Giữ mãi tâm lý "sợ làm mất lòng người khác" khiến bạn khó làm nên việc lớn
Luôn nghĩ rằng "sợ làm mất lòng người khác", không biết từ chối khi được yêu cầu làm gì đó mình không muốn sẽ khiến bạn khó làm nên việc lớn.
Có thể thấy rõ rằng, trong cuộc sống tồn tại không ít kiểu người luôn giữ tâm lý "sợ làm mất lòng người khác". Họ là những người khi đứng trước trường hợp phải thể hiện ý kiến và đối mặt với lợi ích, do lo lắng sẽ xảy ra xích mích với người khác, muốn tránh khỏi xung đột mà chủ động hi sinh lợi ích của bản thân, phủ nhận ý kiến chính mình. Họ cho rằng như vậy sẽ duy trì được hòa bình, hòa hợp giữa mọi người, mà không biết rằng thực ra đó là ảo vọng.
Đã có lần đầu thì sẽ có lần thứ hai, rồi lần thứ ba, thứ tư,... dần dà như vậy họ sẽ mất đi quyền được đưa ra ý kiến cũng như giành lấy lợi ích cho mình. Họ có thể cho rằng sự nhượng bộ của mình sẽ nhận lại tôn trọng, nhưng thực ra đó là cách tự làm mình yếu thế, dễ bị kẻ gian lợi dụng lấn tới, bị kẻ vô tâm coi thường giá trị của họ mà thôi.
Có một câu chuyện có tựa đề rằng "Đứa trẻ quậy phá, mệnh tốt nhất", kể về một cô gái tên N. nọ vốn là một người rất tốt bụng, nhiệt tình nhưng lại không phải là người giỏi ăn nói. Ở công ty, vì sợ mình nói lời khiến người khác mất lòng, cô thường cố gắng giúp đồng nghiệp mình vô điều kiện để giữ hòa khí. Cô có thể giúp chị A dịch tài liệu mà không cần bù lại, giúp anh B đi mua đồ ăn trưa dù mất gần hết giờ nghỉ trưa mà không lời than vãn,...
N. cho rằng việc cô làm như vậy thì sẽ được mọi người công nhận và tôn trọng. Thế nhưng cô không thể ngờ, hành động của cô lại khiến nhiều người thấy vậy mà được thể, những lời "nhờ vả" thực chất là sai khiến ngày một công khai, quá đáng hơn.
Vài tháng sau đó, công ty của N. có một nhân viên mới tên là Y., cô gái này là người trẻ trung, năng nổ. Chỗ ngồi của văn phòng đã hết, chỉ còn một chỗ ngồi sát cửa sổ, mùa hè thường rất nóng nực do bị ánh nắng chiếu thẳng vào nên chẳng ai ngồi. Thấy vậy, Y. tỏ ý không vui, phàn nàn và "làm loạn" muốn đổi chỗ, nhưng ai nấy đều im lặng.
Sau đó, trưởng phòng và vô số nhân viên khác lại tới tìm N., với mục đích "thương lượng" với cô và đề nghị cô đổi chỗ cho Y. Họ cho rằng nếu không đổi chỗ thì Y. sẽ không vui, còn N. là người "hiểu chuyện" nên sẽ không như vậy.
Đến tận lúc này, N. mới nhận ra rằng, những lần nhượng bộ trước đó của cô không đem lại sự tôn trọng nào, thực tế lại khiến người khác nghĩ rằng có thể được nước lần tới, chèn ép cô.
Dù đây có thể chỉ là một câu truyện trên mạng không có thực, nhưng nó có ý rằng sự bình yên dựa trên nền tảng "dĩ hòa vi quý" có thể ảnh hưởng tới quyền lợi, tự tôn của bạn. Không phải ai cũng là người biết điều và tôn trọng người có bản tính hiền lành, nhẫn nhịn, mà trái lại có không ít kẻ thấy vậy mà lợi dụng, lấn át.
Mọi mối quan hệ trong cuộc sống này nên được thiết lập dựa trên cơ sở bình đẳng. Cần nhớ rằng, một người có tính cách "tử tế", biết "nhẫn nhịn" khác với sự nhún nhường, chùn bước. Thực tế, bạn càng nhượng bộ, bỏ qua cho các hành vi sai trái, quá đáng của người khác, họ lại càng thấy thế mà coi thường bạn, đẩy bạn ra rìa.
Từ nhỏ, nhiều đứa trẻ đã được cha mẹ dạy dỗ là phải tử tế, hòa đồng, thân thiện, không ăn thua, gây sự với người khác. Việc giữ cho tâm thanh thản, biết nhẫn nhịn là một điều tốt, thế nhưng ta không nên để bản thân mình bị bắt nạt, coi thường. Cứ liên tục "tra tấn tinh thần", hạ thấp bản thân mình như vậy, liệu bạn có thể sống vui vẻ, sống khỏe mạnh được không? Thực tế, con người luôn có xu hướng đối xử dễ dãi với người khác, nhưng ngược lại lại vô cùng nghiêm khác với chính bản thân. Trong khi người mà chúng ta nên quan tâm, yêu thương, tử tế nhất lại là chính bản thân mình, bởi thực ra nội tâm ta mới là thứ quan trọng hơn cả.
Có một nhà văn nọ nói rằng: "Đừng sợ một kiểu tính cách nào đó sẽ khiến bạn đắc tội với người khác, nên biết rằng thế gian này không tồn tại một kiểu tính cách nào mà không đắc tội với người khác cả, nếu đều phải đắc tội với người khác, vậy thì thôi hãy cứ là chính mình, đừng sợ đắc tội với họ, bởi lẽ, bạn hoàn toàn có thể gánh được cái hậu quả này." Luôn nhún nhường, nhượng bộ sẽ làm hại tới lợi ích của bản thân, khó mà đem lại cảm giác an toàn mà bạn mong muốn, sức khỏe tinh thần cũng bởi vậy mà sa sút. Cảm giác an yên trong tâm hồn không đến từ việc không đắc tội, không làm mất lòng người khác mà là cách bạn bỏ qua những thứ ảo tưởng, mê muội mà tập trung ý thức vào bản thân mình.
Những người quá tử tế thường có khuynh hướng muốn lấy lòng người khác, bởi vậy mà họ không biết cách từ chối. Họ cho rằng nếu cứ thỏa mãn vô điều kiện yêu cầu của người khác thì sẽ được ưa thích, quý mến. Hãy nhớ rằng, người khác tôn trọng bạn vì khả năng của bạn, năng lực của bạn chứ không phải những lời nịnh nọt, lấy lòng của bạn. Dù bạn có năng lực, tài năng thật sự mà không dám thể hiện thì làm sao mà người khác công nhận được, cũng vì thế mà bạn khó có được địa vị trong tập thể, thậm chí còn không được tôn trọng.
Bởi vậy, đừng mãi tâm lý "sợ làm mất lòng người khác", như vậy khó lòng làm được việc lớn mà cứ mãi chùn bước, giậm chân tại chỗ mà thôi. Hãy tập cho mình thói quen thẳng thắn, dũng cảm nói ra câu từ chối, chấm dứt sự nhiệt tình mù quáng, đừng ngại nói ra suy nghĩ của mình. Tất nhiên, ta không cần phải từ bỏ bản chất tốt bụng, tử tế của mình, nhưng ta vẫn nên học cách tôn trọng bản thân mình trước.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận