Thăm nhà bạn – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Thăm nhà bạn ở tuổi ở cái tuổi lục thập hoa giáp thế này mới thấy thấm thía cái bình yên, hạnh phúc thực sự ở đời. Tưởng là dễ những khó vô cùng...
Bạn bè từ thuở học trò, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi đứa một số phận khác nhau… Nhưng dù vậy, thằng Tào, thằng Lao, thằng Hoan và con Hân vẫn là những người bạn thân thiết, cứ gặp nhau là ríu rít, rộn rã như thời trẻ trâu. Dù tuổi này đã có đứa đầy đủ cháu nội, cháu ngoại.
Hôm qua con Hân về, cả nhóm lại rủ nhau đến nhà thằng Lao chơi nhưng gọi cho sang mồm là “thăm nhà bạn”. Nhà nó ở cuối xóm, nhỏ bé và đơn sơ vô cùng. Nhưng vì sát cánh đồng với con sông nên không khí mát mẻ, trong lành, bình yên lắm. Cả bọn thích nhất là ngồi trước hiên nhà nó hít hà mùi hương hoa và lắng nghe tiếng chim lảnh lót.
Thằng Lao là một đứa giản dị, nhà nó cũng vậy, giản dị không kém. Trong nhà bày biện đơn sơ, ngoài sân nhỏ cũng chỉ trồng mấy cây quế hương, nhài và ngọc anh trắng muốt, nồng nàn, không bon sai bon đúng gì. Nổi bật nhất của căn nhà có lẽ là dãy hàng rào xanh đến ngọt ngào.

Con Hân ở thành phố đông đúc, xô bồ nên thích mê khung cảnh bình yên này. Nó ngồi im, nhắm mắt rồi hít hà, miệng lẩm bẩm “ước gì…ước gì…”.
Thằng Lao nghe vậy mỉm cười nói: “Trời, nhà ở cảnh quê có sẵn hết đó, sao Hân không về quê sống mà lại phải ước? Với có ước thì phải ước giống như thằng Hoan nhà cao cửa rộng, cây cảnh đầy vườn, chim quý đầy lồng chứ!”.
Thằng Hoan khẽ lướt cái nhìn ấm áp qua con Hân rồi nói: “Cách đây 10 năm, mình cũng từng mong như lời thằng Lao vừa nói, nhưng ở cái tuổi lục thập hoa giáp thế này thì như thằng Lao mới là yên bình, thanh thản nhất”.
Hân né cái nhìn của thằng Hoan, rồi khẽ khàng bảo: “Có ai cấm bạn đâu? Sao không chọn?”.
Hoan chép miệng nhìn xa xăm: “Không dễ đâu, gia đình mình vẫn còn mê mải kinh doanh lắm, vay vay mượn mượn, đầu tháng miệt mài đi đòi nợ, cuối tháng mệt mỏi trả ngân hàng. Sáng chưa bảnh mắt đã phải gọi điện nhắc nhở người này, phê phán, răn đe người kia. Tối đi làm về còn phải phân công việc cho sáng mai, rồi động viên đốc thúc người này người kia. Dù không áp lực phải nuôi nấng hỗ trợ ai nhưng cứ làm như nghiện, chẳng biết bao giờ mới dừng lại nghỉ ngơi”.
Thằng Lao và con Hân nghe xong chỉ biết lắc đầu, không biết phải nói với khuyên gì.
Thằng Tào ngồi cạnh, trầm ngâm một lúc rồi nói lại câu muôn thuở: “Không có đúng sai trong chuyện này, chỉ là cách lựa chọn của mỗi người hoặc là số phận, phải chấp nhận nếu ta không đủ sức, không thể xoay xở… như thằng Hoan!”.
Cả bọn dừng lại câu chuyện khi vợ thằng Lao, dáng quê mùa nhưng gương mặt toát lên vẻ hiền hậu bưng lên một mâm có 4 chén cháo cá thơm lừng, bốc khói nghi ngút.
Tào thấy vậy, nhanh nhảu bảo: “Em ngồi với bọn anh cho vui nhé!”.
Vợ thằng Lao nở nụ cười e thẹn: “Các anh chị cứ tự nhiên, em đi sang nhà em họ, nó cho vợ chồng em bụi hoa Chìu, hoa thơm lắm, mà mai nó vào Bình Phước rồi nên em sang lấy cho anh Lao trồng trước hàng rào nhà em”.
Vợ thằng Lao nói đến câu “nhà em” thì giọng mềm đi, tình cảm và tự hào.
Nhìn ngôi nhà đơn sơ, lắng nghe giọng nói mềm mại của vợ thằng Lao, đôi mắt thanh thản của thằng Lao… đến lượt thằng Hoan lẩm bẩm “ước gì… ước gì…”.
Chiều ập đến nhanh thật, cơn gió chớm đông quét qua hơi lạnh nhưng cả nhóm vẫn thấy ấm nồng bên tô cháo cá. Không khí ấm áp của gia đình thằng Lao cứ vậy lan tỏa, quyện vào không gian xung quanh và thấm vào tâm hồn của những đứa bạn tuổi về già.
Xem thêm: Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của người mẹ sau 32 năm bán hết tài sản để tìm con mất tích
Tin liên quan
Câu chuyện về con gà mái đã dạy chúng ta một điều rằng, những giọt nước mắt rơi trong đám tang không phải là nước mắt đau thương, mà là nước mắt của sự hối tiếc và ăn năn
Mặc cho mọi người ngọt nhạt rằng chị lớn tuổi rồi lấy chồng cũng chẳng ích gì, nếu muốn thì kiếm đứa con là đủ, nhưng chị vẫn quyết tâm lấy chồng vì muốn tìm nơi nương tựa cuối đời.
Thì ra, phép màu kỳ diệu ấy có giá một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ và lòng tốt của người bác sĩ tử tế.