Lời răn dạy của người xưa: "Quét nhà chưa xong, lấy gì quét thiên hạ"

Cổ nhân có câu: "Đại sự thiên hạ đều xuất phát từ những việc tưởng như nhỏ nhặt, chuyện khó thiên hạ đều xuất phát từ những việc tưởng là giản đơn".

Loan Nguyễn
15:21 11/11/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong cuộc sống, chính những việc thoạt nhìn có vẻ đơn giản và bé nhỏ lại đủ sức để góp thành chuyện lớn.

"Hậu Hán Thư" là một trong những tác phẩm chính thức về giai đoạn lịch sử Đông Hán của Trung Quốc, trong đó có ghi chép một câu chuyện như sau.

Thời Đông Hán có vị thiếu niên anh tài tên là Trần Phiên. Trần Phiên biết mình thông minh nên tự cho bản thân bất phàm, từ nhỏ đã một lòng chỉ muốn gây dựng sự nghiệp lớn.

Một hôm, bạn của Trần Phiên là Tiết Cần đến thăm. Thấy Trần Phiên sống một mình trong căn nhà vô cùng bẩn thỉu, liền nói với bạn: "Nho tử sao không quét dọn để tiếp đãi khách?".

Trần Phiên trả lời: "Đại trượng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao lo quét nhà?".

Tiết Cần liền lập tức đáp lại: "Quét nhà không xong, lấy gì quét thiên hạ?".

Nghe bạn nói vậy, Trần Phiên lặng người suy nghĩ một hồi rồi hiểu ra, chẳng nói được lời nào nữa.

loi-day-nguoi-xua-muon-lam-viec-lon-phai-bat-dau-tu-viec-nho-1

Hoài bão muốn "quét thiên hạ" của Trần Phiên là điều không sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ không ý thức được rằng "thiên hạ" là cần vô số nhà dựng nên, trước hết, cậu phải đủ bản lĩnh "quét nhà" sau đó mới có thể bàn tới chuyện "quét thiên hạ".

Tuân Tử, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Chiến quốc, trong "Khuyến học" từng nói: "Không tích bước đi, không đạt được ngàn dặm, không tích dòng chảy nhỏ, không thể thành biển sông".

Trí huệ của các bậc thánh hiền thời xưa dạy cho hậu thế rằng, cho dù làm chuyện gì cũng không thể một bước là thành. Vì vậy, chính từ từng việc nhỏ, tích lũy tiến bộ từng chút một, cuối cùng mới có thể thành tựu một việc lớn.

Người xưa từng có câu: "Đại sự thiên hạ đều xuất phát từ những việc tưởng như nhỏ nhặt, chuyện khó thiên hạ đều xuất phát từ những việc tưởng là giản đơn". Chính những việc thoạt nhìn có vẻ bé nhỏ và đơn giản ấy cũng có đủ sức để góp thành chuyện lớn khiến người ta đau đầu.

Một người phải có đủ tâm thái bình tĩnh và tỉnh táo để gánh hết những chuyện bình thường trong mắt người khác thì sau này mới có cơ hội ngày ngày chăm chỉ, rèn giũa phát triển, không ngừng nỗ lực và vươn tới thành công. Đạo lý này cũng tương tự với câu nói: "Quét nhà không xong lấy gì để quét thiên hạ?".

Xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người trong số chúng ta mắc chung căn bệnh nan y đó là tự cao. Chúng ta luôn tự coi mình là người có chí hướng lớn, sinh ra để làm những việc lớn, để rồi thẳng thừng từ chối bắt tay xử lý những việc nhỏ nhặt và giản đơn thường ngày.

Sự chểnh mảng thường ngày đó, đến thời điểm quan trọng, đại sự xảy ra, dù chúng ta cố gắng đến mấy cũng chỉ như người lấy dây thừng xách đậu phụ, lòng rất muốn nhưng làm thì không xong.

loi-day-nguoi-xua-muon-lam-viec-lon-phai-bat-dau-tu-viec-nho-2

Đây chính là minh chứng cho câu "Nói như rồng leo, làm như mèo mửa" mà ông cha ta đã để lại từ lâu, và cũng là nguyên nhân căn bản khiến không ít người rơi vào hoàn cảnh thất bại đau đớn.

Lý giải sự thất bại này, cũng giống như câu chuyện của Trần Phiên, coi thường việc nhỏ, tự tìm lý do cho mình như sau: "Ta có rất nhiều chuyện quan trọng và lớn lao hơn cần phải làm, những việc nhỏ thế này không phải là mục tiêu của ta". Họ đâu hiểu rằng, việc nhỏ không làm lấy sức đâu mà thực hiện và hoàn thành việc lớn?.

Tư tưởng Nho giáo còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, dạy rằng, phải chú trọng việc "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Trước hết, chúng ta phải tự tu dưỡng bản thân, sau đó mới quản lý gia đình, rồi bàn chuyện quốc gia đại sự và lo cho vấn đề của cả thế giới.

Con người hiện đại ai cũng nuôi khát vọng thành công, mong ước danh tiếng địa vị. Nhưng khát vọng lớn đến mấy cũng nên bắt đầu từ những việc nhỏ đầu tiên. Kế hoạch lớn đến mấy thì cũng cần một nét vẽ khởi đầu chứ không tự dưng sinh ra kết quả.

Chúng ta không thể nóng vội, chỉ muốn một bước đạt thành tựu, một đêm nổi danh, một ngày thành tài khi gây dựng nghiệp lớn. Ta càng không thể xem việc nhỏ là tầm thường và quên mất, nhờ tích tiểu mới thành đại, mới làm nên việc lớn.

Trong cái lớn phải có cái nhỏ, trong cái nhỏ cũng ẩn chứa những cái lớn. Chính vì vậy, muốn làm nên đại sự, cần bắt đầu từ những việc nhỏ giản đơn. Lớn đến mấy cũng từ nhỏ dựng lên, nhỏ đến mấy nhưng góp nhiều cũng thành đại.

Xem thêm: Vì sao người xưa nói: Người chịu được nỗi khổ lớn mới làm nên đại sự?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận