Từ cậu bé bại não trở thành thần đồng toán học với huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 2025
Dù mắc bệnh bại não, nam sinh Xu Qiming (Trung Quốc) vẫn xuất sắc giành huy chương vàng, dẫn dắt đội tuyển quốc gia vô địch Olympic Toán quốc tế năm 2025.
Tuần trước, khi những bộ óc toán học trẻ xuất sắc nhất thế giới tụ họp tại Sunshine Coast (Australia) để tham dự kỳ thi toán học toàn cầu lớn nhất trong năm, một khoảnh khắc đặc biệt đã để lại ấn tượng sâu sắc ngay trước giờ khai mạc cuộc thi.
Tại lễ khai mạc Olympic Toán Quốc tế (IMO), khi đội tuyển Trung Quốc gồm 6 thành viên được giới thiệu, ánh mắt của mọi người đều về một nam sinh có dáng đi loạng choạng bên cạnh các đồng đội. Đó là Xu Qiming, học sinh năm hai tại một trường trung học ở Vũ Hán.
Xu Qiming mắc chứng bại não – một rối loạn vận động vĩnh viễn do thiếu oxy khi chào đời. Căn bệnh này ảnh hưởng lớn đến khả năng kiểm soát vận động, khiến cử động của em không ổn định, khó giữ thăng bằng và phối hợp các hoạt động cơ thể.
Bất chấp trở ngại thể chất kéo dài suốt đời, cậu bé Xu Qiming đã sớm thể hiện tài năng nổi bật trong môn Toán và từng bước khẳng định vị trí của mình trong đội tuyển Trung Quốc, một trong những đội tuyển có tính cạnh tranh khốc liệt nhất thế giới.
“Tôi chưa từng gặp một thí sinh nào giống như em ấy tại Olympic Toán học”, một huấn luyện viên toán – người phát trực tiếp kỳ thi năm nay trên mạng xã hội Trung Quốc đã chia sẻ với South China Morning Post.
Một người phụ nữ giấu tên cho biết: “Xu Qiming không hề được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đặc biệt nào. Theo quy định của IMO, tất cả thí sinh đều phải hoàn thành ba bài toán mỗi ngày trong 4,5 giờ, kéo dài liên tục trong hai ngày thi”.

Hằng năm, Trung Quốc sẽ lựa chọn ra 30 học sinh trung học xuất sắc nhất cả nước vào đội tuyển huấn luyện Olympic Toán học quốc gia. Sau hai vòng sàng lọc tiếp theo, chỉ có 6 người được chọn vào đội hình chính thức tham gia Olympic Toán quốc tế.
Mặc dù không phải là thí sinh có điểm số cao nhất trong hai năm liên tiếp, cậu bé Qiming vẫn luôn duy trì phong độ ổn định trong nhóm tuyển thủ ưu tú của Trung Quốc.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Trung Quốc tại Olympic Toán học đã không tiếc lời ca ngợi Xu Qiming khi em được chọn vào đội tuyển quốc tế vào tháng 3 vừa qua. Ông nói: “Em đã cho thấy khả năng giải toán vượt trội, sự điềm tĩnh và trí tuệ nổi bật hơn hẳn so với nhiều bạn đồng trang lứa”.
Mỗi năm, nước chủ nhà sẽ đưa ra 30 bài toán, từ đó các trưởng đoàn của hơn 100 quốc gia chọn ra 6 đề thi chính thức, mỗi bài có điểm tối đa là 7.
Năm ngoái, Qiming đạt 35 điểm, xếp thứ 5 trong tổng số 609 thí sinh, giành được huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại để mất chức vô địch vào tay đội tuyển Mỹ do thua về tổng điểm, chấm dứt chuỗi 5 năm vô địch liên tiếp.
Năm nay, Qiming và các đồng đội quyết tâm giành lại vinh quang cho đội tuyển Trung Quốc.
Trong 5 bài đầu tiên của đề thi, cả 6 thành viên Trung Quốc đều đạt điểm tuyệt đối, mỗi người giành 35 điểm. Trái lại, hai thí sinh đội Mỹ bị trừ tổng cộng 3 điểm, làm giảm điểm trung bình của đội. Đến bài số 6, bài toán khó nhất trong kỳ thi, Trung Quốc đạt 21 điểm với hai lời giải hoàn hảo. Trong khi đó, đội tuyển Mỹ chỉ giành được 9 điểm ở bài này.
Hôm thứ sáu, cậu bé bại não - Xu Qiming lần thứ hai liên tiếp giành huy chương vàng tại IMO, đồng thời góp phần dẫn dắt Trung Quốc vượt qua Mỹ, đối thủ truyền kiếp. Cậu đạt tổng điểm 36, xếp hạng 12 trong số 630 thí sinh tham dự. Trung Quốc chính thức giành lại ngôi vô địch với tổng điểm 231 và 6 huy chương vàng, còn Mỹ xếp thứ hai với 216 điểm, giành 5 huy chương vàng và 1 huy chương bạc.
Olympic Toán quốc tế không chỉ đơn thuần là nơi đánh giá chỉ số IQ. Từ năm 2000 đến nay, đã có 8 người từng giành huy chương IMO được trao Huy chương Fields – giải thưởng danh giá nhất trong ngành Toán học.
Một trong những huyền thoại nổi bật là Terence Tao – người giành huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 1988 khi mới 13 tuổi, trở thành người trẻ nhất trong lịch sử đạt được vinh dự này. 37 năm sau, Terence Tao – hiện là giáo sư tại Đại học UCLA (Mỹ) – đã quay lại Australia để trao huy chương cho những thí sinh xuất sắc nhất năm nay tại lễ bế mạc.
“IMO luôn vậy. Bài số 6 cực kỳ khó và gần như không ai làm được. Tôi cũng không giải được bài đó. Thế giới bây giờ rất khó đoán trước. Tôi không thể nói điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng đây thực sự là đỉnh cao của các cuộc thi toán học, và các bạn đã vượt qua thử thách một cách xuất sắc”, ông nói với khán giả.
Sau lễ bế mạc, đội chủ nhà Australia đã trao cờ Olympic Toán học quốc tế cho đội tuyển Trung Quốc, đơn vị đăng cai IMO 2026 tại Thượng Hải.
Olympic Toán học Quốc tế được tổ chức lần đầu năm 1959. Trung Quốc tham dự từ năm 1985 và chỉ giành huy chương đồng trong lần đầu tiên. Nhưng chỉ sau 4 năm, họ đã giành chức vô địch đầu tiên. Kể từ đó đến nay, trong vòng 36 năm, Trung Quốc đã khẳng định vị thế thống trị với 25 lần vô địch và tổng cộng 191 huy chương vàng.
Tin liên quan
Bản thân mắc u gan nhưng ông Quỳnh vẫn cố gắng làm lụng nuôi sống con trai mắc bệnh u não suốt 19 năm qua. Giờ con lại nằm viện, tính mạng nguy kịch nhưng kinh tế gia đình kiệt quệ, không còn có nào xoay xở ông đành phải cầu cứu cộng đồng.
Khi được hỏi về thành công của bản thân, chàng trai bại não - Đinh Chính nói: "Thực sự phải nói rằng sự thành công của tôi ngày hôm nay không chỉ là nỗ lực của bản thân mà còn có sự đồng hành, nâng đỡ rất lớn từ mẹ".
Vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường, chàng trai bại não - Li Chuangye (Trung Quốc) đã trở thành bác sĩ ở tuổi 25.
Bài mới

Bị bỏ rơi giữa mùa đông lạnh giá với dị tật bẩm sinh, Ding Zhuancheng từng trải qua những năm tháng tưởng chừng không thể ngẩng đầu giữa cuộc đời. Nhưng bằng tình yêu vô điều kiện của người cha nuôi và nghị lực phi thường, anh không chỉ vượt lên số phận, gây dựng trang trại giữa núi rừng mà còn tìm được mái ấm trọn vẹn bên người vợ đầy thấu cảm.

Sau 15 năm xa cách, anh Nguyễn Thế Minh (35 tuổi) vô cùng xúc động khi gặp lại bố ruột ở vùng đất xa lạ cách Việt Nam khoảng 6 giờ bay. “Vẫn là dáng vẻ của bố như trong trí nhớ. Chỉ khác là, dù lâu rồi mới gặp lại nhưng mình không thể chạy đến ôm, thể hiện tình cảm với bố như lúc bé. Vì mình tôn trọng con đường tu hành mà bố đã chọn”, anh nói.