Sinh ra từ làng - Câu chuyện nhân văn sâu sắc
Cây đa, bến nước, sân đình... Cổng làng và mái chùa cổ kính rêu phong Mùa sen bát ngát hương Và đêm tất niên ngập mùi hoa huệ trắng,...
Làng quê trong tôi - người của thế hệ mới - hoàn toàn không có những điều như vậy. Dù đó là đặc trưng của quê hương, là nét đẹp của thôn làng, là điển hình của nông thôn Việt Nam...
Thế mà tôi vẫn quê và vẫn cứ yêu quê, chập chờn trong nỗi nhớ và rưng rức nhiều khi bởi những hình ảnh như thế hiện về trong tâm trí.
Thật kì lạ!
Có lẽ chỉ có thể lý giải bởi một chữ duyên hoặc một chữ gene.
Hẳn nhiên rồi. Bởi ai mà chẳng sinh ra từ làng, gốc gác đó, cội nguồn đó.
Đôi khi ra ngoài, cũng học được phong thái lịch lãm và văn minh của xứ Tây tân kỳ. Cũng veston, đầm lụa kiêu sa, cũng dùng dao với nĩa và biết cách đặt tay trên ly rượu vang đã ủ bao nhiêu tháng ngày nhưng vẫn cứ mơ về cái thời nhà quê, "chân đất, dép lê", quần rộng xắn gấu đi khắp làng trên xóm dưới chẳng sợ ai chê cười.
Nỗi nhớ dành cho quê hương sâu đậm hơn, rành rọt hơn chính là nỗi nhớ về "chất quê" ẩn chứa bên trong con người mình.
Tôi thèm được lê mình trong những đêm trăng sáng, dãi dầu hết những âu sầu dưới ánh nguyệt vằng vặc khuya lắc khuya lơ.
Tôi thèm nghe câu ầu ơ mà giờ đã xa xăm lắm, cứ như chỉ còn trong ký ức bụi mờ bảng lảng lớp khói sương.
Tôi thèm ăn bữa cơm nấu bằng rạ rơm còn thơm mùi thóc lúa. Mâm cơm có mắm cáy, rau cà,... Nồi cơm đặt trên cái rế ông nội đan từ bao lâu chẳng biết nhưng cũng đen một lượt màu tro bếp hiền lành.
Tôi thèm cái rêu phong của cảnh chùa yên lặng, mỗi chiều tiếng chuông rơi từng giọt chậm rãi như buông xuôi mọi lối tham cầu,...
Tôi thèm áo nâu nhuốm bùn chân chất, tình người, lòng người cũng thật thà giản dị như đất với vụ mùa, như nước giếng trong vắt soi rọi hồn mình.
Thèm trở về là người quê sống giữa làng quê với tình quê mê mải.
Chẳng còn mấy ai thuở ấy ra đi mà quên mất hoặc đánh mất "chất quê" của mình.
Sinh ra từ làng luôn có nỗi nhớ mênh mang.
Tôi không bị ám ảnh bởi nơi chốn. Vì "đi về đâu cũng là thế" - dải đất hình chữ S thiết tha này không "ơn nặng nghĩa dày" thì cũng là cội nguồn, gốc gác.
Người Việt Nam qua bao thế hệ đều ít nhiều "được làm" nhà quê. Tôi chắc chắn thế. Không hề khinh nhờn hay miệt thị, không giễu cợt, bêu riếu hay làm cho thiếu tự tin. Tôi chỉ thấy thân thương hai tiếng "nhà quê" ấy.
Bởi mảnh đất này là cái nôi của nền văn minh lúa nước, "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Ông tổ, bà cố, cụ kỵ, họ hàng, dòng máu chẳng phải xét cho cùng là gắn bó với đồng ruộng hay sao? Gene của người Việt quy định "nét nhà quê" tự nhiên như thế. Nên thật dễ dàng để cánh đồng và con cò bay lả bay la đi vào trong ký ức mà có khi cả đời xa xứ, là F2, F3 ở ngoại quốc vẫn có thể mang máng hình dung.
Truyền thống và hiện đại, cội nguồn và tha hương... vẫn luôn cần một sự cân bằng hòa hợp.
Không có gốc thì làm sao có ngọn? Không có nền móng vững chắc sao xây dựng được những lầu cao? Không có học bò sao mà đi rồi đi xa đến thế?
Nên cứ quê đi. Quê thật nhuần nhuyễn thành thục, quê đến thấm sâu, thấu hiểu. Quê để là chính mình thì mới phát triển được bản thân mình và tiếp nhận thêm điều mới mẻ dựa trên bản sắc cá nhân riêng biệt.
Tôi rất sợ những thứ nửa vời như sự “nửa mùa” học đòi kệch cỡm hoặc cách hòa nhập không chừng mực mà đánh mất đi “chất riêng” của con người mình, dân tộc mình.
Dù có đi đến nơi nào, thành thạo bao nhiêu ngoại ngữ, bằng cấp và địa vị cao sang thì tôi vẫn mong mỏi cái tiếng Việt và giọng nói Việt Nam điển hình của mỗi địa phương không bị mất đi dù chỉ là lời khi gặp được người đồng hương mới có cơ hội thoát ra.
Hãy cố gắng vừa giữ gìn vừa dựng xây, vừa phát huy vừa bồi đắp con người mình để lĩnh hội điều hay cái đẹp thời cuộc mà làm phong phú thêm truyền thống, nề nếp quê hương.
Mảnh trăng quê mình chắc rằng khác với mảnh trăng nơi khác dù chung một bầu trời.
Hạt gạo quê mình có mùi vị riêng bao trùm bằng ký ức.
Nước sông quê mình cũng chẳng giống nước sông Seine.
...
Ngày tôi đem giặt cái balo của một người đã lấy từ trong đáy túi ra một nắm đất, người ấy bảo là: Ngày ra sân bay, mẹ gói cho để mang theo. Đi đâu thì cũng nhớ đất quê mình.
Tôi hơi cảm động. Phải rồi, đi là để trở về - về với đất - nơi mình đã sinh ra. Vì chúng tôi đều là những người nhà quê chân chính.
Ai trong đời cũng cần một bóng quê - là mẹ, là cha, là nơi sinh ra để mà hiểu rõ chính mình.
Xem thêm: Sự lợi hại của thất bại - Câu chuyện nhân văn sâu sắc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận