Phàm là phận làm con cứ mãi để bố mẹ lo lắng chính là sự bất hiếu lớn nhất
Với bố mẹ, sức khỏe của con còn quan trọng hơn số tiền mà con kiếm được hay địa vị của con. Để bố mẹ lo lắng nhiều nghĩa là chúng ta chưa phải một người con hiếu thảo.
Dù là người đàn ông nhưng tôi sống khá tình cảm, luôn trân trọng gia đình thân yêu. Bất kể chuyện gì trong cuộc sống dù to hay nhỏ tôi đều muốn chia sẻ với người thân trong gia đình mình. Công việc bận rộn khiến tôi không có nhiều thời gian cho người thân, vậy nên những dịp lễ tết, chính là dịp tôi tụ họp với gia đình, họ hàng.
Khi tôi đã trưởng thành, có sự nghiệp của riêng mình thì dường như trong mắt bố mẹ, tôi vẫn là cậu con trai bé bỏng. Ngay cả khi tôi tự biết trời lạnh thì mặc áo khoác ấm, đeo găng tay; bụng đói thì phải ăn gì vào kẻo đau dạ dày nhưng mẹ vẫn luôn nhắc tôi những điều nhỏ nhặt ấy. Những sự quan tâm thường ngày này khiến tôi đôi khi cảm thấy hơi phiền phức.
Tôi còn nhớ, có lần gọi điện về hỏi thăm bố mẹ, vì nghe đi nghe lại lời nhắc của mẹ mà tôi đã gắt lên, khẳng định mình lớn rồi chứ không phải trẻ con nữa.
Thấy tôi bực dọc thì giọng mẹ trầm hẳn đi, chỉ nói nhỏ nhẹ rằng tôi biết giữ sức khỏe là tốt. Thế rồi, mẹ cúp máy luôn trước khi tôi kịp chào tạm biệt.
Sau cuộc điện thoại đó, tôi ngồi một lúc lâu, rồi tự thấy trách bản thân mình. Tôi ân hận, nhận ra lỗi lầm của bản thân và biết rằng chắc hẳn mẹ đã rất buồn vì thái độ của tôi.
Cuộc sống của người lớn vốn dĩ chẳng hề đơn giản chút nào. Những mục tiêu trong sự nghiệp, công việc, áp lực, căng thẳng, những mối quan hệ xã hội, thăng tiến, thu nhập, cơm áo gạo tiền cứ xoay quanh mỗi ngày. Nhiều lúc tôi cảm thấy ngột ngạt vô cùng, chỉ muốn đến một nơi nào đó ngồi tĩnh lặng một mình, rời xa nơi phố thị ồn ào, vội vã.
Con người ta thật lạ, mỗi ngày chúng ta luôn cố gắng làm hài lòng sếp, đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè với những lời nói dịu dàng, ngọt ngào, dễ nghe. Thế nhưng, với người thân, với bố mẹ, chúng ta lại nói những lời gắt gỏng. Vô tình, chúng ta đã khiến bố mẹ buồn lòng về đứa con yêu quý.
Con cái chính là thứ tài sản quý giá nhất của cuộc đời bố mẹ, chẳng thể nào định đoạt bằng tiền bạc. Càng trưởng thành, càng đi xa, càng gặp gỡ nhiều người, mới thấu hiểu được lòng cha mẹ.
Có câu: Không cần con phải trở thành ông nọ bà kia, chỉ cần con khỏe mạnh, sống bình an, hạnh phúc thì đó chính là niềm mong mỏi lớn nhất của cha mẹ. Đúng vậy, không phải chuyện tiền kiếm được nhiều hay ít, sự thăng tiến trong công việc của con ra sao, điều mà cha mẹ quan tâm nhất là con có khỏe không, ngủ con ngon không.
Tôi có người anh họ đang sống và làm việc tại thủ đô. Công việc của anh thuận lợi, kiếm được khá nhiều tiền. Tuổi còn trẻ nhưng anh đã xây được căn nhà 3 tầng khang trang, cũng thường sắm đồ cho hai bác ở quê. Mỗi dịp lễ tết gặp gỡ, mọi người đều không ngớt lời khen anh chu đáo vì đã biếu quà họ hàng.
Con trai thành đạt, giỏi giang, tốt bụng, biết quan tâm là thế nhưng hai bác tôi vẫn không khỏi lo lắng. Mỗi khi anh về thăm nhà, bác gái luôn chuẩn bị đồ sạch ở quê, từ mớ rau, túi thịt cho từng bữa để anh mang đi. Bác trai trong khi cùng con chạy bộ, tiện đưa lời khuyên con đừng vì ham việc mà bỏ bê sức khỏe bản thân.
Có người hàng xóm thấy vậy thì trách vui "nó làm nhiều tiền thế, thành phố thiếu gì đồ đâu mà phải mang đồ từ quê lên cho vất vả". Bác tôi chỉ vui vẻ nói: "Chúng nó ở thành phố làm gì có đồ ăn sạch như ở quê đâu. Giúp nó chuẩn bị chút cho nó có thời gian để nghỉ ngơi chứ công việc bận rộn còn mất thời gian đi chợ làm gì".
Con cái dù có khôn lớn bao nhiêu vẫn luôn khiến bố mẹ lo lắng. Chúng ta nghĩ rằng bản thân đã trưởng thành, tự lo được cho mình rồi, bố mẹ không cần phải nhắc nhở nhiều, thế nhưng trong mắt của bố mẹ, con cái chưa bao giờ khiến bố mẹ thực sự yên tâm.
Đừng nghĩ rằng học hành giỏi giang, thành đạt, lương cao thì là người con có hiếu. Để bố mẹ lo lắng quá nhiều nghĩa là chúng ta vẫn chưa phải là đứa con hiếu thảo. Mỗi năm bố mẹ thêm một tuổi, tóc chẳng mấy mà bạc đầu, đừng khiến bố mẹ phải lo nghĩ nhiều cho chúng ta nữa.
Trong chuyến công tác gần đây, tôi ghé thăm một người họ hàng. Kinh tế gia đình chú vô cùng khó khăn, tuy xa quê hương lập nghiệp đã hơn 20 năm nhưng số lần về thăm gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cậu con trai út của chú chưa được về thăm quê nội lần nào. Ông bà mất, cũng chưa kịp nhìn mặt.
Trong câu chuyện với tôi, chú tỏ ra hối hận lắm. Vì điều kiện kinh tế không dư giả nên không thể về thăm quê thường xuyên. Trước đây, bố mẹ và anh chị em vẫn giúp đỡ, thỉnh thoảng còn gửi tiền để gia đình chú trang trải.
Người đàn ông đã là bố của 3 đứa con mà vẫn để cha mẹ, anh chị em lo lắng cho cuộc sống. Chú tự nhận mình là một đứa con bất hiếu. Ngay cả lúc bố mẹ ốm, chú cũng không gửi được đồng tiền nào, càng không thể ở bên cạnh chăm sóc. Chú buồn lắm, hối hận lắm, nhưng không thể có cơ hội sửa sai được nữa rồi.
Nén lại xúc động, chú quay sang nói với tôi, từ tốn khuyên răn: Còn cha còn mẹ thì phải biết nghĩ đến công sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ. Bố mẹ luôn dành những thứ tốt đẹp nhất cho con cái. Làm bố rồi mới hiểu thấu được tấm lòng mẹ cha.
Không phải tiền bạc và danh vọng; sống tích cực, biết chăm sóc bản thân để bố mẹ không phải lo nghĩ nhiều mới là điều một người con nên ưu tiên. Dù công việc bận rộn đến mấy cũng đừng quên hỏi thăm sức khỏe bố mẹ thường xuyên, đó chính là sự hiếu thảo dành cho bố mẹ.
Xem thêm: Gửi con trai và con dâu: "Mẹ già rồi, đừng xem mẹ là osin"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận