Con đừng bỏ mẹ - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

An quay người bỏ chạy khỏi hành lang bệnh viện, phía sau là tiếng mẹ gọi với theo: “Mẹ tự làm tự chịu. Mẹ sẽ tự trả nợ. Con đừng bỏ mẹ mà An ơi…An ơi!”.

Diệu Nguyễn
08:20 15/08/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sau 5 năm xa xứ, An trở về nhà thì bàng hoàng khi thấy tấm bảng “Cần bán nhà gấp” treo trước cổng. Ánh mắt An dừng lại nơi căn phòng cuối cùng, mái tôn mới lợp được một nửa, lộ ra khoảng trời, ánh nắng chói chang rọi xuống.

“Cha mẹ định sửa lại căn phòng này cho con, nhưng đang làm dở… thì ông thợ đổ nợ, bỏ trốn mất dạng”, cha An vội giải thích.

“Tại sao cha mẹ lại bán nhà”, An lo lắng hỏi.

Cha An nghe vậy vội đánh trống lảng: “Thôi con mới về cũng mệt rồi, vô nhà nghỉ ngơi lúc đã, để ba đi chuẩn bị cơm”.

Nói xong ông vội quay lưng đi. Được một đoạn ông nhìn lại thì thấy con gái kéo chiếc vali vào phòng, đó là chiếc vali màu đỏ mà 5 năm trước ông mua để con gái xếp hành lý sang Nhật xuất khẩu lao động, nay nó đã sờn màu, móc khóa bên hông cũng đã hỏng hóc. Nhìn bóng dáng gầy guộc của con gái, tự dưng nước mắt ông ứa ra.

Từ nhỏ đến lớn, An luôn là đứa con gái ngoan ngoãn, hiếu thảo hết mực. Chẳng bao giờ con bé dám ăn mặc, tiêu xài cho bản thân. Làm được bao nhiêu nó đều chắt mót gửi về cho cha mẹ.

Suốt bữa ăn, mỗi lần An hỏi đến mẹ cha lại lắp bắp: “Dì 5 bị bệnh… mẹ… mẹ con lên chăm mấy tháng nữa mới về”.

Đêm ấy An nằm trằn trọc suy nghĩ mãi, sao nhà lại bán, sao phòng lại sửa dở dang rồi bỏ đấy, rồi còn mẹ đang ở đâu? Trong lúc miên man nghĩ ngợi, từ trong gian bếp có tiếng chén bát rơi vỡ. An giật mình chạy xuống dưới thì thấy cha đang nằm co quắp trên nền đất, miệng ông đang cắn chặt một trái chanh, người xụi lơ không động đậy.

An vội lao ra ngoài sân, hò hét, kêu cứu hàng xóm. Chưa đầy 5 phút sau, bà con đã xúm xít quanh giường của cha. Người bảo ông bị trúng gió, người quạt, người xoa bóp xức dầu… An nhìn cha, nhớ lại cảnh tượng khi còn ở bên Nhật chứng kiến một người đồng nghiệp nam mất vì đột quỵ, vội vàng hối thúc mọi người phụ cô chở cha đi cấp cứu.

Ở viện, An liên tục gọi cho mẹ nhưng cứ báo “số máy hiện không liên lạc được”. Khi vừa tựa đầu vào thành ghế định chợp mắt một lúc thì An nghe có tiếng bước chân loẹt quẹt lại gần. Một người phụ nữ đội nón lá, mặt bịt kín, chỉ để hở hai con mắt. Vừa bắt gặp ánh mắt vàng đục, An nhận ra gay đó là mẹ. Cô định gọi nhưng mẹ vội đưa tay lên miệng ra dấu im lặng cho An. Mắt mẹ cứ nhìn quanh, vừa cảnh giác lẫn bất an: “Giấu gì nữa, giờ con về rồi, trước sau gì nó cũng biết thôi!”.

con-dung-bo-me-cau-chuyen-nhan-van-dang-ngam (1)

Là giọng của cha. An quay lại nhìn thì thấy mặt ông đã đỡ trắng bệch, xanh xao hơn lúc sáng. An vội bám vai cha hỏi: “Cha thấy sao rồi?”.

Cha cô mỉm cười, giọng rắn rỏi: “Ba khỏe rồi. Thật ra, ba suy nghĩ cả đêm cuối cùng phải chọn hạ sách này, xin lỗi vì để con lo lắng. Ba không giả bệnh sao mẹ chịu về gặp cha con mình”.

An giật mình nhìn sang mẹ thì thấy hai hàng nước mắt của mẹ đang chảy, làm ướt cả chiếc khăn bịt mặt. An nắm tay mẹ, sốt sắng hỏi: “Sao mẹ lại trốn con?”.

Mẹ quệt nước mắt, giọng ăn năn nói: “Mẹ kể ra… con đừng giận mẹ nghe An”.

An gật đầu, hồi hộp lắng nghe. Giọng mẹ cô hạ xuống, chậm rãi nói: “Mấy người bạn rủ mẹ chơi đánh đề. Ban đầu thì ăn nhiều lắm, nhưng về sau càng chơi lại càng thua. Mẹ muốn gỡ nên mượn tiền nóng, xong lãi mẹ đẻ lãi con… lên đến tiền tỷ rồi. Ngày nào chủ nợ cũng gọi mẹ, còn hăm xử… mẹ sợ quá nên phải bỏ trốn lên thành phố bán vé số để gom tiền trả cho họ”.

An nghe vậy rít lên, không tin nổi vào tai mình: “Nợ tiền tỷ… mẹ nhắm bán vé số thì đến kiếp nào mới trả nợ xong… hả mẹ?”.

Mẹ An im lặng cúi đầu. Đau đớn, giận dữ, đôi mắt An đầy những tai đỏ. Cô gằn từng chữ một, nói với mẹ: “Con đi làm bao năm không giữ lại cho mình đồng nào cả. Con gửi hết tiền về lo cho cha mẹ. Con có để cho cha mẹ phải sống thiếu thốn không? Sao mẹ lại vướng vào cờ bạc. Nếu mẹ không thương con thì mẹ… cũng thương những đồng tiền mồ hôi xương máu của con chứ mẹ… mẹ nỡ lòng nào…”.

Chỉ có những tiếng khóc rưng rức, hối hận của người mẹ trả lời thay cho câu hỏi của An. Cô loạng choạng bước đi khỏi hành lang bệnh viện. Phía sau cô là tiếng mẹ gọi với theo: “Mẹ tự làm tự chịu. Mẹ sẽ tự trả nợ. Con đừng bỏ mẹ mà An ơi…An ơi!”.

Giận mà thương, suy đi ngẫm lại An vẫn không thể bỏ cha mẹ với số nợ ngập đầu kia được. An vừa đi vừa ngẫm tỉnh, năm nay cô đã sắp sửa 30 tuổi, nếu đi xuất khẩu lao động thêm vài năm nữa thì còn kịp để thu xếp việc chồng con không? “Thôi kệ vậy, vạn sự tùy duyên, công nuôi dưỡng của cha mẹ sao mà bỏ được”, An gạt đi nỗi lo thầm lặng bước đi… tuổi xuân của cô rồi sẽ tàn phai cùng năm tháng nơi xứ người.

Sáng hôm sau An kéo chiếc vali ra đầu ngõ, An ngoái đầu lại, nhìn ngôi nhà cũ thêm một lần nữa, trong lòng cả núi sầu lo.

Bỗng cô nghe tiếng bà cụ hàng xóm gọi với lại. An dừng bước thì thấy bà đi tới, dúi vào tay An một bịch cam, bảo cho cô để dành đi đường khát nước thì ăn, rồi giọng nhỏ nhẹ dặn dò: “Thương yêu và hy sinh cho gia đình là đúng con ạ! Nhưng con cũng đừng quên… thương lấy bản thân mình một chút, con nhé!”.

An cảm ơn bà, rươm rớm nước mắt quay đi, miệng thầm thì: “Phải chi… con nghe được lời này của bà sớm hơn… nhưng mà…”.

Sưu tầm

Xem thêm: Im lặng để bình an – Câu chuyện đáng suy ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận