Bố tôi và những chiếc răng – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Nhìn nụ cười của bố tôi hạnh phúc vô ngần. Đôi khi báo hiếu không cần đến những điều to tát. Chỉ cần cha mình nhai ngon một bữa cơm, cười rạng rỡ không ngại ngùng, là đủ thấy lòng ấm.
Bố tôi là người đàn ông cứng đầu nhất mà tôi từng biết. Ông có thể trèo lên mái nhà giữa trưa nắng chang chang của tháng 7 chỉ để sửa cái ăng -ten. Ông có thể đạp xe gần 10 cây số về quê giỗ họ, dù đầu gối đau quặn mỗi khi trở trời. Và đặc biệt, ông có thể sống hơn 10 năm với chiếc hàm mất gần phân nửa răng mà không có lấy một tiếng than phiền.
“Già rồi răng rụng thôi, có gì đâu mà sửa”, bố tôi vẫn hay nói vậy mỗi khi tôi nhắc đến viện trồng răng.
“Nhưng bố ăn khổ quá, miếng thịt nào cũng phải xé nhỏ”, tôi nói với giọng nài nỉ.
“Bố ăn khổ quen rồi”, bố cười, ánh mắt vẫn điềm nhiên như thể đó là chuyện nhỏ nhất đời người.
Tôi im lặng. Có những lúc người cha già của mình bỗng giống như một đứa trẻ, cứ ngại ngần, lần lữa. Nhưng rồi, một hôm tôi đặt tay lên vai bố, nói khẽ: “Bố làm răng vì con được không?”.
Bố nhìn tôi rồi gật đầu. Cái gật đầu rất chậm.
Ngày đến phòng khám, bố ngồi co ro trên ghé như lần tôi đưa ông đi khám mắt. Bác sĩ hỏi: “Bác có mong muốn gì khi làm răng không?”.
Bố tôi cười nửa đùa nửa thật bảo: “Tôi chỉ mong nhai được bát thịt đông, không sợ rơi răng ra ngoài”.

Tôi cười theo, nhưng trong lòng nghèn nghẹn.
Rồi qua từng buổi hẹn, ông dần quen với việc khám chữa răng. Tôi nhận ra bố không còn né tránh mỗi khi bác sĩ cầm gương lên. Ông bắt đầu hỏi bác sĩ nhiều hơn, có lần còn bảo: “Làm răng này xong chắc tôi phải tìm lại món sườn nướng ngày xưa vợ nấu”.
Tôi cười, lòng nhẹ hẳn.
Đến ngày bộ răng hoàn thiện, bố tôi ăn một bữa cơm như thể đó là bữa cơm ngon nhất trần đời. Ông gắp miếng thịt kho, nhai từ tốn, chậm rãi rồi ngước lên nhìn tôi, ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa xúc động: “Nhai tốt lại chắc chắn thế này... biết thế bố đã làm sớm hơn”.
Câu nói ấy của bố khiến tim tôi thắt lại. Bố không nói nhiều nhưng tôi hiểu, những năm qua ông đã lặng lẽ chịu đựng không phải vì không đau, không khó chịu... mà là vì người già thường quen hy sinh.
Hôm sau, bố bảo tôi chụp cho ông một tấm ảnh. Bố mặc sơ mi trắng, nở nụ cười rạng rỡ. Răng bố đều, đẹp. Ánh mắt còn sáng hơn cả nụ cười.
Ông vui vẻ gửi ảnh vào zalo nhóm họ hàng, tay còn còn ghi thêm dòng chữ: “Tôi có thể ăn như ngày trẻ rồi”.
Nhìn nụ cười của bố tôi hạnh phúc vô ngần. Đôi khi báo hiếu không cần đến những điều to tát. Chỉ cần cha mình nhai ngon một bữa cơm, cười rạng rỡ không ngại ngùng, là đủ thấy lòng ấm.
Nếu bố mẹ bạn cũng đang chần chừ vì lo lắng, hãy nắm tay họ. Đưa họ đến nơi cần đến như ngày họ từng dắt ta đi những bước đầu đời. Vì hạnh phúc, đôi khi đến muộn… nhưng nếu đủ yêu thương, vẫn luôn kịp.
Xem thêm: Khi nào có thời gian – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Tin liên quan
Chỉ đến khi ngồi suốt đêm bên giường bệnh tôi mới nhận ra cái gọi là “khi nào có thời gian” chính là lời hứa suông lớn nhất đời người.
Phải xem đi xem lại đến vài lần phim "Thiện nữ u hồn", tôi mới để ý đến câu nói: "Thiện lương mà không sức mạnh chỉ là thứ vô dụng".
Sau 57 năm thất lạc, hai cha con ông Chu Nghiêm (84 tuổi, trú P.Tương Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đã được đoàn tụ vào đúng ngày 30/4.