Vì sao người xưa nói: Người chịu được nỗi khổ lớn mới làm nên đại sự?

Cổ ngữ nói: "Phong sương cô lộ chi cảnh, dịch sinh kỳ kiệt", nghĩa là nơi gió sương gian khổ, cô độc thường dễ dàng xuất sinh anh tài tuấn kiệt.

Loan Nguyễn
09:11 25/10/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mạnh Tử cho rằng: "Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi". Đây chính là cách để lay động tâm chí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy.

Điều mà nhiều người thắc mắc, tại sao ông Trời khiến cho những người có đại sứ mệnh phải trước tiên chịu qua cực khổ gian nan, khiến cho tâm, khiến cho ý chí vô cùng mệt mỏi, mới có thể hoàn thành được trọng trách mà Thiên Thượng giao phó?. Hãy cùng chiêm nghiệm qua bài viết dưới đây.

co-nhan-noi-nguoi-chiu-duoc-noi-kho-lon-moi-lam-nen-dai-su-1

Chịu được khổ mới làm nên việc lớn

Thời Trung Hoa cổ đại, tấm gương chịu được khổ mới đạt thành tựu nhiều không kể xiết. Những người được lưu danh thiên cổ này, dường như họ đều có sứ mệnh lưu cấp cho hậu nhân những tinh hoa văn hóa, để lại cho đời sau những bài học làm người, đối nhân xử thế có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Năm 84 tuổi, Tây Bá Hầu Cơ Xương (tức Chu Văn Vương sau này) nhiều lần can gián đã bị Trụ Vương nhà Thương bắt nhốt ở Dữu Lý. Dù khốn khổ ở trong ngục giam bảy năm, nhưng Cơ Xương lại suy diễn ra hậu thiên bát quái và 64 quẻ dịch, viết ra "Quần kinh chi thủ" (kinh của các kinh) - Chu Dịch.

Thái sử lệnh thời Tây Hán, Tư Mã Thiên chỉ vì biện giải cho tướng lĩnh Lý Lăng mà bị Hoàng đế xử phạt. Nhưng, ông vẫn nhẫn nhục sống tạm viết xong cuốn "Sử Ký", hoàn thành xong sứ mệnh của mình. Nhận nhục hình là nỗi sỉ nhục nhất nhưng Tư Mã Thiên cuối cùng vẫn nhẫn nhục sống tạm và hoàn thành trước tác "Sử Ký", khai sáng thể loại viết sử truyền thống sau này.

Cổ ngữ nói: "Phong sương cô lộ chi cảnh, dịch sinh kì kiệt", nghĩa là nơi gió sương gian khổ, cô độc thường dễ dàng xuất sinh anh tài tuấn kiệt. Suốt bao đời nay, những nhân vật được lưu danh thiên cổ phần lớn đều sinh ra và sống trong gian khổ hoặc trải qua những đau khổ mà người thường khó chịu đựng được.

Hậu thế khi đọc những câu chuyện về cuộc đời gian khổ của những bậc thánh hiền thường cảm thấy bất bình trước sự thống khổ tột cùng của họ. Quả thực, người bình thường thật khó mà hiểu được dụng tâm này của ông Trời, chỉ những người lĩnh ngộ Đạo lý mới hiểu rõ điều này. Đó cũng là điều mà cổ nhân gọi là Thiên ý, là khổ tâm an bài của Thiên thượng.

co-nhan-noi-nguoi-chiu-duoc-noi-kho-lon-moi-lam-nen-dai-su-2

Chịu cảnh khốn cùng, đánh thức bản tính

Một ngày nọ, hai vị đạo tiên Hán Chung Ly và Lã Động Tân đàm đạo với nhau.

Lã Động Tân thắc mắc: "Ta nghe nói rằng, những vị anh tài có một không hai thường cả đời gặp phải cảnh gian nan, khốn cùng thất vọng. Vì sao lại như vậy?".

Chung Ly mỉm cười và nói: "Ngươi đã đắc Đạo nghìn năm, chẳng lẽ còn chưa rõ đạo lý này?".

Lã Động Tân lại hỏi: "Ta biết Thượng đế phái Văn Xương Đế Quân hạ phàm, sáng lập học thuyết, sáng tác ra các tác phẩm là vì có ích cho người đời sau. Nhưng vì sao nhất định phải khiến ông ta lâm vào cảnh khốn cùng vậy?"

Chung Ly thở dài: "Ngay cả ngươi mà cũng không biết Đạo lý này, huống chi là thế nhân?".

Chung Lý giải thích: "Văn Xương Đế Quân tuy là thần tiên, nhưng vừa hạ phàm tất nhiên sẽ bị ô nhiễm, kiêu ngạo tự mãn, phóng túng, tham danh mộ lợi. Muốn ông ta thành người hữu dụng, trước hết phải làm cho thân ông ta chịu cảnh nguy khốn, tinh thần ông ta bị thống khổ, trừ bỏ tâm nóng nảy, đánh thức bản tính của ông ta.

Văn Xương Đế Quân trải qua vinh nhục và tất cả khó khăn, tất nhiên sẽ thoát ly thế tục, thanh tâm quả dục, ngộ ra đạo lý nơi thế gian. Sau này, ông ta viết văn, nội hàm thâm thúy, cảnh giới cao xa, mới đủ hữu ích cho đời sau. Nhưng, rất nhiều người sẽ vì những thống khổ ông ấy phải chịu mà cảm thấy bất bình, rất khó biết được chủ ý của sự an bài này".

Lã Động Tân lúc này mới thực sự hiểu, mừng rỡ nói: "Đúng là Sư phụ của ta".

Các bậc thánh hiền thời cổ đại có thể viết ra những sáng tác lưu truyền ngàn đời đó là do họ ở trong khốn cảnh mà thấu hiểu đạo lý nơi thế gian, thông hiểu trời đất. Họ có thể ngộ được những chân lý của vũ trụ, trời đất nên không ngừng nâng cao nội tâm bản thân.

Lý Bạch, Bạch Cư Dị... cùng nhiều danh sĩ, thi nhân thời cổ đại của Trung Quốc đều là những người tu luyện. Đó là lý do vì sao các tác phẩm của họ đều đạt tới cảnh giới rất cao, không giống các tác phẩm bình thường khác.

Nỗi nhục chui háng của Hàn Tín

Theo quan niệm của người xưa, người dũng cảm thực sự là khi đột nhiên đối diện với sự nhục mạ cũng không tranh đấu với đối phương, dùng thái độ nhẫn nhịn để hóa giải mâu thuẫn, cho đối phương một đường lui. Cho dù họ gặp phải sự sỉ nhục vô cớ thì cũng có thể bình thản xử trí, ung dung đối đãi.

Hàn Tín là khai quốc công thần nhà Tây Hán, tâm đại nhẫn của ông mới thật sự khiến người ta kính phục. Thời trẻ Hàn Tín thích đeo trường kiếm. Một hôm, khi ông đang đi trên phố chợ thì một người trẻ tuổi hạ nhục ông trước đám đông rằng: "Ngươi thân thể cao lớn, thích mang đao đeo kiếm, thực ra trong nội tâm lại rất nhát gan. Nếu ngươi thực sự không sợ chết thì hãy sát nhân đi, nếu ngươi không dám thì hãy chui qua háng ta".

Sau một hồi quan sát kỹ người thanh niên đó, Hàn Tín bèn cúi người chui qua háng anh ta. Mọi người trên phố đều cười giễu Hàn Tín, cho rằng ông nhát gan.

Khi Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Lưu Bang, ông cho triệu người thanh niên đã hạ nhục mình năm xưa đến, đồng thời nói với mọi người rằng: "Đây là một tráng sĩ. Năm xưa khi hạ nhục ta, ta đã có thể sát nhân, nhưng nếu ta sát nhân thì sẽ không có danh nghĩa gì, thế nên ta đã nhẫn nại, thế nên mới có thành tựu ngày hôm nay".

Người thanh niên này xin được tha thứ, Hàn Tín đã tha tội cho anh ta, còn phong cho anh ta làm một chức quan nhỏ.

Nhẫn nhịn không phải là yếu đuối, nhu nhược mà là cách để tránh những phiền nhiễu không đáng có, thể hiện tấm lòng vị tha bao dung, từ đó hai người có thể chung sống hòa thuận.

Có những thời điểm, cuộc đời con người thay đổi rất nhanh. Có những chuyện tưởng là họa nhưng cũng không hẳn như vậy.

Cổ nhân nói: "Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn" (Tạm dịch: Giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng).

Con người khi rơi vào cảnh khốn cùng, chỉ cần bản thân tĩnh tâm, lạc quan, rộng lượng, kiên trì nỗ lực, sẽ có thể nhận được kết quả tốt đẹp mà ta không ngờ đến, từ đó có thể thành tựu nên những đại sự.

Xem thêm: Trí tuệ cổ nhân: 3 kiểu tư duy thấp hèn, tuyệt đối phải loại bỏ nếu muốn làm nên đại sự

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận