Mất thị lực sau tai nạn, chàng trai gác lại ước mơ thành bác sĩ nỗ lực vực dậy chính mình: “Sẽ có một ngày bạn nhìn lại và tự hào vì đã không bỏ cuộc”
Bị mất thị lực sau tai nạn, chàng trai Nguyễn Thế Anh (SN 2002) đã từng tuyệt vọng đến mức không dám dùng từ “khiếm thị” hay nhắc đến chữ “mù”… nhưng giờ đây cậu đã có thể bình thản chấp nhận và nỗ lực sống tốt mỗi ngày.
Bạn đã bao giờ tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu một ngày thức dậy, thế giới trước mắt chỉ còn một màu đen và mọi mùi hương cũng vụt biến mất? Với nhiều người, điều ấy là cơn ác mộng. Nhưng với chàng trai trẻ Nguyễn Thế Anh hiện đang sống tại xã Yên Lãng, Hà Nội, đó là thực tại.
Thế Anh từng là một chàng trai bình thường như bao người trẻ khác: yêu công nghệ, thích chơi game, thích trò chuyện kết nối bạn bè và mang trong mình ước mơ lớn trở thành bác sĩ. Năm 2020, cậu đỗ vào ngành Y đa khoa, Đại học Y Dược Thái Bình với 27.25 điểm, một kết quả khiến gia đình, thầy cô tự hào và tin rằng tương lai đang rộng mở.

Nhưng mùa hè năm 2022, biến cố ập đến. Một tai nạn nghiêm trọng khiến thần kinh thị giác của Thế Anh tổn thương hoàn toàn. Mọi nỗ lực điều trị đều vô vọng. Cậu tỉnh dậy trong bóng tối vĩnh viễn, không còn nhìn thấy gì và cũng không còn ngửi thấy mùi hương quen thuộc nào nữa.
“Mọi thứ dường như sụp đổ, không chỉ là ánh sáng ngoài đời mà còn là trong lòng mình. Mình từng nghĩ rằng sẽ không thể làm được gì nữa nhưng mình đã chọn sống tiếp…”, Thế Anh tâm sự.

Những ngày đầu sau tai nạn là chuỗi thử thách nối tiếp nhau. Ngay cả việc đơn giản như đi lại, pha một cốc nước hay dùng điện thoại cũng trở thành trở ngại. “Mình thường va vào tường, vào cửa vì vẫn quen cách đi như lúc còn sáng mắt. Thật sự bế tắc, không biết phải bắt đầu lại từ đầu”.
Cảm giác mệt mỏi, sợ hãi bao trùm lấy chàng trai trẻ: “Mình sẽ phải sống trong bóng tối mãi mãi ư? Mình không dám nghĩ đến từ ‘khiếm thị’, ‘mù’ vì lòng mình quặn lại, cảm giác sợ hãi và tự ti”. Có những đêm cậu chỉ biết ngồi một mình, nghe lại những bản nhạc cũ, nhớ về cuộc sống trước kia. Nhưng rồi, Thế Anh lựa chọn bước tiếp vì còn có bố mẹ, người thân và quan trọng nhất là… chính mình.
“Có bao giờ mình thấy buồn không? Có chứ. Nhất là những lúc ngồi một mình nghe lại những bài hát cũ từng nghe, nhớ về những kỷ niệm trước kia đã từng làm. Nhưng mình nghĩ lại bên cạnh mình vẫn còn bố mẹ và mọi người xung quanh, người thân. Và đặc biệt là chính bản thân mình. Nên mình chọn bước tiếp, không chịu gục ngã trước số phận. Mình tin rằng mọi thứ có thể thay đổi”, chàng trai trẻ bộc bạch.

Cậu bắt đầu học lại mọi kỹ năng sống: rửa bát, lau dọn, phơi đồ. “Mình sống chậm lại và bắt đầu “nhìn” cuộc đời bằng đôi tai”. Không còn khứu giác, thính giác trở thành công cụ chính để cảm nhận thế giới. Cậu nhận ra tiếng gà gáy vào sáng sớm, tiếng loa phát thanh buổi chiều… đều là dấu mốc thời gian mà trước đây chưa từng để ý.
Tháng 8/2024, anh trai của Thế Anh tên là Sơn Nguyễn đã cài cho em phần mềm hỗ trợ đọc màn hình trên điện thoại. Lần đầu tiên sau tai nạn, Thế Anh có thể tự đọc, tự thao tác, tự nhắn tin và kết nối với bạn bè. Đó là một bước ngoặt lớn đối với chàng trai trẻ. “Mình vui vô cùng” , Thế Anh hào hứng nói.
Nhận thấy em trai đã sẵn sàng chia sẻ, Sơn động viên Thế Anh lên mạng xã hội kể lại hành trình của mình. Từ đó, những đoạn clip đầy xúc cảm về cuộc sống của một chàng trai khiếm thị bắt đầu lan tỏa. TikTok của Thế Anh hiện có hơn 26.000 người theo dõi, nhiều clip thu hút hàng triệu lượt xem.

Cư dân mạng gọi cậu là “ánh sáng trong bóng tối” vì tinh thần lạc quan, mạnh mẽ. Một bình luận xúc động: “Bạn mất đi ánh sáng, nhưng lại trở thành ánh sáng của rất nhiều người bình thường khác”.
Đầu tháng 7/2025, gia đình chính thức làm thủ tục để Thế Anh dừng bảo lưu kết quả học tại đại học sau 3 năm. Cậu không còn theo đuổi giấc mơ áo blouse trắng, nhưng nuôi hy vọng mới là phát triển kênh video một cách nghiêm túc, học cách bán hàng online để tự lập kinh tế.
Nhắn gửi đến những người đang đối mặt với khủng hoảng, không chỉ là khiếm thị mà là bất kỳ mất mát nào, chàng trai 2k2 nói thật bằng trải nghiệm của chính mình: “Mình là một người bình thường nên cũng chẳng biết phải nói câu gì cho hay. Nhưng mình hiểu được cảm giác bị rơi xuống vực sâu tuyệt vọng là như thế nào nên hãy tin mình, bạn sẽ leo lên được. Có thể không phải hôm nay, nhưng chắc chắn sẽ có một ngày bạn nhìn lại và tự hào vì đã không bỏ cuộc”.
Anh trai Thế Anh - Sơn Nguyễn hiện vừa làm văn phòng ở Hà Nội, vừa bán hàng online để phụ giúp bố mẹ và hỗ trợ em trai. Nhắc đến biến cố của em, anh lặng đi chia sẻ: “Thời gian đầu gia đình mình cũng sốc, sốc nhiều lắm và buồn nhiều lắm. Mọi thứ trong nhà thay đổi hết, từ cách sinh hoạt đến kinh tế gia đình. Nhưng rồi mọi người động viên nhau, bố mẹ và bản thân mình cố gắng mạnh mẽ hơn để làm điểm tựa cho Thế Anh. Dần dần cả nhà ổn định lại, học cách chăm sóc và hướng dẫn Thế Anh tìm hiểu các thiết bị, công cụ để em có thể tự lập hơn từng chút một”.
Trong tương lai, Sơn Nguyễn và gia đình chỉ mong em trai được khỏe mạnh, tự tin sống cuộc đời của mình. “Nếu có cơ hội, gia đình muốn Thế Anh được học thêm kỹ năng hoặc làm công việc nào đó phù hợp để em có niềm vui và tự lập hơn. Hiện tại, mình cùng làm video để em có thêm niềm vui, để chia sẻ câu chuyện mà em đã trải qua, phần nào tiếp thêm động lực cho những người đang gặp khó khăn đồng thời hy vọng có nhiều cơ hội hơn đến với em” - Sơn Nguyễn nói thêm.
Chàng trai trẻ Nguyễn Thế Anh đã mất đi đôi mắt, nhưng lại tìm thấy bản lĩnh, lòng kiên cường và khát vọng sống mãnh liệt. Cậu không chỉ đang học cách sống tiếp, mà còn giúp nhiều người học cách sống đẹp hơn.
Tin liên quan
Không phụ sự mong mỏi của bố mẹ, chàng trai Sừng Thanh Xuân (dân tộc Hà Nhì, sinh viên Học viện Hành chính và Quản trị công) xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp ngành Quản trị văn phòng.
Chàng trai 20 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không giấy tờ, không người thân. Không chờ đủ thủ tục, các bác sĩ quyết định mổ khẩn cầu để cứu người trong thời gian vàng.
Mất hai chân sau một vụ tai nạn hy hữu, Phạm Tuấn Hưng – chàng trai không chân đã vượt lên nghịch cảnh, không chỉ trở thành vận động viên bơi lội chuyên nghiệp mang về nhiều thành tích đáng nể mà còn là nhà sáng tạo nội dung số với mức thu nhập đáng nể.
Bài mới

Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.