Sống nhẹ nhàng - Câu chuyện nhân văn sâu sắc
Ông bố kể câu chuyện về hai đứa bé trai, con ông và con của bạn.
Hai cậu học cùng lớp tiếng Anh nhưng con của bạn (tạm gọi là A) lớn hơn con ông (tạm gọi là B) 3 tuổi. Theo đánh giá của ông, A học rất giỏi, không chỉ các môn ở trường mà cả môn năng khiếu như chơi đàn, bóng bàn. So với con ông thì con của bạn nổi trội hơn về chỉ số thông minh IQ.
Tuy nhiên ông quan niệm, người ta thành công nhờ chỉ số cảm xúc EQ nhiều hơn IQ, do đó ông chú trọng dạy con học ở ngoài đời nhiều hơn học trong sách vở. Ông cảm thấy cậu bé A có vẻ không lanh lợi vì ham học quá, ít tiếp xúc, giao lưu bên ngoài.
Một lần, A và B có dịp ngồi ăn chung bàn với nhau, ông quan sát thấy A có vẻ hiền lành, ít nói và không tự tin so với B, con ông. Tình huống mà ông chứng kiến là khi nhìn thấy B rút một miếng khăn giấy trong hộp để trên bàn và bỏ xương (cá, thịt) vào, A ngạc nhiên hỏi: “Sao em bỏ xương vào giấy ăn?”. B trả lời: “Giấy ăn dùng để bỏ xương cũng được mà”. A mới nói: “Anh nghĩ, giấy ăn dùng để lau tay, lau miệng”.
Chuyện chỉ vậy nhưng khiến cả hai ông bố suy nghĩ. Vấn đề đặt ra là A có vẻ nguyên tắc quá, giấy ăn dùng bỏ xương không đúng công dụng, tại sao không lấy một cái chén để bỏ xương vào. Quan niệm của A là đúng nhưng rất khó hòa nhập hay thích nghi với hoàn cảnh. Không có vật này, vẫn có thể dùng vật khác thay thế là hoàn toàn hợp lý, nếu cứ chăm chăm vào mục đích sử dụng thì con người đâm ra cầu toàn và khi gặp hoàn cảnh không thuận lợi rất dễ bị động, khó khăn.
Tuy nhiên, bố của A không đồng ý cách nghĩ như vậy. Theo ông, vật nào cũng cần phải có một vị trí và công dụng riêng. Khi dùng xong một vật, cần để đúng vào vị trí quy định, hay công dụng của vật như thế nào thì phải sử dụng đúng với mục đích ấy. Quả là một ông bố có tính kỷ luật và nguyên tắc – đó cũng là những yếu tố giúp con người thành công, nhưng chỉ trong hoàn cảnh thuận lợi, mọi thứ đều tuân theo một quy củ, không gặp sự xáo trộn hay biến động. Còn trong trường hợp gặp sự cố, có sự thay đổi thì phải linh hoạt trong xử lý tình huống, đó là ý của bố bạn B. Suy cho cùng hai ông bố đều có lý trong cách dạy con. Sử dụng đồ vật đúng chức năng và theo một nguyên tắc là hợp lý, tiết kiệm. Tuy nhiên, linh hoạt là yếu tố quan trọng đề phòng những tình huống bị động, thiếu thuận lợi.
Một bà mẹ theo “trường phái” linh hoạt đưa ra ví dụ gia đình đi cắm trại trong một khu rừng, bà dự định nấu món gà lá giang ăn với bún nhưng lại quên mua lá giang. Đến điểm cắm trại rồi mới biết. Trong tình huống ấy nếu cắt cử một người quay ngược về phố mua lá giang thì không hợp lý chi bằng vào rừng tìm hái lá me chua nấu với gà, càng thêm vui. Tất nhiên lá me nấu với cá phù hợp hơn nấu với gà. Gà nấu lá me chắc chắn không ngon bằng gà nấu lá giang.
Thế rồi phát sinh thêm một câu hỏi: Nếu không tìm được lá me thì sao? Bà mẹ trả lời, thì sẽ thay đổi món: Gà luộc, xé chấm muối tiêu hay gà nướng, bún có thể ăn với nước mắm ớt tỏi và thịt gà nướng. Trong tình huống bất khả kháng này, buổi cắm trại của gia đình không vì thế mà mất đi ý nghĩa của một ngày vui giữa thiên nhiên. Nguyên tắc, cứng nhắc không chỉ làm cuộc sống bị bó hẹp, tâm lý nặng nề mà quan trọng là mất đi niềm vui được hưởng thụ.
Không ai giống ai về quan niệm đối với cuộc sống, có người dễ tính, sao cũng được thì vẫn có người khó tính, luôn theo nguyên tắc, quy định tự đặt ra. Không thể kết luận người dễ tính hay khó tính ai hạnh phúc hơn ai vì quan niệm về hạnh phúc tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi cá nhân. Cách dạy con của hai ông bố A và B đều có lý riêng. Điều quan trọng nhất của đời người là sống sao cho nhẹ nhàng, thoải mái. Nguyên tắc cũng tốt bởi nếu ai cũng tuân theo nguyên tắc thì sẽ thấy mọi thứ bình thường, lại tập cho con người tính kỷ luật. Linh động cũng tốt vì giúp cho con người dễ thích nghi. Quan trọng là hiểu và biết ý nhau mà sống sao cho nhẹ nhàng nhất.
Xem thêm: Ba bậc thầy vĩ đại - Câu chuyện nhân văn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận