Sự “giàu có” của người nghèo – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Tôi không biết điều gì đã làm cho những người nghèo khổ ấy lại nhiệt tình giúp đỡ “thằng bé” mà họ không quen biết như vậy… phải chăng đó là sự “giàu có” của người nghèo!
Hồi còn sinh viên vào các kỳ nghỉ, tôi thường xin dạy thêm tại các trường mẫu giáo. Lần đó tôi xin được một chỗ làm ở thị trấn St.Louis. Đến khi vào làm tôi mới biết được ở đây người ta trả lương vào cuối tháng. Tôi lặng người, bởi trong túi chỉ còn đúng 4 đô. Với số tiền này tôi không thể trả tiền trọ chứ đừng nói đến việc đổ xăng hay ăn tối.
Tôi có một cây kèn trumpet và biết chơi một chút piano, nên ý nghĩ đầu tiên của tôi là dùng chúng để kiếm thêm ít tiền. Nhưng làm ở đâu? Tôi còn chưa quen thuộc với thị trấn này. Thế là tôi quyết định đem cái kèn của mình đến tiệm cầm đồ. Cầm 15 đô trên tay, tôi nghĩ số tiền này đủ cho tôi trả tiền trọ cho ngày hôm đó, hôm sau nữa. Rồi những ngày tiếp theo sẽ ra sao?
Lang thang suy nghĩ, tôi nhìn thấy một quán cà phê nằm cạnh tiệm cầm đồ. Tôi ghé vào gọi cốc bia 35 xu và ngồi đó thừ mặt ra.
"Trông cậu cứ như vừa đánh mất đồng xu cuối cùng ấy, con trai!", người hầu bàn già lại gần tôi và nói như vậy.
Ông ấy tên là Charlie, năm nay đã 60 tuổi. Tôi kể cho ông ấy nghe chuyện mình đang gặp phải, kể cả chuyện vừa đem cầm chiếc kèn yêu thích. Ông ấy nghe rồi hỏi lại: "Cậu cũng biết chơi piano à?".
"Cháu biết một chút thôi, không giỏi lắm", tôi nói. Charlie suy nghĩ vài phút, rồi hỏi tiếp: "Thế cậu có biết chơi bài “Stardust” không?".
Thật may, đó là một trong những bản nhạc ít ỏi mà tôi biết chơi. Tôi thử chơi cho Charlie nghe, cố gắng hết sức. Không hay lắm, nhưng nhìn Charlie có vẻ thích. Ông cười vang, vỗ tay thật to và nói: "Cậu chơi không hay lắm, nhưng cũng không đến nỗi quá tệ khiến khách bỏ đi! Thế này nhé, mỗi tối cậu hãy đến đây chơi bản nhạc này, tôi sẽ cố giúp cậu kiếm được đủ tiền để trả tiền nhà và tiền ăn cho đến khi nào cậu được trả lương. Mà cậu có bộ vest nào không?".
Tôi lắc đầu, thế là Charlie dẫn tôi đi mua ở một cửa hàng đồ cũ. Bộ vest màu nâu, có lẽ được dùng cho những người 40 tuổi, nhưng trông vẫn rất hợp với tôi
Ngày hôm sau, 6 giờ tối khách đến quán cà phê đã đông đủ. Trông ai cũng vất vả và lấm lem. Họ nghe “Stardust” và những bài hát cũ mà tôi chơi một cách chăm chú, thậm chí có người còn rơi nước mắt. Mỗi tối vài lần, Charlie đặt một chiếc hộp lên quầy hàng và nói: "Anh em, chúng ta cần giúp đỡ cậu bé này!". Và đôi khi ông dùng giọng điệu buồn kể lại cả tình trạng của tôi: sống một mình và không có tiền.
Ðến buổi tối thứ ba, một bà cụ đến gần tôi và nói: "Con trai, ta không có tiền để giúp con, nhưng ta có một căn phòng trống không dùng tới. Con có thể ngủ qua đêm ở đó để khỏi phải trả tiền nhà trọ”.
Tôi vui mừng đồng ý, liên tục cảm ơn bà cụ. Thế là từ hôm đó, buổi sáng tôi đến trường mẫu giáo dạy bọn trẻ, tối đến lại chơi nhạc cho những người già ở quán của Charlie. Sau một tháng, tôi được lãnh lương. Tiền lương khá cao, đủ để tôi sống sung túc, đàng hoàng. Tôi quay lại quán của Charlie chơi thêm một buổi nữa. Lần này tôi nói Charlie không cần đặt hộp quyên góp lên bàn, vì tôi đã có tiền rồi.
Nhưng ở chỗ mà mọi hôm Charlie đặt hộp, hôm nay mọi người vẫn để tiền ở đó. Tôi nhìn thì thấy có rất nhiều đồng xu và cả tờ 20 đô.
Tôi không biết điều gì đã làm cho những người nghèo khổ ấy lại nhiệt tình giúp đỡ “thằng bé” mà họ không quen biết, trong khi chính họ đang phải sống một cuộc đời chật vật.
Sau này tôi chơi piano tốt hơn và nhận làm thêm tại một khách sạn lớn và các buổi tối trong tuần. Tôi chơi piano cho những người khách giàu có và sang trọng. Nhưng chưa một lần nào và chưa một ai sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ tôi những gì họ có như những người nghèo ở quán của Charlie.
Sưu tầm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận