Đi khám bệnh – Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

“Đi khám bệnh” là câu chuyện ngắn, giúp bạn có cách nhìn khác về chữ hiếu và có sự cảm thông hơn cho con cái thời nay, hoặc cũng có thể là chạnh lòng...

Diệu Nguyễn
05:00 11/06/2022 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Câu chuyện “Đi khám bệnh”

Ở nước ngoài, Mỹ, Pháp hay Nhật chẳng hạn, người già tự đi khám bệnh một mình là chuyện rất bình thường. Chẳng ai lưu tâm, hỏi han hay tọc mạch về chuyện đó cả. Bởi con cái có công việc riêng của chúng, có gia đình chúng cần phải lo, có con nhỏ cần phải chăm sóc. Người già nếu còn đi được, chưa phải nằm băng ca cấp cứu thì có thể tự lo cho bản thân mình, chẳng cần ai phải trợ giúp. Họ đi đến bệnh viện, làm thủ tục, chờ bác sĩ khám rồi ra về, chuyện đơn giản thôi mà.

Người Việt ta thì lại khác, cha mẹ đi khám bệnh, con cái phải đi theo, nhiều khi cả mấy anh chị em và cả cháu cũng đi cùng. Nếu không làm thế sẽ bị người đời dè bỉu là không chăm sóc cha mẹ chu đáo. Bởi vậy, lúc nào cha mẹ đi khám bệnh là lại phải xin nghỉ việc, bán hàng thì tạm đóng cửa hoặc giao nhờ người khác, con cái thì gửi hàng xóm trông hộ. Mà thật ra, bệnh cũng chưa phải trầm trọng lắm, có khi chỉ là bệnh thông thường của người lớn tuổi lúc trái gió trở trời. Nhưng cứ đến bệnh viện là phải có người hộ tống. Trong khi người già có thể tự mình đi bình thường, tự mình làm thủ tục mà không cần làm phiền đến con cháu. Thế nhưng, những người xung quanh, kể cả những người xa lạ cứ thấy cảnh một người già lụm cụm đi khám bệnh một mình là lại xuýt xoa, thương cảm. Người Việt ta cứ hay thương vay khóc mướn thế đấy!

Di-kham-benh-cau-chuyen-y-nghia-sau-sac-1

Tôi cũng thường tự mình đi bệnh viện khi cảm thấy trong người không khỏe. Thường là những bệnh không nguy hiểm như khớp đau, gối nhức, cảm cúm theo mùa,…và hôm nay là nhức răng suốt đêm không ngủ được. Tôi bị thoái hóa khớp hành gần tháng nay nên đi đứng phải chống gậy. Lúc vừa mới gọi xe bảo đi viện, chưa kịp leo lên xe ngồi anh xe ôm đã hỏi: “Con cháu đâu mà đi một mình khổ thế?”. Tôi chỉ cười bảo, chúng nó bận trăm công nghìn việc, đi một mình cũng có sao đâu.

Đến cổng bệnh viện, vừa tập tễnh bước xuống đi vào thì có một cậu trung niên đến đỡ tôi, xuýt xoa bảo: “Bác ơi, con cái đâu mà để bác đi một mình thế?”. Nói thật, dù tôi đi lại khó khăn nhưng cũng không thích có ai dìu mình, chỉ muốn tự đi. Đi đâu mà người nào dìu là tôi phản ứng ngay. Vào làm hồ sơ, cô ý tá cũng lại bảo: “Sao chú đi một mình thế, con cháu đâu cả rồi?”. Rồi đến lúc về cũng thế, leo lên taxi hơi khó, thế là anh tài xế trách móc con cái không đi theo giúp cha mẹ vậy là không được, là bất hiếu rồi.

Tôi nghe những lời ấy cũng hơi bực mình. Tôi còn sức đi mà, tôi còn minh mẫn để điền hồ sơ mà. Còn nhớ có lần tôi bị đau chân, đi lại khó khăn. Hẹn bác sĩ lúc 9 giờ, tôi đến đúng giờ nhưng từ chỗ gửi xe vào phòng khám mất một đoạn khá xa. Tôi phải lê từng bước, hết người này đến người khác muốn dìu tôi nhưng tôi từ chối tất. Ai cũng bảo, khổ thân ông cụ, con cháu đâu mà tội nghiệp thế kia. Tôi muốn cãi mà nghĩ lại nên thôi, mỗi người có mỗi suy nghĩ, phản ứng làm gì để mất lòng nhau.

Di-kham-benh-cau-chuyen-y-nghia-sau-sac-2

Ở nước ngoài, người ta xem đó là chuyện bình thường, khi ta còn làm được thì nên tránh làm phiền người khác. Nên ở phương Tây, cứ đến tuổi là người ta chọn vào viện dưỡng lão để có người chăm lo bữa ăn, giấc ngủ mà không phiền đến con cháu. Còn người Việt ta thì cho đó là việc hiếu, con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ. Suy cho cùng, việc hiếu nằm ở thái độ, trong cách xử sự, hành vi hằng ngày, trong lời ăn tiếng nói chứ không chỉ là sự chăm sóc đôi lúc không cần thiết.

Khổng Tử từng nói: “Nếu nuôi cha mẹ mà cho ăn lúc đói, đắp mảnh áo lúc rét thì có khác chi nuôi một con vật đâu. Cái chính là tâm của con cháu đối với cha mẹ chứ không chỉ là những chăm lo vặt vãnh hàng ngày khi người già còn tự mình làm được”.

Theo tôi, tất cả đều nằm ở sự tùy tâm, dung hòa giữa hai quan niệm. Nếu con cái thấy có điều kiện để làm thì thuận theo chúng mà làm. Còn không thì cứ việc của ta thì ta làm, đường ta thì ta đi cho nó khỏe, khỏi vướng bận đến ai.

Di-kham-benh-cau-chuyen-y-nghia-sau-sac-3

Cấu trúc gia đình ngày xưa khác bây giờ nhiều lắm. Lúc xưa, con cái, cháu chắt ở chung tam đại, tứ đại đồng đường. Làm nông là công việc chính nên việc chăm sóc, hiểu để với cha mẹ cũng khác so với thời nay. Bậc làm cha mẹ thời nay phải hiểu cho hoàn cảnh của con cái mà đừng bắt bẻ, yêu cầu chúng những việc không thuận cho sinh hoạt và công việc của mình. Đó cũng là góp phần cho gia đình yên ấm, hạnh phúc.

Khi con cái còn nhỏ, chỉ cần chúng húng hắng ho, hơi sốt một chút là cha mẹ sẵn lòng đội nắng đội mưa kiếm thuốc cho con. Bất chấp đêm hôm, ôm con đến bác sĩ, bệnh viện. Nhưng khi chúng lớn lên, trưởng thành, có gia đình, sự nghiệp của riêng mình, cha mẹ muốn mở lời nhờ con đưa đi khám bệnh, mua viên thuốc, ổ bánh mì cũng ái ngại, rụt rè chẳng dám mở lời. Cuộc đời thế đấy, nước mắt chảy xuôi. Thôi cái gì ta tự làm được thì nên tự làm, sống vậy cho thanh thản, khỏi phải phiền hà, trách móc chi thêm nặng lòng, tâm lại không vui.

Tác giả: Đỗ Duy Ngọc

Xem thêm: Ai rồi cũng phải về với cát bụi – Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc cho tuổi già

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận