Trong giao tiếp, người xưa dặn phải nhớ quy tắc "rượu đầy trà vơi"
Rượu và trà không chỉ là đồ uống thông thường mà còn là biểu trưng cho nét văn hóa ứng xử giao tiếp.
Đối với người Á Đông, điển hình như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì rượu và trà có vai trò đặc biệt trong các cuộc gặp gỡ giao tiếp. Trà nước xuất hiện trong những cuộc gặp vui vẻ, lịch lãm. Rượu xuất hiện trong những bữa tiệc, những buổi gặp thân tình ăn uống. Người xưa mời cơm khách không thể thiếu trà trước bữa ăn, trà để bắt đầu câu chuyện, không thể thiếu rượu ngon khi vào mâm cơm.
Thế nhưng rượu và trà lại có cách thưởng thức khác nhau nên hình thức rót rượu mời rượu với mời trà cũng khác nhau.
Tại sao trà phải vơi?
Trà vơi ở đây ý chỉ khi rót trà vào chén không được rót đầy, chỉ rót 7, 8 phần chén. Nếu rót đầy là thiếu tinh tế, là không sang trọng là không hiểu biết.
Trà thường xuất hiện trong giai đoạn tiếp khách ban đầu lịch lãm, hòa nhã thanh tao. Uống trà cần thư thái và thưởng trà cần tinh tế. Thưởng trà là dùng mắt thưởng lãm màu nước trà, dùng mũi thưởng hương thơm của trà, dùng miệng nhấp vị trà. Thưởng trà là uống trà nóng.
Do đó nếu rót chén trà đầy sẽ bất tiện khi bưng lên, sóng sánh làm trà rơi vãi, nóng tay có thể gây bỏng hoặc rơi chén gây đổ vỡ. Hơn nữa khi chén trà đầy thì không thưởng thức được hương thơm, không giữ được sự tao nhã nhẹ nhàng của một thú vui này. Rót trà đầy khác nào nói khách phàm phu tục tử.
Hơn nữa khi chén trà quá đầy, nhiệt lâu hạ, om nhiệt lâu sẽ khó thưởng trà. Như thế khác gì nói khéo khách đừng uống nữa. Việc đó xem như là đuổi khách vậy.
Uống trà là thư thái thanh thoát, là thưởng thức từ tốn. Thế nên chén trà vơi vừa hợp khung cảnh vừa giúp thưởng trà được ngon.
Tại sao rượu phải đầy?
Rượu đầy ở đây ý chỉ bình rượu mang ra phải còn đầy và khi rót vào chén vào bát cũng rót đầy. Rượu kiêng nhất uống rượu thừa, mất ngon. Rượu thường uống lúc ăn nhậu, phóng khoáng thoải mái, chứ không phải uống để tao nhã như trà. Rượu để thể hiện sự gần gũi kéo con người gần nhau hơn. Khi uống rượu là náo nhiệt là thân tình, là tràn bờ. Rượu cũng không nóng như trà. Thế nên rót rượu đầy không sợ bị sóng sánh như trà. Rượu đầy mới thể hiện tình cảm chan chứa, gần gũi.
Hơn nữa xa xưa ông bà ta rất tinh tế. Rượu có thể dùng để hạ độc. Nên khi uống rượu rót đầy cho nhau để khi cụng ly các ly rượu tràn vào nhau sẽ không ai phải nghi ngờ, vì rượu tràn nhau thì nếu độc thì cả chủ và khách đều độc. Đó cũng là hành động thể hiện niềm tin uy tín.
Khi uống rượu người ta cũng thường bàn tới những câu chuyện có tính chất cởi bỏ sự khách sáo, tiến gần nhau hơn. Thế nên uống rượu nhấn mạnh sự hào sảng phóng khoáng. Vì thế phong cách trên bàn rượu khác với bàn trà.
Cũng từ đó nên cần lưu ý khi mời khách thì rót trà chỉ nên rót vơi nhưng đừng quá vơi, nên rót 7,8 phần chén, rót rượu thì nên rót đầy nhưng tránh rót tràn để ướt áo ướt quần khách.
Điều đó cũng phần nào cho thấy người xưa vô cùng trọng tiết lễ và vô cùng tinh tế trong cách ứng xử giao tiếp.
Ngày nay thưởng trà vẫn vậy, muốn thưởng được trà không nên rót đầy. Nhưng khi uống rượu thì cũng có những quan niệm thay đổi, tùy tình huống tùy loại rượu. Nhiều người cũng biết tác hại của rượu nên cụng ly nhấp môi thể hiện tấm lòng với nhau chứ không ép nhau uống nhiều vì sợ ảnh hưởng sức khỏe.
Xem thêm: Người xưa dặn: "Rung cây thì lá rụng, rung chân thì phúc bạc"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận