7 bài học xương máu rút ra Tam Quốc Diễn Nghĩa, dân kinh doanh tuyệt đối đừng bỏ qua
Tam Quốc Diễn Nghĩa là bộ tiểu thuyết lịch sử cực hay, chứa đựng nhiều bài học có thể ứng dụng trong kinh doanh. Phàm là người có chí lớn thì tuyệt đối không nên bỏ qua.
Tam Quốc Diễn Nghĩa là bộ tiểu thuyết lịch sử kinh điển của nhà văn la Quán Trung. Đây là 1 trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc. Bộ tiểu thuyết lừng danh này đến nay vẫn được giới mộ văn yêu thích. Thậm chí có người còn coi nó là cuốn sách gối đầu giường bởi chứa đựng rất nhiều bài học sâu sắc trong cuộc sống cũng như kinh doanh.
Và sau nhiều năm nghiền ngẫm, phân tích, rất nhiều người đã ngộ ra không ít bài học hay. Dưới đây là một số bài học mà những người làm kinh doanh không thể bỏ qua:
Bài học số 1
Lữ Bố vì Điêu Thuyền mà giết hại Đổng Trác, cha nuôi của mình, qua đó nhận lấy sự chê bai, khinh bỉ của người đời, và cuối cùng dẫn tới hỏng việc lớn, thân bại danh liệt và chết trong tay của Tào Tháo.
Tóm lại: Làm việc lớn không nên để việc nhỏ xen vào, dễ dẫn đến hỏng đại sự.
Bài học số 2
Tào Tháo từ một viên quan nhỏ, ám sát Đổng Trác bất thành, phải lẩn trốn khắp nơi. Nhưng may nhờ nắm bắt được thời cơ tốt mà xây dựng nên đế chế Tào Ngụy vô cùng hùng mạnh, chia thiên hạ thành thế kiềng ba chân.
Tóm lại: Cơ hội chỉ đến với những người nắm bắt lấy nó, phải biết nắm bắt và tận dụng nó để hoàn thành việc lớn.
Bài học số 3
Khi đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa hẳn ai cũng biết, Lưu Bị từ hai bàn tay trắng mà gây dựng nên nước Thục hùng mạnh, tạo thành 1 trong 3 thế chân vạc của thiên hạ. Thành công của ông đến từ sự nhân nghĩa, biết cách thu phục người tài.
Theo diễn biến của truyện, Lưu Bị đã 3 lần đến lều tranh thuyết phục Gia Cát Lượng, một quân sư đại tài thời bấy giờ. Kết nghĩa với Quan Vũ, Trương Phi, thu nạp Triệu Tử Long, Hoàng Trung, Mã Siêu, những dũng tướng hiếm có thời Đông Hán mai này giúp ông làm nên sự nghiệp lẫy lừng lưu danh muôn thuở.
Tóm lại: Muốn thành đại sự cần biết nhìn người và trọng dụng người tài.
Bài học số 4
Quan Vũ, Trương Phi, Mã Tắc, Ngụy Diên…tuy anh dũng, lập được đại công nhưng do kiêu ngạo, khinh địch, chủ quan đều bị chết thảm.
Tóm lại: Trong cuộc sống, công việc, hay kinh doanh nên thận trọng khiêm tốn, chủ động đón đầu và vượt qua thử thách, bởi chủ quan kiêu ngạo dễ dẫn đến thất bại và mất tất cả.
Bài học số 5
Gia Cát Lượng chỉ cần uốn 3 tấc lưỡi có thể khiến anh hùng Giang Đông câm nín không thể biện luận nổi. Đồng thời cũng khiến Tôn Quyền quyết định liên minh với Lưu Bị chống Tào Tháo, khiến quân Tào đại bại ở trận Xích Bích.
Tóm lại: Muốn thành công, đầu tiên phải nói được. Một người dù tốt đến đâu nhưng không nói được cũng khó có thể trở thành người lãnh đạo xuất sắc. Vậy nên, kỹ năng giao tiếp, đàm phán rất quan trọng trong công việc kinh doanh, đầu tư.
Bài học số 6
Bàng Thống có tài nhưng dung mạo xấu xí nên không được Tào Tháo và Tôn Quyền trọng dụng, chỉ đến khi gặp được Khổng Minh mới có được đất dụng võ.
Tóm lại: Ngoại hình hạn chế quá cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khi đi phỏng vấn xin việc.
Bài học số 7
Trương Phi chết là bởi chính những thuộc hạ của mình khi đang nung nấu ý định trả thù cho nhị huynh Vân Trường.
Tóm lại: Phải đối xử tốt với nhân viên, nếu chỉ suốt ngày đè nén áp bức, chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả, họ có thể bỏ việc tập thể hoặc nhảy việc.
Xem thêm: Chân lý đúc kết từ "Tam quốc diễn nghĩa": Phàm là người thông minh sẽ không bao giờ hỏi 3 điều này
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận