Lấy chồng muộn – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Mặc cho mọi người ngọt nhạt rằng chị lớn tuổi rồi lấy chồng cũng chẳng ích gì, nếu muốn thì kiếm đứa con là đủ, nhưng chị vẫn quyết tâm lấy chồng vì muốn tìm nơi nương tựa cuối đời.
Chuyện chị chuẩn bị lấy chồng như sét đánh ngang tai mấy chị em trong nhà. Mọi người tức tốc họp gia đình để tìm cách giải quyết. Chẳng phải họ lo nghĩ cho hạnh phúc của chị mà chỉ vì chị lấy chồng rồi ai sẽ là người chăm cha. Nói đúng hơn họ sợ phải thực hiện trách nhiệm của một người con. Lâu nay họ quen phó mặc mọi thứ cho chị, chỉ thỉnh thoảng đảo qua nhà cho có lệ.
Mặc cho mọi người ngọt nhạt rằng chị lớn tuổi rồi lấy chồng cũng chẳng ích gì, nếu muốn thì kiếm đứa con để sau này có nơi nương tựa là đủ, nhưng chị vẫn quyết tâm lấy chồng. Người chị định lấy là một người đàn ông đã ngoài 50, vợ đã mất từ lâu, hai đứa con riêng cũng đã lớn, gia cảnh cũng thuộc dạng khá giả. Đó là chị nghe người mai mối bảo vậy, chứ thực hư thế nào chị cũng không rõ lắm.
Điều chị muốn là sự thay đổi cuộc sống. Chị thuộc dạng kém sắc nên ngoài 40 rồi vẫn không ai để ý. Chị em trong nhà lần lượt theo chồng, mình chị lo toan hết người này đến người kia. Mẹ qua đời đã lâu nên chị thay mẹ lo cho các em chu toàn. Chị đã quá ngán ngẩm với cái cảnh hiu quạnh, một mình chăm nuôi người cha già hơn 80 tuổi, đau ốm liên miên. Trong khi đó các em chỉ biết mỗi gia đình nhỏ của mình, đến tiền mua thuốc cho cha hàng tháng còn tị nạnh. Với chị, việc lấy chồng đơn giản là tìm một chỗ dựa sau này mà thôi…

Đám cưới của chị diễn ra đơn sơ, chỉ vài ba mâm mời bà con họ hàng, làng xóm rồi chị lên xe về nhà chồng. Chị hài lòng với đám cưới như vậy, không đòi hỏi gì thêm. Chị tin mình sẽ hạnh phúc với mối duyên muộn này khi hai con chồng đều đi làm ăn xa, cha mẹ chồng cũng chẳng còn ai. Chồng chị cũng có của ăn, của để nhưng cũng vất vả, làm luôn tay luôn chân. Tính anh cũng cục mịch, không biết ăn nói lời ngọt ngào. Dù ít nói nhưng công việc nhà anh đều làm phụ với chị vì sợ chị làm mệt. Hai con riêng của chồng cũng rất hiểu chuyện, thương chị, cứ về nhà là lại cằn nhằn cha không được bắt nạt gì đâu đấy. Chồng chị nghe vậy thì tét miệng cười.
Đôi lần chị tạt về nhà thăm cha, thấy cha lủi thủi ăn cơm một mình, nồi cơm đầy kiến nhưng ông không biết vì mắt đã mờ, chị trào nước mắt. Ngày trước hai cha con ở với nhau, ông đâu đến nổi khổ như vậy. Chị lấy chồng bỏ cha tuổi già cô đơn, các em cũng mặc kệ cha. Nhìn cha chị chỉ biết khóc rồi lặng lẽ quay về.
Thấy chị buồn, chồng chị hỏi chuyện. Sáng hôm sau anh dẫn chị về nói chuyện với cha: “Hay tía về ở với vợ chồng con, có tía về nhà cửa đông vui hơn”
Chị vào soạn đồ cho cha, rồi cùng chồng đưa cha về nhà mình. Chồng chị gọi thêm bạn phụ sửa lại căn phòng con trai ngày trước cho thoáng mát, sạch sẽ, rồi chiều lại chở chị lên chợ huyện mua cho tía chăn ga gối nệm mới với ít đồ dùng sinh hoạt. Trên đường đi, chồng chị còn ghé vào tiệm may dặn: “Chiều Út ghé nhà cậu đo may cho tía cậu 4 bộ đồ nghen”.
Thỉnh thoảng hai vợ chồng chị lại đưa cha về nhà cũ chơi, ngôi nhà mà các em chị đang muốn bán để chia nhau. Chị nói với chồng chuyện này, chồng chị chỉ bảo: “Tía về ở với vợ chồng mình, mình chăm tía đến hết đời, còn vườn tược nhà bên ấy em cứ để các em ấy muốn làm gì thì làm. Có Tía vợ chồng mình vui rồi. Mà anh mới hái ít so đũa, bông điên điển đấy, có con cá bông lau em làm nấu bát canh chua cho Tía với anh nhậu ngoài kênh cho mát nghen. Thằng Hai mai nó đem thuốc về cho Tía rồi, em khỏi lo”.
Chị dạ vâng rồi nhìn lên trời thấy vạt nắng trải dài, lòng thầm mang ơn vì chồng đã hiểu cho lòng chị. Chiều Hậu Giang mát đến lạ, được ngồi ăn một bữa với gia đình, hạnh phúc cũng chỉ có vậy mà thôi.
Xem thêm: Món quà bất ngờ của mẹ tôi - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Tin liên quan
Trong phong thủy, bếp được xem là nơi “tụ tài, hút lộc”. Để vun đắp cho sự thịnh vượng của gia đình, gia chủ cần đặc biệt lưu ý tránh 3 điều tốt kỵ mà người xưa dặn dò.
Cha mẹ nuôi con không kể ngày kể tháng, vậy mà tôi chỉ mới vừa bị bệnh con trai liền đùn đẩy trách nhiệm cho em gái… tôi nghe mà chua xót vô cùng.
Người ta gọi chị là “chị Oanh giúp việc”, nhưng cái tên giản dị ấy chưa bao giờ nói hết được về con người chị.