"Yêu thương con bằng trái tim, dạy dỗ con bằng trí tuệ": Nguyên tắc "vàng" dạy con trở thành người tài đức vẹn toàn
Cách dạy con của cha mẹ nếu xuất phát từ trái tim yêu thương con và sự tôn trọng dành cho con thì nhất định sẽ tạo nên những đứa con tài đức sau này.
Cha mẹ nào cũng mong muốn sẽ nuôi dưỡng và dạy con thành người tốt, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản chút nào, đòi hỏi bậc làm cha mẹ cần có phương pháp dạy con phù hợp với đứa trẻ.
"Nhân chi sơ tính bản thiện" - câu nói của người xưa vô cùng ý nghĩa. Đứa trẻ khi mới ra đời chỉ như tờ giấy trắng, mang theo những nét đẹp trong sáng, thiện lương. Khi lớn lên, qua thời gian, trẻ tiếp xúc với nhiều người trong các môi trường gia đình, xã hội, mới dần định hình những tính cách không như ban đầu nữa.
Về cách dạy con, ngạn ngữ Nga có câu: Hãy yêu thương con bằng trái tim, nhưng dạy dỗ chúng bằng trí tuệ. Việc dạy trẻ nên đến từ trải nghiệm thực tế chứ không phải lời dạy trong lý thuyết và sự giải thích qua loa. Cha mẹ cũng không thể dạy trẻ hình thành tính cách theo kiểu khuôn mẫu cứng nhắc.
Khi trẻ bắt đầu hình thành một nét tính cách nào đó, nếu cha mẹ cấm đoán thì sẽ không thể lường trước được hậu quả. Chúng ta thậm chí có thể bóp nghẹt chính sự sống của nó nếu không khéo léo. Thứ nhân tính bộc lộ bên dưới tất cả những chói lọi huy hoàng của trí tuệ trong suốt tuổi thơ ấu ngọt ngào và dịu dàng nên được tôn trọng đến mức như sùng kính. Nó giống như mặt trời xuất hiện trong buổi bình minh hay đóa hoa mới bắt đầu bừng nở. Giáo dục không thể hữu ích trừ phi giúp trẻ nhỏ mở lòng đón nhận cuộc sống.
Ở thời điểm trẻ chưa đủ lớn để biết đúng sai, cũng không còn quá bé để nghe lời cha mẹ như lúc thơ ấu, thì chính cha mẹ phải là người nhận ra được, điều chỉnh phương pháp dạy con.
Chuyện kể rằng, có một cậu bé thông minh, tài năng và sáng sủa. Thế nhưng cậu có tật xấu là ích kỷ và hay nổi nóng. Mỗi khi giận dữ, cậu nói những điều chẳng tốt đẹp, làm tổn thương những người xung quanh. Vì thế, chẳng ai muốn kết bạn với cậu cả.
Cha mẹ cậu thấy con mình như vậy thì vô cùng lo lắng, không biết phải làm thế nào. Bỗng một hôm, người cha nảy ra ý tưởng dạy dỗ con trai. Ông gọi con đến và đưa cho cậu bé túi đinh cùng chiếc búa.
Ông nói với con trai: “Mỗi khi tức giận, con hãy chạy ra sau nhà và đóng một chiếc đinh vào hàng rào kia. Cứ đóng thật mạnh, đừng ngại gì cả”.
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tổng cộng 37 cái đinh, dù hàng rào khá kiên cố và chiếc búa rất nặng. Chứng tỏ, cậu đã nổi giận rất nhiều lần.
Cứ thế, ngày qua ngày, số đinh cậu bé đóng lê hàng rào giảm bớt dần. Cậu bé bắt đầu hiểu rằng, kiềm chế cơn nóng giận còn dễ hơn là đóng đinh lên rào gỗ.
Cho đến một ngày, cậu không cần đến chiếc búa và túi đinh nữa, bởi cậu đã hoàn toàn học được cách giữ bình tĩnh. Cậu đến tìm cha và kể cho ông về thành quả của mình. Người cha nói: “Thế thì từ giờ, cứ mỗi ngày mà con không hề nổi giận, hãy nhổ một cây đinh ra”.
Thời gian dần trôi. Rồi cuối cùng, cậu bé cũng có thể tự hào về bản thân vì không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cậu lại tìm đến cha. Hai cha con cùng nhau đến bên hàng rào. Sau một hồi quan sát cẩn thận, người cha nói:
“Làm tốt lắm, con trai. Nhưng con có thấy không, dù đã rút hết đinh ra, nhưng trên hàng rào vẫn còn thủng lỗ chỗ. Cái hàng rào này không còn giống như xưa nữa rồi. Dù đã rút hết đinh ra, trên hàng rào vẫn còn lại những chiếc lỗ, giống như những vết sẹo không bao giờ biến mất.
Tương tự, khi con giận dữ và nói những điều khiến người khác tổn thương, những lời ấy cũng để lại trong trái tim họ những vết sẹo - giống như những cái lỗ trên hàng rào này.
Hãy nhớ, cần đối xử với người khác bằng tình yêu và sự tôn trọng. Bởi vì, một khi đã khiến người khác tổn thương, dù con có nói lời xin lỗi đi chăng nữa, những vết sẹo sẽ vẫn còn đó”.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy được cách dạy con thật thông minh của người bố. Trước bản tính nóng nảy của con, ông rất tôn trọng con, không bắt ép con phải sửa, cũng không hề chỉ trích. Ông chỉ yêu cầu con làm một việc khác đồng hành với sự nóng giận của con, rồi lại bảo con làm một việc khác đồng hành với thái độ bình tĩnh, và cuối cùng con sẽ tự nhận ra hậu quả của tính nóng giận của mình.
Thông qua việc đóng đinh, rồi lại nhổ đinh, hình ảnh những cái lỗ hổng sau khi nhổ đinh trên hàng rào, người cha đã giúp con nhận ra được bài học sâu sắc: Những tổn thương do nóng giận mà chúng ta mang đến cho người khác là khó khỏa lấp. Cách dạy con nhẹ nhàng mà khiến con phải thấm thía. Từ đó, đứa trẻ đã ngộ ra được điều gì cậu ta cần làm và trưởng thành trong niềm hạnh phúc được người cha tôn trọng và yêu thương.
Thực ra, phương pháp giáo dục con, kể cả khi cha mẹ thấy con không ngoan, đó là hãy dùng sự yêu thương để giúp con nhận ra phải làm gì. Không đòn roi, không phải lớn tiếng, không cần bất cứ lời giảng đạo lý nào, khi cha mẹ có một trái tim yêu con và sự tôn trọng con, chỉ cần một cái đầu biết tư duy nhạy cảm, cha mẹ đã thành công trong việc dạy con mình.
Xem thêm: Phàm là phận làm con cứ mãi để bố mẹ lo lắng chính là sự bất hiếu lớn nhất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận