Chàng trai gen Z trắng đêm “hồi sinh” hơn 1000 di ảnh liệt sĩ
Với chàng trai gen Z - Khuất Văn Hoàng, phục dựng di ảnh liệt sĩ không chỉ là công việc, trách nhiệm mà còn là lời tri ân sâu sắc đến thế hệ cha ông đã ngã xuống.
4 năm qua, chàng trai gen Z – Khuất Văn Hoàng (SN 2003, Hà Nội) đã quen với những bữa cơm vội vàng và những đêm thức trắng. Anh không có ngày nghỉ, ban ngày tự cân đối công việc riêng để sau bữa cơm tối có thể dồn toàn lực phục dựng di ảnh cho các liệt sĩ. Với Hoàng, đó không chỉ là công việc mà còn là sự kết nối quá khứ và hiện tại theo cách rất riêng.
Hành trình tri ân của Hoàng bắt đầu từ năm 2021, khi dịch Covid-19 còn đang căng thẳng. Lúc đó, anh đang học chuyên ngành thiết kế đồ họa. Giữa lúc cách ly xã hội, mọi người đều phải ở nhà, Hoàng nhận làm ảnh thờ cho những gia đình mất người thân. Trong số đó, có một lời “nhờ vả” đặc biệt.

“Đó là lời nhờ vả của người nhà liệt sĩ. Họ nhắn tin nhờ tôi phục dựng tấm ảnh cũ đã bị hỏng, nước ảnh hoen ố, đường nét mờ mịt. Họ từng nhờ nhiều nơi nhưng không có ai nhận làm và cũng không làm được vì ảnh quá cũ. Tôi thấy việc làm này quá ý nghĩa nên thức trắng nhiều đêm, cố gắng phục dựng di ảnh. Công việc này đã trở thành bước khởi đầu cho chặng đường thử thách và đầy ý nghĩa của tôi sau này”, Hoàng kể.
Gửi lại bức ảnh hoàn chỉnh cho gia đình, Hoàng ngay lập tức nhận được cuộc gọi cảm ơn. Qua điện thoại, anh nghe được tiếng khóc của nhiều người. Họ xúc động khi sau bao năm cuối cùng cũng được nhìn người thân một cách chân thực qua ảnh.
Giọt nước mắt ấy khiến Hoàng nhận ra, phục dựng di ảnh cho các liệt sĩ là việc anh phải làm, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lời tri ân sâu sắc đến thế hệ cha ông đã ngã xuống.

Sau lần ấy, Hoàng tham gia nhóm Skyline và cùng với nhóm phục dựng hơn 7.000 di ảnh. Riêng Hoàng, đã phục dựng được hơn 1000 di ảnh liệt sĩ trong suốt 4 năm qua.
“Nhiều khi, tôi rời mắt khỏi chiếc máy tính thì trời đã sáng từ lúc nào. Có những ngày, tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng vì rất nhiều mọi người nhờ phục dựng ảnh. Dĩ nhiên, tôi không muốn nói “không” với bất kỳ người thân nào của liệt sĩ”, Hoàng nói.
Mỗi lần phục dựng xong một tấm hình, Hoàng đều thấy hạnh phúc vì đã hoàn thành tâm nguyện cho người thân liệt sĩ sau bao năm chờ đợi.
Ngoài phục dựng, Hoàng cùng nhóm Skyline còn đi khắp mọi miền Tổ quốc để trực tiếp trao ảnh cho các gia đình. Đến mỗi miền, mỗi nhà, anh đều có kỷ niệm khó quên.
Lần để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong Hoàng chính là lần trao di ảnh ở Hải Dương. “Lần trao di ảnh ở Hải Dương là lần khiến tôi day dứt, nuối tiếc mãi. Lần đó tôi nhận phục dựng ảnh cho một gia đình liệt sĩ. Người mẹ già đã trông ngóng ảnh con suốt bấy nhiêu năm. Khi đến trao ảnh, tôi thấy không khí trong nhà ảm đạm và tĩnh lặng. Hỏi ra mới biết, bà vừa qua đời 3 ngày trước và chưa kịp nhìn thấy hình ảnh trọn vẹn của con. Khoảnh khắc ấy, tôi như chết lặng, tự trách mình sao không làm nhanh hơn để người mẹ ấy được nhìn thấy con trước khi qua đời. Sau ngày hôm đó, tôi luôn ưu tiên làm ảnh cho các Mẹ Việt nam Anh hùng trên mọi miền Tổ quốc, trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Hoàng tâm sự.

Hiện tại, ngoài công việc phục dựng ảnh cho các liệt sĩ, Hoàng còn làm thiết kế đồ họa. Bố mẹ anh ban đầu khi thấy con thường xuyên thức đêm thì phiền lòng nhưng khi biết con trai đang làm công việc ý nghĩa lại ủng hộ nhiệt tình.
Có khi vì bận làm ảnh mà suốt thời gian dài Hoàng không ăn cơm chung với bố mẹ, dù sống cùng nhà. Bố mẹ anh không những không giận mà còn động viên: “Cố gắng con nhé!”. Câu nói ấy đã trở thành động lực của chàng trai Hà Nội cho đến bây giờ.
“Những năm qua, tôi không ít lần vỡ òa cảm xúc khi được chứng kiến khoảnh khắc người còn sống được gặp lại người đã khuất qua bức ảnh. Tôi biết, công việc này có ý nghĩa như thế nào”, Hoàng nói.
Xem thêm: Người dân Nghệ An chung tay “giải cứu” hỗ trợ xe chở dưa hấu bị lật
Tin liên quan
Ông Bùi Văn Tượng - cựu chiến binh tại TP. Đà Nẵng đã tự nguyện hiến gần 700m² đất để mở rộng con đường xóm nhỏ, góp phần thay đổi diện mạo khu dân cư, dựng xây quê hương.
68 quân nhân đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, diễn ra trên Quảng trường Đỏ Matxcơva (Nga).
Vinmec vừa thực hiện thành công ca ghép gan đặc biệt cho bệnh nhi N.L.T 8 tháng tuổi, chỉ nặng 6.5kg từ nguồn tạng hiến của bệnh nhân chết não.
Bài mới

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Al), hiện đang là Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research. Năm 16 tuổi ông từng giành huy chương Olympic Toán quốc tế, lấy bằng tiến sĩ tại Úc năm 25 tuổi, giữ vị trí chuyên gia máy học tại Adobe Research và nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.