Mong đợi gì ở con – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Hiện nay anh vẫn khỏe nhưng không có nghĩa là khỏe mãi được, anh phải đi làm để còn lo cho mình. Con cái như thế không mong đợi gì ở nó được.

Đang càng phê với bạn bỗng tôi nhìn thấy bóng dáng một người rất quen đang ngồi trước cửa ngân hàng đối diện. Ôi là anh Phú, bạn rất thân với gia đình tôi. Sao anh lại ngồi trước cửa ngân hàng trong trang phục bảo vệ thế kia? Tôi không thể tin được là anh lại phải đi làm cái nghề này, đến khi nghe anh bộc bạch mới hiểu vì sao… đúng là chuyện đời!
Anh Phú khi còn công tác đường đường là một đại tá Quân đội trong một quân khu, vợ anh nghỉ mất sức từ sớm nên không có lương hưu. Vợ chồng anh có một người con trai duy nhất tên Quý, từ nhỏ đã được cha mẹ yêu thương, chăm chút. Sau khi tốt nghiệp ra trường, cháu xin vào TP.HCM làm việc. Vợ chồng anh chị dẫu thương, không muốn xa con nhưng vẫn tôn trọng quyết định của con. Cháu Quý là người có tài, năng động, hoạt ngôn nên rất nhanh đã hòa nhập được môi trường ở thành phố lớn và tìm cho mình được một công việc tốt.
Vài năm sau cháu quen và kết hôn với một cô gái miền Tây. Sau một thời gian, cả hai đón đứa con đầu lòng, cũng từ đây vấn đề nhà ở bắt đầu nảy sinh. Có con nhỏ đi ở nhà thuê rất khổ, thế là con trai bàn với bố mẹ giúp đỡ mua cho một căn chung cư.

Anh chị thương con thương cháu nên bàn tính rút hết tiền tiết kiệm để dưỡng già ra cho con mua nhà. Số tiền đó chỉ mới được một nửa căn chung cư, khoản còn lại phải đi vay ngân hàng. Thời gian đầu, con trai anh tính toán trang trải tiền lãi ngân hàng hàng tháng rất thuận lợi vì thu nhập của hai vợ chồng khá cao. Anh chị thấy vậy thì rất mừng vì con trai đã tự lập, biết tự lo lắng, vun vén cho gia đình nhỏ.
Đến khi dịch Covid bùng phát, công ty con trai làm ăn sa sút nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Lương chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình nên Quý lại nhờ ba mẹ trả hộ tiền lãi ngân hàng hàng tháng.
Anh chị sống bằng lương hưu của anh, nếu giờ trả lãi ngân hàng cho con thì anh chị không biết phải sống thế nào, mà làm cha làm mẹ không nhẽ lại không giúp con trong lúc khó khăn. Anh chị suy nghĩ mãi và quyết định đi xin việc để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thế là ở tuổi 60, anh đi làm bảo vệ cho một ngân hàng với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Khoản tiền ấy tuy không nhiều nhưng hai vợ chồng sống tằn tiện cũng đủ.
Cũng từ ngày đó anh chị không dám đi chơi, bạn bè rủ cà phê, du lịch cũng từ chối hết, quần áo mới cũng chẳng dám sắm thêm. May mà sức khỏe anh vẫn tốt vì không có bệnh nền nên không mấy mệt mỏi hay áp lực khi phải trực đêm.
Hơn 4 năm qua, hàng tháng anh đều đặn chuyển toàn bộ số lương của mình qua tài khoản cho con trai để nó trả lãi ngân hàng. Cho đến một hôm, anh gặp cậu bạn thân của con trai anh và hiện đang làm cùng công ty với nó. Cậu ta ngạc nhiên khi thấy bố bạn mình lại làm bảo vệ.
“Tại sao bác lại đi làm ở đây? Lương hưu cao thế mà không đủ sống sao bác? Thành phố mình đâu có đắt đỏ lắm đâu, sao bác lại phải khổ thế”, thằng bé bất ngờ hỏi.
Anh kể lại sự tình xong thì cậu ta cười bảo: “Ối giời, đúng là khi mới bắt đầu dịch thì công ty có khó khăn thật, nhưng chỉ thời gian ngắn thôi bác, qua dịch là công ty nhanh chóng vực dậy rồi ạ. Hiện nay Quý đã được thăng chức lên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính rồi, lương rất khá đấy ạ! Để cháu đưa cho bác xem bảng lương tháng trước cháu vẫn còn lưu đây này”.
Nói rồi cậu ấy mở máy cho anh xem, anh không nghĩ con mình lại có mức lương cao đến vậy. Thế là bấy lâu nay anh bị chính con trai ruột của mình lợi dụng… sao nó lại đối xử với bố mẹ như thế. Anh chị đã không quản cực khổ chăm lo, nuôi dạy cho nó thành tài thế mà giờ nó lại bội bạc thế này. Nó không những không thương mà còn hút máu cha mẹ, bòn rút tiền của cha mẹ đến đồng bạc cuối cùng.
Mấy ngày sau con trai anh nhắn tin: “Ba chưa gửi tiền vào tài khoản của con tháng này!”.
Anh đọc mà lòng xót xa, anh còn mong đợi gì ở con được đây. Anh nhắn lại: “Ba không gửi cho con được nữa, dạo này mẹ con sức khỏe không tốt nên cần tiền thuốc thang, bồi dưỡng, từ giờ trở đi con tự lo cho mình nhé”.
Nó biết chuyện đã bại lộ nên giả lả nhắn lại: “Dạ, con biết rồi, ba mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe ạ!”.
Anh nói dù biết sự thật nhưng anh vẫn tiếp tục đi làm vì còn sức khỏe, ở nhà cũng buồn, đi làm quen rồi. Anh muốn tiết kiệm thêm tiền để phòng khi vợ chồng ốm đau vì số tiền dưỡng già đã không còn. Hiện nay anh vẫn khỏe nhưng không có nghĩa là khỏe mãi được. Con cái như thế không mong đợi gì ở nó được.
Đọc thêm
Chỉ ít ngày sau đám cưới, tôi vô tình phát hiện ra nhà chồng tặng vàng giả trong đám cưới để “làm màu” với thông gia, họ hàng và làng xóm láng giềng.
Má xức dầu quanh năm và nhiều nhất là vào ban đều, lúc trái gió trở trời. Mùi dầu má xức tràn ngập căn nhà, từ phòng khách đến sau bếp, một cái mùi đãm gắt…
Nghe lời mẹ chồng nói, cô con dâu uất ức không chịu được. Nếu giả sử được “trả về nơi sản xuất” như lời mẹ chồng nói thì cô cũng chỉ muốn cầm vali đi ngay…
Tin liên quan
Chính trực chính là cái gốc làm người. Bởi người chính trực thường sẽ chân thành, có đạo đức cao cả, tiết tháo nghĩa hiệp và khiêm nhường, hòa ái...
Không bao giờ nổi giận với người khác, và cũng không nổi giận với chính mình, mới được gọi là chân nhân!
Cuộc sống của chúng ta sẽ tốt hơn mỗi ngày khi ta hội tụ đủ 7 yếu tố dưới đây.