Đừng trút giận lên người khác – Câu chuyện sâu sắc đáng suy ngẫm
“Đừng trút giận lên người khác” là câu chuyện ngắn giúp bạn nhìn nhận lại hành động của mình, đừng để cơn giận dữ của bản thân gây tổn thương cho người khác.
Câu chuyện “Đừng trút giận lên người khác”
Cãi nhau với chồng vu vơ xong, ông chồng bỏ đi nhậu với bạn, cô ôm nỗi giận tiếp tục ra bán hàng, con thì đi học hết, một mình cô thui thủi sao mà tủi thế.
Có thanh niên nọ tới dừng xe máy, gọi to: “Cô ơi làm ơn bán cho con một chai dầu gội đầu Clear với ạ! Loại to cô nhé!”.
Cô chạy vào lấy, khi ra thấy thanh niên vẫn đứng xe máy chờ, sẵn cơn giận cô quát lên: “Thế mày có định mua không mà đứng lỳ ra đấy? Không mua thì mời qua hàng khác! Thanh niên trai tráng gì mà lười biếng còn muốn được phục vụ tận răng nữa à?”
Thấy anh thanh niên dựng chân chống, bước cà nhắc chậm rãi tiến vào, cô phân vân. Anh thanh niên cười hiền, nói: “Con xin lỗi cô, hôm qua con mới ngã xe nên chân còn đau quá, không dám vận động nhiều. Chẳng là nhà không có ai nên phải tự chạy xe đi mua. Cô cho con gửi tiền với ạ!”.
Cô nghe vậy xong thấy hối hận vô cùng, đáng cô đã có thể dịu dàng hơn: “Con ơi, vào lấy giúp cô đồ được không, cô đang lu bu quá!”, thay vì nói những lời nặng nề khi nãy. Cô lấy thêm một chai dầu gội đầu nhỏ đưa cậu thanh thiên rồi nói cô khuyến mại thêm, cô cũng xin lỗi cậu vì sự nóng giận vừa rồi. Cậu chỉ cười xòa, nói không sao đâu cô, nghe vậy cô cũng nhẹ lòng hơn.
Vừa sáng đến viện làm đã bị sếp mắng, mà mắng vì mấy sự chẳng đâu vào đâu. Chú bảo vệ mặt hầm hầm đi ra ngồi trước cửa khoa, bắt đầu ngày làm việc với một tâm trạng nặng nề.
Đã hết giờ thăm bệnh mà một bác đứng tuổi tiến lại gần, cất giọng nhẹ nhàng hỏi: “Chào chú! Chú có thể cho tôi vào trong gặp bác sĩ Đức một lát được không ạ? Tôi có hẹn với bác sĩ giờ này!”
Chú cau có: “Giấy hẹn của bác đâu?”
“Dạ tôi không có! Tôi ở xa xuống đây, chỉ nhờ người quen gọi điện trước cho bác sĩ từ hôm qua. Sáng nay tôi đi từ sớm cũng quên đem theo điện thoại. Liệu chú có thể cho tôi vào trong một lúc hoặc chú giúp tôi gọi bác sĩ một câu được không?”, người phụ nữ khó xử nói.
Chú nghe xong gắt gỏng: “Đó không phải nhiệm vụ của tôi! Nhiệm vụ của tôi là không cho ai vào khoa này nếu không có phận sự! Tôi không cần nghe mấy lời giải thích của bác. Mời bác đi ra ngoài ngay!”.
Bác nghe xong cúi đầu, vẫn giọng nhẹ nhàng: “Dạ! Cảm ơn chú! Xin lỗi đã làm phiền chú! Vậy tôi xin phép chờ đến giờ được gặp bác sĩ ạ!”.
Nói rồi bác lặng lẽ quay ra ghế ngồi chờ dành cho người nhà. Chú thấy dáng bác gầy yếu, chợt nghĩ như dáng mẹ mình mà chạnh lòng. Đáng ra chú đừng trút giận vô lý, nói những lời nặng nề như vậy, chú có thể bình tĩnh hơn mà bảo: “Bác thông cảm cho tôi với! Tôi cũng muốn để bác vào lắm mà làm vậy sếp biết tôi lại bị khiển trách…”.
Nghĩ vậy, chú nhấc máy lên gọi điện cho bác sĩ Đức, từ đầu dây bên kia giọng bác sĩ ôn tồn: “Anh hướng dẫn cho bác ấy vào phòng gặp tôi nhé! Đó là mẹ của bệnh nhân đang điều trị ở khoa. Bệnh nhân nặng quá mà gia đình không có điều kiện nên đang muốn xin về, tôi cũng muốn cố gắng thuyết phục thêm lần nữa. Cảm ơn anh!
Nghe xong chú vội vã chạy về phía bác gái, đón lấy hai tay bác, nói: “Tôi thật lòng xin lỗi bác! Khi nãy tôi nóng vội mà nói những lời không phải. Giờ bác đi vào đi, tôi sẽ chỉ cho bác đường đến phòng gặp bác sĩ Đức”.
Người phụ nữ mừng rỡ, cảm ơn chú rối rít. Chú nhìn đôi mắt hân hoan của cô cũng thấy nhẹ lòng hơn.
Lời bình câu chuyện “Đừng trút giận lên người khác”
Cuộc sống hình như vẫn có cách thử thách sức chịu đựng của ta bằng những muộn phiền, giận dữ đủ hình thái cả. Khi thì công việc chẳng đâu vào đâu, khi thì chuyện tình cảm rạn nứt, khi thì đi làm trễ bị sếp mắng,…tất cả đều có thể khiến lòng ta bị xáo trộn và dễ dàng nổi giận. Rồi ta lại mang theo nỗi giận ấy như một thứ vũ khí sẵn sàng gây tổn thương bất cứ ai xung quanh. Nhiều lúc nghĩ lại thì mọi chuyện có thể đã đi quá xa rồi. Bởi không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận nổi giận vô cớ ta trút lên họ bằng sự vị tha nhẹ nhàng như anh thanh niên hay bác gái trong câu chuyện “Đừng trút giận lên người khác” như trên.
Nhưng vì ta cũng chỉ là người bình thường, nên dù ta có nhận thức được những điều ấy một cách rõ ràng nhất, cũng khó có thể tránh khỏi những giây phút bồng bột.
Giữ cho mình một cái tâm thanh thản, để có thể hạn chế tối đã những việc làm hay lời nói tổn thương, khi có chuyện xảy ra ta vẫn kịp nhận ra mà xoa dịu trước khi quá muộn. Và cũng là để ta nếu lần sau có nhận những tổn thương từ nổi giận của ai đó, cũng biết bình tâm mà đó nhận hết mực dịu dàng.
Xem thêm: Tiếng đóng cửa – Câu chuyện sâu sắc về sự cảm thông và chia sẻ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận