cố gắng để không còn nuối tiếc, cùng ông Hùng bù đắp cho những điều chưa trọn vẹn.

Hàng năm, gia đình ông Hùng và bà Liên đều vào nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị) để thắp nén hương tưởng nhớ liệt sĩ Trần Minh Tiến. Trong nhà, mọi việc trọng đại hay những quyết định quan trọng, các con bà đều thành kính thắp hương “xin ý kiến” người lính năm xưa như thể ông vẫn đang hiện diện, là một thành viên không thể thiếu trong đại gia đình họ.
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông Hùng và bà Liên vẫn bên nhau bằng một tình yêu sắt son, thủy chung. Ông Hùng luôn tự hào khi có một người vợ hiền hậu, giàu tình nghĩa và tận tụy vì gia đình. Còn bà Liên cảm thấy mình may mắn biết bao khi đời đã đưa đến một người đàn ông hiểu, thương và sẵn sàng cùng bà viết tiếp những chương đời đẹp đẽ nơi mà quá khứ, hiện tại và tình yêu đều được trân trọng như nhau.
Tin liên quan
Với chàng trai gen Z - Khuất Văn Hoàng, phục dựng di ảnh liệt sĩ không chỉ là công việc, trách nhiệm mà còn là lời tri ân sâu sắc đến thế hệ cha ông đã ngã xuống.
Bức thư “Gửi lại những người đang sống” là những dòng thư đầy xúc động được 3 liệt sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam để lại giữa cánh rừng nguyên sinh tại thượng nguồn sông Đồng Nai.
Vào dịp 22/11 – Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhóm thiện nguyện Nồi cháo yêu thương Thành Vinh đã tổ chức nấu bánh chưng tặng cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ.
Bài mới

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.