Cơm độn khoai – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Sài Gòn đâu thiếu món ăn ngon, nhưng tuần nào tôi cũng ăn vài ba bữa cơm độn khoai. Hổng biết sao tôi cũng y như má, mỗi lần cắn củ khoai trong nồi cơm là mỗi lần rớt nước mắt.

Mỗi lần có người thấy tôi ăn cơm độn khoai, chuối hoặc bắp là lại lấy làm lạ. Dù thức ăn không thiếu, nhưng tôi vẫn chọn cho mình một lối ăn đậm chất quê hương, đó là lối ăn của đứa con xa quê hương luôn hướng về nguồn cội.
Thậm chí, có người nhìn tôi ăn vậy còn chọc: “Ăn gì mà kỳ cục vậy! Chẳng giống ai!”. Mỗi lần như thế tôi lại cặm cụi ăn trong hạnh phúc.
Tôi vẫn nhớ như in những lần má bới cho tôi tô cơm độn khoai và đưa kèm thêm vài trái chuối. Dù bữa ăn có mấy con cá rô mới câu được dưới ao lên, nhưng những món độn vào cơm là không thể thiếu trong mâm cơm gia đình tôi. Lần đầu cầm lấy tô cơm độn của má, tôi ăn ngon lành, nhưng ăn riết rồi cũng ngán. Có lần vì ngán quá, tôi trách má vì sao không nấu cho tôi một bữa cơm trắng ăn cho phỉ. Khi ấy, má chỉ cười hiền, ánh mắt đượm buồn nói: “Vì nhà mình hết gạo rồi con!”.
Nhà tôi nghèo, nhưng vẫn hơn so với khó khăn của gia đình ông bà ngoại ngày trước. Tôi là con một, ba má làm việc cật lực để lo cho tôi cái ăn, cái mặc tươm tất, không thiếu thốn gì so với bạn bè. Còn về phần ba má thì sao cũng được, miễn lo cho tôi đầy đủ là ba má vui rồi. Nhà ông bà ngoại ngày trước theo lời kể của má cũng rất vất vả để lo cho mười mấy người con trưởng thành. Khi ấy, ông bà ngoại ráng cho mấy đứa út đi học, còn mấy đứa lớn thì chịu khó nghỉ học ở nhà làm lụng lo cho các em. Má tôi là con áp út nên được đi học hết lớp 9. Đó là phúc phần của má so với những anh chị em trong gia đình.
Vì cái nghèo không bao giờ có giới hạn và thời gian, nên mọi chi tiêu đều hết sức tằn tiện để chờ ngày khá khẩm hơn. Riêng trong khoản ăn uống thì cơm độn là món quen thuộc. Với những vị lão niên như ông bà ngoại hay ba má tôi thì cái câu “cơm chan nước mắt” đúng theo nghĩa đen của nó. Bởi từng phải chịu cái cảnh đói vây hãm nên mỗi khi nhìn thấy gạo trắng ai nấy cũng đều xúc động muốn khóc. Khóc vì mừng, mà cũng khóc vì buồn nữa. Mừng vì lâu rồi mới có cơm trắng để ăn, còn buồn là vì có chừng ấy cơm thì mười mấy miệng ăn ai ăn ai nhịn. Kết quả là ông bà ngoại tiên phong ăn khoai lang, khoai mì, bắp,… được độn trong cơm, còn để phần cơm trắng nhường cho các con. Nhìn lũ nhỏ ăn ngon lành, ông bà thương đến chảy cả nước mắt.
Sau này ông bà ngoại mất, mỗi lần cúng cơm má lại nấu cơm độn khoai. Cúng xong, má ăn cơm, cắn miếng khoai, miếng chuối là nước mắt lại rơi. Tôi thấy vậy thì chọc: “Má khóc nhè!”. Khi ấy, má chỉ cười, lấy tay hất đầu tôi: “Thằng quỷ này!”.

Sau này khi lớn lên tôi mới hiểu ý nghĩa về món cơm độn khoai mà má hay nấu. Món cơm ấy là món cơm gợi nhớ về những ngày khó khăn gian khổ. Tôi vẫn nhớ hoài giời giải thích của má vào ngày tôi sắp xa nhà: “Má hay nấu cơm độn khoai cho con ăn là vì muốn nhớ cái thời cực khổ mà hạnh phúc ngày trước. Cái thời còn ông bà ngoại, các dì, các cậu của con sống cùng một mái nhà. Nhớ cái hồi ấy, mười mấy miệng ăn quây quanh cái nồi cơm độn. Con nhớ hen, dù giàu có đến mấy, sang trọng đến mấy cũng đừng bao giờ coi thường món cơm này. Vì nhờ nó mà ba má mới khôn lớn, trưởng thành và cũng nhờ nó mà má nuôi con được như bây giờ”.
Má vừa nói vừa kéo tay áo lau những giọt nước mắt đang rơi lã chã trên mặt. Rồi má chìa tay đưa tôi ít tiền để lên Sài Gòn học, tay kia thì má đưa một bao tải đựng khoai, bắp, sắn,... rồi dặn: “Đem theo, có đói quá thì độn vào cơm mà ăn nghen con!”.
Sài Gòn đâu thiếu món ăn ngon, nhưng tuần nào tôi cũng ăn vài ba bữa cơm độn khoai. Hổng biết sao tôi cũng y như má, mỗi lần cắn củ khoai trong nồi cơm là mỗi lần rớt nước mắt. Cuộc sống của tôi giờ đã đầy đủ hơn nhiều rồi, nhưng tôi vẫn ăn theo lối ăn của má và ông bà ngoại ngày xưa. Tôi chọn điều đó vì nó nhắc tôi cả một thời xa xưa khổ cực và hạnh phúc của ông bà cha mẹ. Tôi của bây giờ là thành quả của ông bà cha mẹ , tôi được thừa hưởng cái tốt đẹp hơn mà lớn lên sung túc từng ngày. Tôi thực hạnh phúc và hãnh diện vì điều đó...
Sưu tầm
Đọc thêm
Người chồng mù từ từ bỏ chiếc kính đen ra, chậm rãi nói: “Tôi chưa bao giờ bị mù, nhưng vì thương vợ nên tôi luôn giả mù trong suốt mấy năm qua".
Khi một nửa nhân loại thấy rằng họ không cần làm gì vẫn sống tốt, còn một nửa kia lại nghĩ rằng có làm kiệt xác cũng chẳng ích gì vì sẽ bị kẻ khác chiếm mất. Thì đó chính là khởi đầu cho sự kết thúc của mọi xã hội
15 đồng tiền tip này có thể ít ỏi đối với rất nhiều người, nhưng nó lại là tấm lòng lương thiện của một cậu bé, một tấm lòng cao cả, quý hơn cả vàng.
Tin liên quan
Tiền tài trước mặt thử nhân tâm. Tiền quan trọng đối với mọi người và tiền cũng là phương tiện giúp ta nhận ra bản chất thật của nhiều người.
"Lùi một bước biển rộng trời cao" - đây không phải lời sáo rỗng dùng để an ủi người thất bại, cũng không phải là điều mà các ẩn sĩ ôm trong lòng. "Lùi một bước" thật sự là một loại cảnh giới thượng thừa.
Có thể bạn không biết, nốt ruồi đỏ ở trong lòng bàn tay được xem là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý.
Bài mới

Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”. Người có lòng thiện cao nhất thì như nước. Nước khéo làm lợi cho muôn loài mà không tranh giành với ai. Một lời dạy giản dị, nhưng ẩn chứa minh triết sâu sắc về cách sống hài hòa với vạn vật, thuận theo tự nhiên, và giữ mình khiêm nhường mà vẫn vững mạnh.

Cổ nhân xưa có câu: “Kẻ trí chọn bạn như chọn cây để trú, người dại chọn bạn như nhặt củi giữa rừng thấy gì cũng ôm vào, rồi có ngày bị đâm ngược trở lại”. Vậy nên, người khôn ngoan không chỉ học cách tiến tới, mà còn biết khi nào nên rút lui. Dưới đây là ba kiểu người mà bậc trí giả xưa nay luôn tìm cách tránh xa, trong khi kẻ dại lại dễ bị cuốn vào, chuốc lấy khổ đau.

Người xưa nói: “Không mắc kẹt trong sự oán giận là đã đạt được một nửa hạnh phúc” không phải một lời sáo rỗng khuyên người ta “buông bỏ cho nhẹ lòng”, mà là một minh triết sâu sắc về bản chất của hạnh phúc: Hạnh phúc không chỉ đến từ những gì ta có, mà còn đến từ những gì ta không để tâm mình bị trói buộc.

Cổ nhân răn dạy: “Người nuôi dưỡng cây, cây giúp người thịnh vượng” không chỉ là lời nhắc về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, mà còn là chân lý về sự bền vững, sự trao đi và nhận lại trong cuộc đời.