Khi buông tay con ra, là cha mẹ chấp nhận nuốt vào lòng biết bao giọt nước mắt của sự hụt hẫng

Đối với cha mẹ, con cái luôn là những đứa trẻ cần được chăm sóc, che chở. Nhưng đến một thời điểm nào đó khi tình yêu đủ lớn, cha mẹ sẽ “buông tay” để con bay.

Minh Hằng
17:30 01/07/2022 Minh Hằng
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Khi buông tay con ra, là cha mẹ mong muốn trao gửi lại cuộc đời con cho chính chủ thể là con. Bởi dù cha mẹ có yêu thương con đến dường nào đi nữa thì cũng không thể sống thay cho cuộc đời con – chịu đựng nỗi khổ niềm đau hay cảm nhận cái gì là hạnh phúc.

Khi buông tay con ra, là cha mẹ tin rằng chỉ khi nào con không còn dựa dẫm vào một nơi quá an toàn như vòng tay cha mẹ nữa thì con mới quyết tâm quay về nương tựa tuyệt đối vào bản năng vĩ đại của mình. Bởi con là nhân vật duy nhất có thẩm quyền đi sâu vào bên trong tâm hồn mình để khơi dậy những giá trị tiềm ẩn mà đất trời đã ban tặng.

Khi buông tay con ra, là cha mẹ tin rằng cha mẹ dù có tài giỏi đến đâu thì cũng chỉ trao truyền cho con một số vốn sống nhất định mà trong số ấy không phải thứ nào cũng phù hợp với cuộc đời con. Do đó, cha mẹ cần trao lại vai trò dẫn đường đời con cho con, lùi lại để con tự mình học hỏi biết bao điều từ thế giới xung quanh và cả chính nơi con.

Khi buông tay con ra, là cha mẹ tin rằng con chắc chắn không phải là bản sao của cha mẹ. Bởi con vốn có bản sắc riêng biệt, là tác phẩm kỳ công của đất trời, nên con cần được là chính con mà không phải chịu ảnh hưởng quá nhiều từ nhận thức, thói quen và cả sự giáo dục của cha mẹ. Tuy con là sự tiếp nối của cha mẹ, nhưng con sẽ rất khác với cha mẹ – có thể có nhiều tài năng và bản lĩnh hơn, có thể sống hạnh phúc và giàu giá trị hơn.

Khi buông tay con ra, là cha mẹ mong muốn nhìn thấy con vấp ngã ngay từ khi cha mẹ còn có thể dõi mắt theo để kịp thời đưa tay nâng đỡ. Bởi cha mẹ kinh nghiệm rằng, những cú vấp ngã đầu đời là vô cùng cần thiết giúp con người mau chóng trưởng thành. Nếu cha mẹ cứ dang tay ra bảo bọc, thì cũng có nghĩa là cha mẹ đã vô tình làm trì trệ tiến trình trưởng thành tự nhiên của con, hoặc thậm chí lấy mất cơ hội vàng ấy của con.

Khi buông tay con ra, là cha mẹ mong muốn con hiểu rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con là chân thật. Tuy phải chịu đựng vô vàn đắng cay, tủi nhục để bảo vệ con, trao truyền không biết bao nhiêu tinh hoa để con lớn khôn, nhưng cha mẹ lại không hề toan tính bắt con phải ở cạnh bên để trả hiếu suốt đời. Bởi cha mẹ tôn trọng mọi sự lựa chọn của con, điều gì khiến con thật sự hạnh phúc và sống có giá trị là cha mẹ sẽ hết lòng ủng hộ.

Khi buông tay con ra, là cha mẹ mong muốn bước vào vai trò mới – người bạn đồng hành đáng tin tưởng nhất của con. Nói ‘nhất’ cho vui thôi, chứ thật ra cha mẹ chỉ mong được trở thành người bạn lớn đáng tin tưởng và không gây bất cứ trở ngại nào cho con. Cha mẹ không muốn trở lại cái vai cũ mèm – cứ phải can thiệp và sắp đặt cuộc đời con. Làm bạn quý với nhau, tôn trọng tự do và sẵn sàng nâng đỡ nhau, chẳng phải là tuyệt diệu lắm sao?

Khi buông tay con ra, là cha mẹ chấp nhận từ bỏ uy quyền của một bậc sinh thành đã sinh phần đời mình cho con. Dù không hề vụ lợi, nhưng bao nhiêu năm trời sống trong cái vai như thế thì rất khó để đặt xuống trong nhất thời. Bỗng dưng bây giờ lời nói của mình không còn trọng lượng đối với con nữa, ngay cả những quyết định lớn trong đời mà con cũng chia sẻ với mình với tính chất tham khảo thôi, thì làm sao không buồn, không tủi. Nhưng vì con, cha mẹ sẽ tiếp tục đón nhận phần khó khăn ấy và xem như bài tập phải vượt qua.

noi-long-cha-me-khi-buong-tay-con-de-con-tu-buoc-di-2

Khi buông tay con ra, là cha mẹ chấp nhận nuốt vào lòng biết bao giọt nước mắt của sự hụt hẫng, chơi vơi, vì cảm tưởng như mình đang bị bỏ rơi. Phải thừa nhận rằng tình thương nào cũng mang đến hệ luỵ, và tình thương cha mẹ dành cho con cái cũng ít nhiều có sự nghiện ngập. Con biết không, có khi vì thương yêu con quá mà cha mẹ đã bỏ hỏng cả cuộc đời mình, mà cha mẹ đã thiếu quan tâm hay thậm chí làm tổn thương nhau. Biết rằng sẽ phải đến lúc ai cũng trở về cuộc đời của người đó, nhưng cha mẹ đã quá chậm trễ trong việc buông tay con ra. Xin lỗi con và mong con hiểu cho rằng, chỉ vì cha mẹ đã quá dính mắc vào con thôi.

Khi buông tay con ra, là cha mẹ chấp nhận bước vào hành trình đầy thách thức khác, đó là quay về tiếp nhận lại cuộc đời đã bỏ dở của mình. Dù có nhà dột cột xiêu thì đó cũng là nhà mình, cha mẹ không thể đeo bám mãi vào con.

Vì chính con, dù tài năng đến đâu, dù yêu thương cha mẹ đến mức nào, cũng không thể già yếu hay bệnh tật thay cho cha mẹ. Nhưng không sao, con hãy yên tâm, cha mẹ đang dần học cách nhìn thấy mình trong chính con mình. Nhờ những phút giây ngồi yên và nhìn sâu vào những nỗi muộn phiền mà cha mẹ thấy được bản chất của chúng chỉ là những ký ức quen thuộc muốn được lặp lại, là những quan điểm sai lầm về tình thương yêu. Nên, dù không ở cạnh nhau nhưng chúng ta vẫn có thể bước đi cùng nhau bởi vì chúng ta luôn nhận được niềm tin yêu của nhau, phải không?

Khi buông tay con ra, là cha mẹ mong muốn trả con về với bản thể rộng lớn của con. Tuy con là con của cha mẹ, nhưng cũng đồng thời là con cháu của ông bà, tổ tiên, giống nòi, đất trời… Nên con không thể chỉ hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, mà con còn có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Bởi cha mẹ đã giác ngộ rằng, sẻ chia hạnh phúc của mình đến nhiều người là niềm hạnh phúc vĩ đại nhất của con người.

Thế hệ cha mẹ vì còn quá nhiều ràng buộc mà chưa thực hiện trọn vẹn, nên mong con hãy tiếp nối. Hãy vững bước lên con đường sáng đẹp dù vô cùng gian nan mà con đã chọn, con nhé. Cha mẹ cũng sẽ cố gắng thực chứng điều mà tổ tiên đã từng dạy “con cái ở đâu là cha mẹ và ông bà ở đó”, để luôn có mặt trong từng bước chân trải nghiệm đầy tươi mới và hạnh phúc của con mà không còn băn khoăn gì nữa.

Đọc thêm: 4 kỹ năng giúp ích cả cuộc đời cha mẹ cần dạy trẻ trước khi dạy chữ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận