Không dám trông cậy vào con – Câu chuyện đáng suy ngẫm
Sau chuyện ở viện vợ chồng tôi phải tính đường lâu dài cho mình vào những năm tháng cuối đời, đâu dám trông cậy vào các con thêm lần nào nữa.

Ngày trước, tôi chỉ muốn sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt nhưng mẹ và chồng tôi liên tục hối thúc, bảo sinh nhiều con vui cửa vui nhà, với lại đông sau thì về già có nhiều đứa chăm sóc bố mẹ. Thế là vợ chồng tôi quyết định sinh 5 đứa con. Ngày đó cuộc sống đói khổ nên vợ chồng cật lực động viên nhau, chăm chỉ làm việc để kiếm tiền lo cho các con ăn học tử tế. Các con tôi đều có ý chí, nghị lực, học hành tốt nên sau khi ra trường đều có công ăn việc làm ổn định.
Ngày các con trưởng thành, thành đạt cũng là lúc vợ chồng tôi về già. Ở tuổi 70, chúng tôi không có lương hưu nên hằng ngày vẫn phải trồng lúa, làm vườn, chăn nuôi để có tiền chi tiêu sinh hoạt và phòng lúc ốm đau.
Dù sức khỏe yếu nhưng hằng ngày tôi vẫn dậy sớm ra vườn hái rau, đi chợ kiếm từng đồng tiền lẻ sống qua ngày. Cuộc sống vợ chồng tôi khó khăn nhưng không bao giờ chúng tôi kêu ca nửa câu với các con. Bởi chúng tôi có lòng tự trọng của người làm bố mẹ, không muốn dựa dẫm, tạo áp lực cho con. Giá như các con thấu hiểu hoàn cảnh của bố mẹ, tự nguyện chu cấp tiền thì chúng tôi sẽ nhận. Nhưng bọn chúng không chủ động nói trước, là bố mẹ sau chúng tôi dám mở miệng xin tiền con cái. Các con tôi đều sống xa nhà cả ngàn cây số, mỗi năm bọn chúng về thăm hai vợ chồng già vào đúng dịp tết. Những lần đó mỗi đứa biếu vài triệu, nhìn thì nhiều nhưng cũng chỉ đủ mua đồ ăn đãi con cháu mấy ngày Tết.

3 tuần trước, tôi bị đột quỵ phải nhập viện cấp cứu. Các con nghe tin thì gọi điện hỏi thăm từ xa, bọn chúng bảo bận công việc, không về được nên dặn chồng tôi thuê y tá để chăm sóc. Nhưng chồng tôi không yên tâm giao vợ cho người ngoài chăm sóc, với cả ông cũng sợ tốn kém nên suốt một tuần liền luôn ở viện chăm tôi.
Khi nghe tin bác sĩ bảo tim tôi có vấn đề phải thay van để duy trì sự sống thì ông rất lo lắng. Bởi tiền tiết kiệm của chúng tôi có bao nhiêu đều dồn hết vào viện phí cả rồi, trong nhà chẳng còn đồng nào nữa. Hết cách, chồng tôi đành gọi điện cho các con nhắc bọn chúng góp tiền chữa trị cho mẹ. Nhưng đợi 2 ngày ròng rã mà chẳng có đứa nào phản hồi. Ông sốt ruột gọi lại lần nữa thì nghe con trai lớn nói: “Bố mẹ làm việc chăm chỉ cả đời mà giờ lại không có tiền chữa bệnh ư? Thế rồi sau này bố mẹ biết lấy gì mà sống đây, thật sự mệt mỏi quá. Hiện tại kinh tế của chúng con cũng gặp nhiều khó khăn nên chỉ có thể góp được 100 triệu lo cho mẹ. Con nghĩ khoản tiền đó cũng đủ để mẹ thay van rồi”.
Nghe con trưởng nói chồng tôi giận lắm, không thèm nhận tiền của con nữa, bảo: “Bố mẹ kiếm được đồng nào đều cho các con ăn học hết, khi các con trưởng thành cũng là lúc bệnh tật, tuổi già ập đến. Làm được đồng nào sau này đều dồn hết vào chữa bệnh nên giờ bố mẹ mới trắng tay như thế. Cứ ngỡ các con thành đạt bố mẹ sẽ được nhờ, nhưng lần này bố mẹ đã hiểu được tấm lòng của các con. Bố rất hối hận khi sinh ra những đứa con như các con, giàu tiền nhưng nghèo tình, sống bạc bẽo, vô ơn với bố mẹ. Bố mẹ sẽ không lấy của anh chị đồng nào nữa, bố sẽ bán dần đất để chăm lo tuổi già và chữa bệnh cho mẹ con”.
Nghe bố nói thế, các con tôi ra sức nhận lỗi và hớt hải mua vé máy bay về chăm sóc mẹ trong bệnh viện. Chúng nó cũng tranh nhau chi trả toàn bộ viện phí cho tôi. Các con bảo bố không được bán đất và để đất đó chia đều cho bọn chúng. Còn tuổi già của chúng tôi để bọn chúng quan tâm chăm sóc.
Tôi nghĩ nếu không có 3000m2 đất, chắc tuổi già của vợ chồng tôi sẽ chông chênh lắm đây. Nhưng sau chuyện này, chúng tôi cũng phải tính lâu dài cho mình vào những năm tháng cuối đời, đâu dám trông cậy vào các con thêm lần nào nữa.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận