Mợ của tôi – Câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn về đức hy sinh của người "mẹ kế"

“Mợ của tôi” là câu chuyện ngắn sâu sắc, giàu tính nhân văn và đức hy sinh của một người “mẹ kế” dành cho các con của chồng. Một tình cảm son sắt, thủy chung…

Diệu Nguyễn
05:00 18/07/2022 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Câu chuyện “Mợ của tôi”

Mãn tang vợ được vài năm, nhìn đàn con thơ dại, đứa lớn đút đứa nhỏ, nước mũi chảy tèm lem, 6 đứa suốt ngày loi nhoi lúc nhúc như bầy heo con, cậu chịu không nổi!

Một sáng đầu hè, cậu dắt về một người phụ nữ gốc Bắc. Nghe nói lúc đi buôn bán ở cửa khẩu Lạng Sơn, cậu kết bà này nên ỡm ờ dò ý…ai dè sáng hôm sau cậu dắt về Bến Tre thiệt. Quá trời người cản, nói nhẹ có, chửi thẳng mặt cậu cũng có: “Bộ xứ dừa này hết đàn bà cho thằng Tư mày chọn rồi à?”, “Rồi biết người ta có uống “nước phèn” chung với mình đặng hôn?”, “Đàn bà gì mà gò má nhô cao đụng nóc, số sát phu đấy!”,…

Nhưng cậu bỏ hết ngoài tai, chỉ nói: “Tui thương con gái người ta thì tui mới lấy”.

Tồi chính vì chữ “thương” ấy mà bà ta gắn bó với cậu đến chết cũng không chia lìa.

Mà tôi không hiểu sao cậu mợ quyết định không đẻ thêm đứa con chung nào nữa. Cả thảy tình thương hai vợ chồng dành hết cho 6 đứa này. Mà kể cũng lạ, mợ của tôi bả thương tụi nhỏ càng lúc càng nhiều hơn ổng. Vậy mới ghê!

Mo-cua-toi-cau-chuyen-y-nghia-nhan-van-2

Cậu đi làm xa nhà, quanh năm suốt tháng có mình mợ gánh cả giang sơn trên vai. Lúc đầu ổng còn về thăm, mấy năm sau thì ổng đi biệt xứ. Từ đó mình mợ phải gồng gánh hết….

Đám cúng Đình năm nào má tui cũng thấy mợ tui lăng xăng đi xin ông chủ tế làm thêm mấy việc nặng nhọc như kiêng con ngựa gỗ bự chà bá lửa ra lau chùi, leo lên xà gồ tuốt trên cao đóng lại mấy cái then, giăng dây phụ giữ xe, rửa cả chồng ly chén khổng lồ,…

Ông chủ tế thấy lạ nên hỏi: “Vợ thằng Tư, mày mần chi mấy chuyện đó cho cực thây vậy?”

Mồ hôi mồ kê thi nhau chạy trên trán mợ, mà bà chỉ cười cười, xong cố gắng phát âm giọng nam bộ sao cho không phản cảm nói: “Dạ…con…con mần nhiều không thấy cực. Lát nữa ráo hoảnh, cụ cho con xin 6 phần đồ ăn đặng con mang về cho tụi nhỏ ở nhà ạ!”.

Mợ mang về tới nhà, móc cẩn thận ra từ cái xách sờn rách đúng 6 phần đồ ăn, phát ra theo thứ tự từ nhỏ nhất đến lớn nhất. Đến phần thứ 6 thì thằng Hai không thấy nó đâu, chạy đi tìm khắp nơi thì thấy nó đứng khóc sướt mớt ngay hàng rào bông bụp. Mợ không hiểu gì, tiến lại hỏi: “Hai sao con đứng khóc mình ên vậy con? Lại đây Dì đút đồ ăn cho nè!”.

Nó xoay người lại, nước mắt giàn giụa: “Má…má… năm sau cúng Đình má nhớ dắt con theo để con làm phụ má nghe má”.

Mợ nghe vậy, cái bịch đang treo tòn ten trên tay rớt cái bịch xuống đất, mấy cái bánh bò nhỏ xíu lăn lóc trên đất. Mợ về ở với cậu được 3 năm rồi, mà đây là lần đầu tiên được thằng Hai gọi bằng “má”. Cảm động, mợ ôm ghì lấy nó vào lòng, bao nhiêu cực khổ cũng tự nhiên tan biến hết. Năm đó thằng Hai mới đúng 13 tuổi.

Mo-cua-toi-cau-chuyen-y-nghia-nhan-van-1

Nhà không có đất canh tác, quanh năm mợ chỉ đi cắt cỏ mướn, chèo xuồng đi nhổ lúa ma, ai mướn gì thì làm nấy. Mà đâu phải công chuyện có đủ quanh năm để làm đâu. Lúc hết việc, nghĩ sao mợ lại chèo xuồng lên thị xã đi bán máu. Lần nào thằng Hai thấy má nó về mà cầm nhiều đồ ăn, đồ chơi cho tụi nó là nó giận ra mặt. Nó giận má vì đã lén đi bán máu, giận bả vì nhất quyết không cho nó nghỉ học. Mợ của tôi cứ một hai nói: “Hai…con nhất định phải học cho ra ngô ra khoai, để đời con bớt khổ với còn để làm gương cho mấy đứa em nữa”.

Câu nói đó cứ văng vẳng bên tai thằng Hai, trở thành động lực để nó học hành chăm chỉ. Không uổng công mợ chăm bẵm nó, thằng Hai sau này là một trong ba bác sĩ Đa khoa đầu tiên của toàn tỉnh Bến Tre này. Mấy đứa em nó giờ cũng có công ăn việc làm ổn định. Đứa có gia đình ra ở riêng, đứa thì trọ học trên Sài Gòn, đứa học thú y, đứa lái máy cày, đứa làm cô giáo. Ngày vinh quy bái tổ, thằng Hai dắt về một cô người yêu ra mắt cả nhà. Trong khi má nó đang lủi thủi chụm lửa dưới bếp, cô người yêu chu mỏ nũng nịu với thằng hai ở trên nhà: “Tí nữa má anh lên, anh nói má đừng ngồi gần em nha”.

Thằng nghe vậy hỏi: “Sao vậy em?”

Cô người yêu nói: “Thì…thì tại má anh dơ quá, ngồi gần mình sẽ làm mình bị hôi. Với…với cả bả có phải má ruột của anh đâu!”.

Thằng Hai bất thình lình đứng dậy, chỉ tay ra cửa gằng giọng nói: “Cô đi ra khỏi nhà má tui ngay! Ngay lập tức!”.

Sững người vì quá bất ngờ, cô ta ôm mặt khóc um sùm. Má nghe ồn chạy lên hỏi thì thằng Hai quỳ sụp xuống chân má nó khóc nức nở: “Má ơi…má hy sinh cả cuộc đời cho con ăn học, giờ con thành ông nọ ông kia mà không biết lựa bạn gái để nó khinh rẻ má….con có lỗi với má nhiều lắm”.

Mợ đứng chôn chân tại chỗ, tâm can hơn nửa đời người của mợ đã không uổng phí….

Mo-cua-toi-cau-chuyen-y-nghia-nhan-van-3

Tháng 8/2010, còn khoảng tuần lễ nữa là Mợ lên máy bay xuất ngoại sang đoàn tụ với gia đình thằng Hai. Vợ nó hiện tại đã là một người con gái khác, thế hệ F2 trên đất Mỹ nhưng được giáo dục rất kỹ về kiến thức lẫn nét đẹp tâm hồn. Cô không quên mình là người Việt và ngay từ lần đầu gặp má của thằng Hai đã coi má nó là “quê hương” của mình.

Mấy hôm gần đi, chia tay bà con trong xóm mợ cứ thẫn thờ nơi góc vườn nhỏ sát rào bông bụp năm nào. Mợ muốn làm một điều gì đó, mà không làm được…

Đứa con gái út là cô giáo rất tinh ý, nói nhỏ với chồng ra xem có cái gì dưới nền đất ấy. Đào lên khoảng vài thước thì lòi ra một cái hộp thiếc nhỏ, cô cẩn thận giở từng lớp bịch gói đã nhuộm màu thời gian. Tới lớp sau cùng thì lặng của người, đó là đôi bông tai mù u mà cậu tặng mợ trong ngày cưới năm nào.

Trong nhà, mợ cầm điện thoại gọi cho thằng Hai, mợ chỉ nói mấy chữ đơn giản rồi nhẹ nhàng cúp máy: “Hai à, má không thể bỏ lại quê hương được…”

Rốt cuộc thì phút chót mợ của tôi vẫn không muốn đi Mỹ. Tôi cứ nghĩ mã là do mợ vẫn còn thương cậu, mợ vẫn nuôi hy vọng chờ ngày cậu về hay còn điều gì lấn cấn khác? Đọc tới đây chắc hẳn ai cũng giống như tôi. Bản thân tôi cũng nhiều lần hỏi mợ điều đó, nhưng mãi vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. Không ai biết mợ đang nghĩ gì cả…

Chiều nay cũng vậy, vươn người thắp cho mợ vài cây nhang…tôi thấy mợ vẫn cười một nụ cười hiền lành, chất chứa sự mãn nguyện khi đến cuối đời vẫn được nằm lại ở mảnh đất quê hương.

Sài Gòn, rạng sáng 09/05/2020.

Xem thêm: Người mẹ vĩ đại mang tên “bà Ngoại” – Câu chuyện nhân văn xúc động

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận