Đời người có 3 kiểu: Người nghèo giả giàu, người giàu giả nghèo, chỉ có kiểu thứ 3 mới thực sự là khôn ngoan nhất
Trong cuộc sống có người nghèo giả giàu, người giàu giả nghèo. Dù là người giàu hay người nghèo cũng cần biết, khi giá trị của bạn tăng lên, hãy luôn giữ im lặng.
Người nghèo giả giàu
Cuộc sống hàng ngày, không khó để nhận ra giữa chốn đông người có kiểu người vì muốn tăng thể diện bản thân mà luôn tỏ ra vẻ mình là người giàu.
Người nghèo nhưng cố tỏ ra mình giàu có là bởi họ xấu hổ, tự ti, mặc cảm. Đây là kiểu người vì hư vinh mà thể hiện với người ngoài.
Khi họ hàng tụ tập ăn uống vào các dịp lễ Tết, giỗ chạp, kiểu người này sẽ luôn miệng khoe khoang về công việc và thu nhập của mình, bịa ra con số tiền khủng để ra oai.
Trong buổi họp lớp, họ sẽ tranh trả tiền bằng thẻ tín dụng. Khi ai đó có ý định trả tiền hoặc mọi người muốn cùng đóng góp, người này sẽ nói rằng nếu bạn bè tranh trả tiền là coi thường họ. Để rồi, sau bữa ăn cùng bạn bè đó, họ có thể phải tiết kiệm từng đồng tiền chi phí sinh hoạt cả tháng sau.
Có câu: “Nghèo không phải cái tội, nhưng nghèo thì vô hình trung đã trở thành nỗi xấu hổ của nhiều người”.
Đây chính là kiểu người đề cao sự hư vinh phù phiếm, họ nghĩ rằng phải thể hiện mình giàu có mới tạo lớp vỏ bọc an toàn, khiến mọi người xung quanh tôn trọng. Những hành động khoe mẽ đều cố che giấu đi sự tự ti và mặc cảm bên trong chính những con người này. Tâm lý "tham phú phụ bần" chi phối những việc làm của họ. Có thể thấy, càng là người trẻ chưa trải đời càng dễ có tâm lý này.
Quá nhiều lý do được đưa ra, chẳng hạn như không muốn cha mẹ bị coi thường, không muốn hàng xóm xung quanh ngó lơ, không muốn lòng tự trọng bị ảnh hưởng. Không còn cách nào khác, họ lựa chọn giả vờ khoác lên mình một tấm áo hào phóng, giàu có, không ngừng "làm màu" để thổi phồng giá trị của bản thân.
Người giàu giả nghèo
Đối lập với những người nghèo giả giàu thì là kiểu người tuy giàu có nhưng luôn giả vờ là mình nghèo khó. Tại sao lại như vậy? Đó có thể là do họ có tâm lý tự bảo vệ bản thân mình.
Khi con người nghèo khó dù giữa chốn chợ đông cũng không một người thăm hỏi. Khi người ta giàu có thì dẫu ở nơi núi thẳm vẫn không thiếu khách đến tìm. Giàu có thực ra có thể mang lại cho con người ta rắc rối không lường trước. Chẳng hạn, rắc rối đến từ người thân, bạn bè, hay những người xa lạ.
Với người thân, có không ít người nhân danh là họ hàng, cùng quan hệ huyết thống để đề nghị bạn phải giúp đỡ họ. Nếu bạn từ chối trợ giúp, họ sẽ không ngừng lên án bạn, dùng những từ ngữ không hay, mang yếu tố đạo đức ra đánh giá bạn.
Còn bạn bè có những người sẽ thông qua mối quan hệ với bạn để trục lợi, vay mượn tiền, tiếp cận các cơ hội tiến thân.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người ham danh vọng phù phiếm, vật chất cao sang, vì thế họ khó kiểm soát được những mong muốn của bản thân, những kỳ vọng đối với người khác. Một người nếu mưu cầu lợi ích từ bạn mà không đạt được sẽ khiến nảy sinh tâm oán hận mà có thể dẫn đến những hành vi gây tổn hại. Chính vì thế mà người xưa cho rằng "người sợ nổi tiếng, heo sợ mập". Đúng vậy, giữ im lặng, che đậy sự giàu có chính là cách họ tự bảo vệ chính mình.
Sự giàu có không phải tự nhiên mà đến, tiền bạc không tự nhiên trên trời rơi xuống, con người ta cũng phải nỗ lực lao động mới có cuộc sống ổn định, ấm no. Vì không hề dễ dàng gì để kiếm những đồng tiền nên con người ta càng cẩn trọng và đề phòng trước những người kết giao chỉ với tâm lý lợi dụng.
Giàu cũng được, nghèo cũng được, tự tại là được
Ở trên chúng ta đã thấy hai kiểu người đó là người nghèo giả giàu, người giàu giả nghèo. Thế nhưng, trên đời còn tồn tại kiểu người với thứ ba vô cùng đáng quý. Đó là kiểu người có thể giàu, cũng có thể nghèo, hoặc chẳng giàu chẳng nghèo, nhưng họ sống đúng với con người của mình, không cần cố tạo ra bất kỳ vỏ bọc nào.
Bạn nghĩ xem, quá khiêm tốn cũng là một kiểu khoe khoang, không tốt chút nào. Chẳng hạn, người đứng đầu cuộc thi với điểm 10 duy nhất nhưng lại luôn miệng nói rằng như thế là bình thường, mình chỉ học qua loa mà thôi. Nói vậy lại làm phản tác dụng của sự khiêm tốn.
Điều gì thái quá cũng là không ổn, con người sống ở đời, dù là quá kiêu ngạo để che giấu sự tự ti hay quá khiêm tốn để tự bảo vệ bản thân cũng đều là loại thái độ cực đoan.
Chỉ khi con người ta có tâm thế tự tại, không cố thể hiện sự hào nhoáng, không khoe khoang, đó mới là cảm giác bình yên nhất.
Chuyện kể rằng, một thanh niên trẻ vì luôn lo nghĩ, muộn phiền nên tìm đến một ngồi chùa cổ. Anh đã gặp và hỏi vị thiền sư già cách để có thể sống vui vẻ hơn. Vị thiền sư đã nói rằng, anh chỉ cần làm bốn điều đó là: đặt bản thân mình là người khác, đặt bản thân người khác là mình, đặt người khác là người khác và đặt mình là mình.
Bốn điều mà vị thiền sư nói qua thực có ý nghĩa. Bởi khi đặt bản thân mình là người khác để đối đãi thì chính là vô ngã; khi đặt người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là từ bi; khi đặt người khác chính là bản thân họ để đối đãi thì đó chính là trí tuệ; khi đặt bản thân mình là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là tự tại.
Người nào có thể hiểu thấu và đạt đến bốn loại cảnh giới này thì đích thực là người trưởng thành về thể xác lẫn tâm trí, bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh. Đây chính là cách sống tự tại của người khôn ngoan.
Xem thêm: Họa từ miệng mà ra: Người có EQ cao luôn học cách giữ mồm giữ miệng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận