Cổ tích giữa đời thường: Mái ấm tràn ngập yêu thương của chàng trai “bò qua cuộc đời”
Bị bỏ rơi giữa mùa đông lạnh giá với dị tật bẩm sinh, Ding Zhuancheng từng trải qua những năm tháng tưởng chừng không thể ngẩng đầu giữa cuộc đời. Nhưng bằng tình yêu vô điều kiện của người cha nuôi và nghị lực phi thường, anh không chỉ vượt lên số phận, gây dựng trang trại giữa núi rừng mà còn tìm được mái ấm trọn vẹn bên người vợ đầy thấu cảm.
Cận Tết năm 1991, tại vùng quê Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), ông Ding Jinshuan đang chuẩn bị đi mua sắm thì nghe tin có một em bé bị bỏ rơi dưới sườn dốc. Ông vội chạy tới nơi và bắt gặp một đứa trẻ vài tháng tuổi đang khóc trong cái lạnh thấu xương của mùa đông.
Ôm đứa bé về nhà, khi bà cụ thay tã, cả nhà phát hiện em có một chiếc "đuôi nhỏ" – dấu hiệu bất thường ở vùng lưng. Cả làng bàn tán: “Chắc bệnh tốn tiền lắm, cha mẹ nó mới bỏ lại”. Gia đình ông Ding cũng rất lo lắng, bởi con trai ông đã ngoài 30 tuổi, chưa lập gia đình, nay lại "rước thêm phiền phức".
Nhưng ông Ding Jinshua không lùi bước, ông tuyên bố dứt khoát: “Dù cả đời sống độc thân, con cũng nuôi thằng bé này”. Cậu bé được đặt tên là Ding Zhuancheng, nghĩa là "chuyển vận thành công" như một lời nguyện cầu tương lai tốt đẹp.

Từ đó, hai cha con sống nương tựa nhau trong căn nhà cũ kỹ nơi miền núi. Zhuancheng mắc chứng gai đôi cột sống, chân teo lại và không thể đi lại. Ông Ding làm thuê, bán cả bò để chữa bệnh cho con. Một ca phẫu thuật giữ lại mạng sống cho Zhuancheng, nhưng không thể trả lại đôi chân.
Không được đến trường, mang trong mình bệnh tật, nhưng được nuôi dưỡng bằng tình yêu vô điều kiện, chàng trai Zhuancheng lớn lên đầy nghị lực. "Sống đứng là một ngày, bò cũng là một ngày, miễn tâm hồn vững là được", Zhuancheng, hiện 35 tuổi, nói.
Anh học tiếng phổ thông qua tivi, vào thành phố bán hàng kiếm tiền phụ cha từ khi còn rất nhỏ. Năm 2017, biến cố tiếp tục ập đến khi cha nuôi mắc Parkinson và tai biến. Zhuancheng lập tức bỏ phố về quê, vừa chăm cha, vừa quyết định khởi nghiệp: nuôi bò, dê, rồi chuyển sang nuôi gà.

Những năm đầu, đàn gà chết sạch, vốn liếng mất trắng. Nhưng hai cha con không oán trách nhau. Zhuancheng tự học kỹ thuật chăn nuôi, cải tiến chuồng trại, rồi học cách quay video tiếp thị trên mạng. Một người tốt bụng tặng anh chiếc xe ba bánh, giúp anh đi giao hàng.
Nhờ nỗ lực không ngừng, trang trại dần ổn định. Anh được hỗ trợ cắt bỏ đôi chân hoại tử và chuyển sang ngồi xe lăn. Quan trọng hơn cả, anh thực hiện được mơ ước lớn nhất đời mình: xây tặng cha ngôi nhà khang trang mang tên “Ngôi nhà tình yêu”.
Tháng 4/2019, khi xuất hiện trong chương trình “Cảm ơn người đến” của Đài truyền hình Thâm Quyến, câu chuyện về chàng trai không chân khiến hàng triệu khán giả rơi nước mắt. Tại chương trình, anh tổ chức sinh nhật đầu tiên trong đời cho người cha nuôi tròn 65 tuổi.

Chính tại đây, một cô gái tên Xiuxiu, sống tại Quảng Đông, đã chủ động xin số điện thoại của Zhuancheng với tin nhắn đầu tiên: “Anh có muốn lấy vợ không?”. Từ đó một chuyện tình đẹp đã mở ra…
Chỉ vài tháng sau, Xiuxiu nghỉ việc, vượt hàng nghìn cây số đến Lạc Dương. Cặp đôi tổ chức lễ cưới giản dị, bắt đầu cuộc sống làm nông, chăm cha, chữa bệnh.
Không thể có con tự nhiên, tháng 6/2020, họ quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, thủ tục yêu cầu đăng ký kết hôn, đây là điều mà gia đình Xiuxiu ban đầu phản đối rất quyết liệt. Cô gái trở về, dùng tình yêu và lòng kiên định thuyết phục cha mẹ. Cuối cùng, cha mẹ cô đành xuôi lòng cho cả hai đăng ký kết hôn.
Trong thời gian Xiuxiu mang bầu sống ở nhà bố mẹ đẻ, Zhuancheng chuyển đến sống cùng vợ. Bố mẹ cô gái cũng dần quý mến chàng trai nghị lực, có hiếu. Đầu năm 2021, bé trai Niudan chào đời, trở thành kết tinh ngọt ngào của một chuyện tình phi thường.
Tưởng chừng hạnh phúc đã trọn vẹn, thì bệnh tình của Zhuancheng lại chuyển biến. Anh suy thận, phải lọc máu định kỳ. Xiuxiu sẵn sàng hiến thận cho chồng, nhưng bác sĩ từ chối vì tình trạng của anh đặc biệt. Cứ cách một ngày, Ding lại đến bệnh viện "gia hạn sự sống".
Dù vậy, Zhuancheng không cô đơn. Ngoài cha nuôi, còn có họ hàng và cả dân làng thay nhau chăm nom, bệnh viện hỗ trợ chi phí điều trị. Và hơn hết, bên anh luôn có Xiuxiu – người vợ không chỉ chăm sóc mà còn cùng anh gieo yêu thương cho đời.
Dù phải lo toan viện phí, cặp đôi chưa từng từ chối việc thiện. Họ trồng rau chia cho người nghèo, khi lũ lụt ập đến Dung Giang – Quý Châu, Zhuancheng cũng đã chủ động quyên tặng 10.000 quả trứng, được cộng đồng gọi là “người hảo tâm không biên giới”.
Hiện tại, dù bệnh không thể chữa khỏi, sức khỏe của anh đã ổn định. Trang trại phát triển, mái nhà ngập tiếng cười.
Mỗi khi ai khen Xiuxiu là thiên thần, cô chỉ mỉm cười: “Anh ấy mang lại hạnh phúc cho em nhiều hơn. Gặp được anh là may mắn lớn nhất đời em”.
Còn với Zhuancheng, cha nuôi không cùng huyết thống nhưng là người cho anh hơi ấm, còn người vợ không mang đến giàu sang nhưng trao cho anh cả một thế giới yêu thương. “Số phận có thể trêu ngươi, nhưng tôi vẫn muốn sống một đời rực rỡ như bao người khác” – Ding Zhuancheng nói.
Xem thêm: Xúc động câu chuyện cô gái bị bắt cóc từ nhỏ được cộng đồng mạng giúp tìm lại cha mẹ ruột
Tin liên quan
Bị mất thị lực sau tai nạn, chàng trai Nguyễn Thế Anh (SN 2002) đã từng tuyệt vọng đến mức không dám dùng từ “khiếm thị” hay nhắc đến chữ “mù”… nhưng giờ đây cậu đã có thể bình thản chấp nhận và nỗ lực sống tốt mỗi ngày.
Người đàn ông bại liệt nổi tiếng ở Trung Quốc một lần nữa khiến công chúng cả trong và ngoài nước chú ý khi hiến tặng 5 tấn gạo cùng hàng ngàn nhu yếu phẩm cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Quý Châu.
Sau khi trả lại nhẫn kim cương cho chủ nhà, cuộc đời của nữ giúp việc Lý Ngọc Quyên đã bước sang một trang mới, vừa có sự nghiệp, vừa có người chị thân thiết đồng hành, hỗ trợ.
Bài mới

Sau 15 năm xa cách, anh Nguyễn Thế Minh (35 tuổi) vô cùng xúc động khi gặp lại bố ruột ở vùng đất xa lạ cách Việt Nam khoảng 6 giờ bay. “Vẫn là dáng vẻ của bố như trong trí nhớ. Chỉ khác là, dù lâu rồi mới gặp lại nhưng mình không thể chạy đến ôm, thể hiện tình cảm với bố như lúc bé. Vì mình tôn trọng con đường tu hành mà bố đã chọn”, anh nói.