Sự vĩ đại của tình mẹ giúp chàng trai bại não trở thành Thạc sĩ Harvard
Khi được hỏi về thành công của bản thân, chàng trai bại não - Đinh Chính nói: "Thực sự phải nói rằng sự thành công của tôi ngày hôm nay không chỉ là nỗ lực của bản thân mà còn có sự đồng hành, nâng đỡ rất lớn từ mẹ".
Năm 1988, khi ấy bà Hồng Yến (Trung Quốc) đang mang thai đứa con đầu lòng, bà từng ngày mong ngóng con chào đời khỏe mạnh. Thế nhưng chỉ vì một tai nạn nhỏ trong lúc sinh đã khiến đứa bé mới lọt lòng bị bại não.

Lúc đó, các bác sĩ khuyên bà Hồng Yến không nên cố gắng cứu chữa nữa vì chắc chắn sẽ để lại di chứng nghiêm trọng. Đứa trẻ đã bị xuất huyết nội sọ và rất có thể sẽ mắc chứng mất trí nhớ và liệt trong tương lai.
Đây là điều rất khó để chấp nhận đối với một người mẹ, đứa con của bà vẫn còn thở, sao bà có thể chấp nhận từ bỏ con?

Lúc đó, trong khi chồng bà Hồng Yến quyết định bỏ rơi con thì bà đã đưa ra quyết định, dù trong tương lai có khó khăn, mệt mỏi đến đâu bà cũng sẽ nuôi dạy con trai bằng tất cả những gì mình có.
Sau này khi chia sẻ lại khoảnh khắc quyết định đó bà Hồng Yến đã bật khóc. Bà nói, chỉ cần bản thân còn sống, đứa trẻ cũng sẽ sống. Nếu bà chết, bà sẽ mang con đi cùng để con không phải chịu đau khổ, bơ vơ một mình trên thế gian này.


Sau chuỗi ngày ở bệnh viện, bà Hồng Yến đưa con trai về nhà nuôi dưỡng, đặt tên ở nhà là Đậu Đậu, tên thật là Đinh Chính. Bà hy vọng con trai sẽ có sức sống mãnh liệt như hạt đậu, đặt ở đâu cũng nảy mầm được.
Lúc nhỏ, con trai bà Hồng Yến không thể tự ngồi mà luôn phải có chăn chèn bên cạnh. Nhìn con bà nghĩ nếu mình không làm gì, thằng có có thể trở thành kẻ ngốc suốt đời. Từ đó trở đi bà bắt đầu công cuộc tự mình giáo dục con.
Đầu tiên, bà treo bóng bay nhiều màu sắc khắp phòng để rèn luyện cho con sự tập trung. Mỗi ngày bà đều bế con lên và nói cho con biết quả bóng màu gì. Chính bà Hồng Yến cũng không ngờ rằng cách dạy của mình lại mang đến hiệu quả nhanh như vậy. Bởi chỉ sau vài ngày, khi được mẹ hỏi quả bóng nào màu đỏ, Đậu Đậu đã nhìn chằm chằm vào quả bóng có màu đỏ. Lúc này bà Hồng Yến nhận ra rằng, chắc chắn Đậu Đậu có khiếm khuyết về thể chất nhưng con không hề ngốc.
Sau khi phát hiện ra điều này, bà Hồng Yến lại càng kiên nhẫn hơn trong việc dạy con, bởi bà viết những nỗ lực của bản thân không phải là vô ích.

Khi được 7 tháng tuổi, cậu bé Đậu đã có thể nói được những từ đơn giản như ăn, đi, uống… Lên 8 tháng tuổi thì đã nói được 2 từ, rồi 3 từ, 4 từ. Sự tiến bộ mỗi ngày của con trai chính là nguồn động viên, khích lệ vô cùng to lớn đối với bà Hồng Yến. Bà hiểu rằng con trai không có vấn đề gì về trí thông minh, chỉ cần rèn luyện con thật tốt, tương lai của con sẽ không đến nỗi quá khó khăn.
Song song với dạy học, bà còn rèn luyện thêm cho con khả năng nắm bắt dù tay rất yếu. Bà bắt đầu bằng việc xé giấy vụn ra cho con chơi. Việc này nhanh chóng thu hút Đậu Đậu và cậu bé cũng làm theo. Khi tay chân đã khỏe, người mẹ lại bắt đầu cho con tập đi bằng cách bám vịn. Trong khi trẻ nhỏ có thể bắt đầu bước đi khi được 1-2 tuổi thì Đậu Đậu cũng thành công năm lên 3 tuổi. Do cậu bé bị liệt nửa người bên trái nên từ nhỏ chân trái không thể bước đi mà phải lê.

Khi đã thành thục học nói, học đi, Đậu Đậu bắt đầu được mẹ cho học ăn. Cậu nhóc mất 1 năm để học cách sử dụng đũa. Cũng có những lúc Đậu Đậu đã thất bại, lật đổ hết tất cả thức ăn xuống đất nhưng đều được mẹ kiên trì dạy bảo. Đến giờ khi nhớ lại khoảng thời gian học tập của con, bà Hồng Yến đều nhớ rất rõ ràng, chi tiết. Đây chẳng phải là tình yêu vĩ đại của một người mẹ hay sao?
Sau này khi Đậu Đậu lớn hơn một chút, bà Hồng Yến bắt đầu cho con đi trị liệu bằng phương pháp bấm huyệt, massage. Nhìn con đau đớn, bà Hồng Yến lén quay đi, lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má vì bà biết rằng nếu mình yếu đuối, tương lai của con sẽ bị hủy hoại.

Khi Đậu Đậu bước vào tiểu học, vì những khiếm khuyết trên cơ thể, cậu bé phải đối mặt với tình trạng bị bạn bắt nạt. Lúc này, bà Hồng Yến đã dạy con trai cách đối phó và né tránh. Trong suốt các năm học, Đậu Đậu luôn là học sinh giỏi, đứng đầu lớn về khả năng tư duy và học tập.
Khi Đậu Đậu muốn thi vào Đại học Bắc Kinh, người cha đã bỏ rơi cậu bao nhiêu năm không ủng hộ bởi ông cho rằng con trai mình không thể tự chăm sóc bản thân. Bà ngoại cũng phản đối và nói rằng cậu không có khả năng nên tốt nhất là ở nhà.
Chỉ có Hồng Yến là hết mình ủng hộ con. Bà nói với con trai rằng, nếu muốn trở thành một người đàn ông thực thụ, con phải xa nhà, đừng quanh quẩn bên mẹ.

Sau câu nói của mẹ, chàng trai bại não như được tiếp thêm sức mạnh. Cậu quyết tâm thi đậu Đại học Bắc Kinh và kết quả thật tuyệt vời. Không chỉ đậu trường như ý muốn, Đại học Thanh Hoa và nhiều ngôi trường tốt khác cũng gọi điện trực tiếp cho Đậu Đậu để mời cậu đến học.
Cuối cùng Đậu Đậu quyết định nhập học Khoa Luật quốc tế của Đại học Bắc Kinh để học lấy bằng Thạc sĩ. Trong quá trình học tập, anh cũng giành được nhiều học bổng, danh hiệu danh giá.

Mặc dù đã đạt được thành tích như vậy và được giáo viên giới thiệu nộp đơn vào Harvard, nhưng Đinh Chính vẫn lo sợ và nói với mẹ: "Mẹ ơi, con chắc không làm được". Bà Hồng Yến nghe xong chỉ nhẹ nhàng cười bảo: "Con hãy thử đi!".
Sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, chàng trai bại não Đinh Chính sau nhiều ngày suy nghĩ đã nói với mẹ rằng cậu không muốn đi học nữa vì chi phí học tập rất lớn. Đinh Chính nghĩ rằng chỉ cần nhận được giấy báo trúng tuyển này là đã đủ để chứng minh, cậu không tệ hơn những người khác.
Tuy nhiên bà Hồng Yến nói với con, việc nhận được giấy báo trúng tuyển là việc của con còn việc đóng học phí là của mẹ. Dù có phải bán nhà, bán hết tất cả tài sản, bà cũng quyết cho con đi học.

Rất may ngay sau đó, Đinh Chính đã xin được học bổng nên giảm bớt gánh nặng tài chính. Bà Hồng Yến lập tức vay thêm tiền cho con ra nước ngoài học, theo đuổi ước mơ của đời mình.
Nhờ sự nỗ lực của bản thân, chỉ trong 1 năm, chàng trai bại não Đinh Chính đã hoàn thành chương trình học Thạc sĩ và tham gia kỳ thi Luật sư của Tiểu bang New York. Hiện anh đang là cố vấn pháp lý của một công ty có tiếng tại Trung Quốc.
Chia sẻ về câu chuyện của mình, Đinh Chính nói: "Khi tôi luôn thắc mắc không hiểu tại sao mẹ lại có thể kiên trì đồng hành cùng mình đến vậy, mẹ nói rằng, dù chỉ còn 1% hy vọng, chúng ta cũng phải cố gắng 100%. Thực sự phải nói rằng sự thành công của tôi ngày hôm nay không chỉ là nỗ lực của bản thân mà còn có sự đồng hành, nâng đỡ rất lớn từ mẹ".
Xem thêm: Câu chuyện xúc động phía sau tấm ảnh kỷ yếu được chụp trong bệnh viện
Tin liên quan
Từ sự biết ơn và đồng cảm, 18 năm qua ông Phạm Thanh Hồng (67 tuổi) đã âm thầm nấu cơm, cháo giúp những người có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.
Những ngày qua, câu chuyện về một nam shipper trèo ban công giải cứu bé trai 18 tháng tuổi bị kẹt trong phòng tại hẻm 56, đường số 27, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.
Mới đây, cộng đồng mạng liên tục lan truyền những video hài hước và gần gũi của sư thầy Thích Khai Quảng người đang thu hút sự chú ý nhờ loạt livestream bán hàng với phong cách “chất như idol”.