Vết dằm trong tim – Câu chuyện đáng suy ngẫm

Cuộc trò chuyện giữa bà nội và bà ngoại hôm đó đã trở thành vết dằm trong tim mình, để mỗi khi nhớ lại mình đều thương ngoại đến thắt ruột, không kìm được nước mắt.

Diệu Nguyễn
11:37 20/06/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mẹ lấy bố năm bà 20 tuổi, cái tuổi vô lo vô nghĩ. Mẹ thuộc kiểu gái ngoan, sống nội tâm, là kiểu phụ nữ của gia đình. Sau khi lấy về, bố nói gì mẹ đều nghe răm rắp.

Bố mẹ đi làm ăn xa nên mẹ không phải chịu cảnh làm dâu. Bố là người con có hiếu, dưới bố lại còn 8 người em đang tuổi ăn tuổi lớn. Những năm 80 còn chế độ tem phiếu, cứ có tem phiếu gạo, thịt, vải, đường là bố lại gom góp đem về cho bà nội nuôi các em.

Ngoài công việc buôn bán, bố mẹ còn chăn nuôi thêm heo và trồng thêm khoai sắn. Được cái bố mẹ mát tay nên heo lớn nhanh vù vù, khoai sắn thì cho sản lượng cao hơn người khác. Dăm ba tháng heo lớn là bố lại đem bán, đem tiền về cho bà nội. Gom góp được đồng nào, bố lại đem về lo đám cưới cho các em, xây nhà cho ông bà. Bao nhiêu công sức làm lụng bố đều đem về cho bà cả, thế mà mẹ cũng chả nói câu nào, mà còn vui vẻ vì đã giúp bà nuôi các em. Thế là bao nhiêu tiếng thơm thảo bà dành hết cho mẹ. Đi đâu cũng khen bố mẹ hết lời.

Sau này, toàn bộ gia đình nhà nội di cư vào nam. Lúc này các cô chú cũng đã trưởng thành, ai cũng có công ăn việc làm ổn định. Ông bà ở chung với bố mẹ. Nhưng bố mẹ và ông bà phân chia riêng về kinh tế. Bà buôn bán, cho vay tiền góp để kiếm sống. Còn bố mẹ vẫn tiếp tục lăn lộn buôn bán nhỏ để mưu sinh và các con thơ đang tuổi ăn tuổi học.

Khi ấy, mọi người sống chung, cùng chung khu đất, nhưng không chung nhà, không chung mâm cơm. Mẹ kiệm lời, kém giao tiếp, chỉ biết cặm cụi buôn bán và lo liệu chuyện nhà cửa. Bà hoạt bát lại ưa ngọt. Người nào nói ngọt với bà vài câu là bà có thể nhận làm con nuôi ngay. Có lúc bà còn nói bóng gió người ngoài còn tốt gấp vạn lần con trai, con dâu của bà. Trong khi đó chính “người ngoài tốt” đó lại là người vay tiền của bà xong không trả.

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là mâu thuẫn muôn đời nay rồi. Cũng không có gì mới lạ để mà kể ra cả. Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là bố mình – một người con nổi tiếng có hiếu. Mình không nhớ rõ nội dung câu chuyện là gì, nhưng sau khi nghe bà thuật lại, mẹ nhỏ giọng đính chính vài câu thì bố liền tát mẹ một cái thật mạnh đến mức chảy cả máu mắt. Và cũng từ lần đó, mấy chị em mình không nhìn mặt gia đình nội nữa, dù có đi ngang qua chị em mình cũng không chào tiếng nào. Các dịp lễ Tết, tụ tập chị em mình cũng không vào. Suốt 3 năm như vậy, một hôm chú mình gọi chị em mình lại hỏi sao tránh mặt cô chú và không vào nhà nội chơi. Rồi chú lớn tiếng mắng và bắt chị em mình từ nay phải đàng hoàng. Chào thì chào thôi chứ tình cảm thì không thể cứ ép buộc là có được.

vet-dam-trong-tim-cau-chuyen-dang-suy-ngam

Rồi một lần, sau 10 năm trời mẹ theo bố vào nam, bà ngoại mới vào chơi thăm con, thăm cháu. Mười năm với biết bao nhiêu thương nhớ. Ngày đón bà ngoại ở ga tàu, bà với mẹ ôm nhau khóc nức nở. Bà cứ suýt xoa: “Sao gầy vậy con ơi? Sao nhìn toàn răng là răng thế này?”.

Bà ngoại biết mẹ sống chung với nhà nội nên rất ý tứ, chào hỏi gia đình thông gia xong thì cố nép mình vào góc khuất để hạn chế đụng chạm với nội. Bà làm vậy là để tránh phiền phức cho nội và cũng là để giữ gìn cho mẹ.

Một hôm, mẹ đi làm như mọi ngày. Bà ngoại ở nhà một mình buồn chán nên vào nhà trò chuyện với bà nội. Khi ấy, mình ngồi bên cạnh. Bà nội vốn cao ráo, thon gọn, lại có nét nên khi trau chuốt kỹ càng nhìn khá sang. Bà ngoại lại khép nép, ăn nói nhỏ nhẹ, ăn mặc nhà quê. Nói được vài ba câu xã giao, bà nội bắt đầu kể tội mẹ thế này, mẹ thế kia. Bà ngoại lúc ấy chỉ biết ngồi khúm núm, cúi mặt như kẻ tội đồ. Bà nội nói câu nào bà ngoại cũng “dạ”, “vâng”, “cháu nó còn ngu dại, lại xa nhà sớm nên có gì mong bà thông gia thương tình mà dạy bảo cháu nó dùm em”.

Được đà, bà nội ngồi kể tội mẹ cả hai tiếng đồng hồ. Khung cảnh này, câu chuyện này, mỗi khi nhớ lại mình lại thấy như một phân cảnh trong tuồng cải lương “Lá sầu riêng”. Khi coi cảnh đó, không ai cầm được nước mắt cả. Bà mẹ vợ sau khi ra khỏi nhà bà mẹ chồng cũng là bà hội đồng thì òa khóc nức nở.

Sau một hồi, ngoại ra khỏi nhà nội, mặt buồn buồn nhưng không quên dặn mình đừng kể cho mẹ nghe chuyện hôm nay. Về tới phòng mình, nước mặt ngoại chảy dài, được một lúc ngoại cố nén lại để dọn nhà cửa, nấu cơm chờ mẹ về ăn.

Hôm lên tàu về quê, ngoại ôm mẹ khóc nhiều lắm, rồi ngoại vuốt ve mặt mẹ, nhỏ nhẹ dặn dò: “thôi con nhé, mẹ vào lần này thôi, khi nào nhớ mẹ và thu xếp được thì con đem tụi nhỏ về chơi với mẹ nhé. Mà nhớ làm gì thì làm, phải tự chăm sóc bản thân cho thật tốt, không ai yêu thương mình bằng chính bản thân mình cả con ạ!”. Kể từ lần ấy, ngoại không vào nam với mẹ lần nào nữa.

Khi ngoại mất, hàng xóm kể lại, lần nào nhận được tiền mẹ gửi về biếu ngoại cũng cầm nhìn rồi rơm rớm nước mắt nói: “Ốc mà cò nhai!”.

Chính khung cảnh ngày hôm đó đã trở thành vết dằm trong tim mình. Câu chuyện cũng khá lâu rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại mình đều thương ngoại thắt ruột và không thể cầm được nước mắt. Ngay lúc này, vừa viết mình vừa khóc. Và tới tận bây giờ, không ai biết về cuộc trò chuyện ngày hôm đó. Có khi ngay chính bà nội cũng chẳng còn nhớ nữa.

Sưu tầm

Xem thêm: Chuyến tàu về quê – Câu chuyện nhân văn cảm động

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận