Con của dì kế - Câu chuyện đáng suy ngẫm
Nhìn thằng Hùng, con của dì kế, chị cảm thấy chướng mắt vô cùng. Cho đến khi tiếp xúc với nó chị mới nhận ra, mấy chục năm qua chị đã vô tâm đến nhường nào…
Mẹ mất sớm, cha nuôi chị đến khi chị lập gia đình, chị cứ nghĩ ông ở vậy đến khi nhắm mắt xuôi tay, ấy vậy mà chẳng hiểu thế nào “già chẳng trót đời” ông lại đi thêm bước nữa. Ông lấy một người phụ nữ chỉ hơn chị 10 tuổi, lại còn không được nhanh nhẹn lắm, nhưng vẫn có thể phụ ông công việc đồng áng.
Hùng là con của dì kế, là đứa em cùng cha khác mẹ với chị, nó đẻ cùng năm với thằng con thứ 2 của chị. Vài năm sau đó, gia đình chị chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Kể từ ngày cha lấy thêm vợ, chị ghét cha lắm, ghét luôn cả dì kế và đứa con của dì kế.
Nói thật, gia đình chị ở quê cũng không phải là nghèo túng, nếu còn ở nhà chị vẫn lo được cho cha đàng hoàng, dù ông không lấy vợ khác. Chị vào nam, cuộc sống tươm tất hơn nhiều, ở xa cha nên dần dần chị cũng bớt ghét cha hơn một ít. Thế nhưng, chị vẫn không thể gần gũi với gia đình mới ở quê. Chị gần như đoạn tuyệt với gia đình, chỉ ít lần về với chồng vì những công việc hãn hữu.
Chiều hôm ấy ở cơ quan, chị bỗng nhận được điện thoại của Hùng, đứa em cùng cha khác mẹ mà chị chưa bao giờ chấp nhận.
Hùng nói qua điện thoại: “Chị ơi, em đang ở ga Sài Gòn, chị cho em ở nhờ vài hôm với ạ!”.
Chị vừa nghe vậy đã thấy trong lòng bực bội vô cùng, nhưng vẫn phải tỏ vẻ điềm tĩnh trước mặt đồng nghiệp cùng cơ quan. Hôm đấy chị xin nghỉ sớm để đi đón nó. Ở ga chị nhìn thấy thằng Hùng mặt mày đen nhẻm, nhưng vẫn lộ vài nét thư sinh với đôi mắt sáng và vầng trán cao giống cha. Mà thôi chị chẳng qua tâm đến làm gì. Ngẫm nghĩ một lúc chị bỗng nhớ đến nó bằng tuổi với thằng con thứ 2 nhà chị, vậy đáng lẽ ra nó phải là sinh viên năm hai mới phải, mà sao giờ này lại ở đây. Dù thắc mắc nhưng chị chẳng hỏi gì, mà nó cũng chẳng nói.
Đón về nhà xong chị thấy nó ở nhà đúng 2 ngày rồi lang thang khắp nơi tìm việc. Một tuần sau chị thấy nó thông báo đã xin được một chân bốc vác ở cảng, nó vừa làm vừa ở đấy luôn. Ở mấy hôm chị nhận ra, Hùng là một thằng bé ngoan, thông minh và nhanh nhẹn, lại rất chịu khó. Hóa ra nó là đứa học giỏi, nhưng vì không đủ tiền trang trải đại học nên nó đành bảo lưu kết quả đi tìm việc.
Vào Sài Gòn 3 năm, vừa học nghề vừa đi làm, cuối cùng nó được nhận vào một công ty lớn trong thành phố. Tháng lương đầu tiên, nó mang đến cho chị một bọc quà với lời cảm ơn. Nghe thằng nhỏ nói mà hai hàng nước mắt chị chảy dài. Chị ôm đứa con của dì kế mà chẳng nói được lời nào. Chị đã quá vô tình, bỏ quên đi giọt máu chung và chị cũng đã quá vô tâm với một người đã thay chị chăm sóc cha suốt mấy chục năm qua. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, câu nói này chị đã nghe nhiều nhưng đến nay vẫn còn chưa hiểu hết ý của nó.
Sau khi nhận ra sự vô tâm của mình, chị liền trở về thăm cha. Vừa thấy chị, ông bỗng khỏe hẳn ra, đôi mắt không còn vô thần, suy sụp như trước đó nữa. Người ân cần hỏi han chị, nấu bữa cơm nhà cho chị ăn không ai khác chính là dì kế, người mà chị ghét cay ghét đăng ngày xưa.
Một lúc sau, cơm nước xong, dì kế bỗng cầm tay chị nói: “Thằng Hùng vẫn hay gọi điện về nói nhờ chị bảo bọc nên nó mới được như ngày hôm nay. Dì cảm ơn con nhiều lắm”.
Nghe dì nói vậy chị bỗng như khuỵu xuống, chị chợt nghĩ đến những ngày thằng Hùng đi vắng, những lúc cha ốm đau, đều một tay dì chăm sóc. Khóe mặt chị cay cay, chị chỉ lắp bắp trong miệng: “Con có lỗi với cha, con có lỗi với dì!”.
Sưu tầm
Xem thêm: Bài học cuối cùng – Câu chuyện Phật giáo đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận