Nữ giúp việc đổi đời nhờ tính trung thực: Ông trời không phụ lòng người!
Sau khi trả lại nhẫn kim cương cho chủ nhà, cuộc đời của nữ giúp việc Lý Ngọc Quyên đã bước sang một trang mới, vừa có sự nghiệp, vừa có người chị thân thiết đồng hành, hỗ trợ.
Sinh năm 1958 tại một vùng quê nghèo thuộc Quảng Châu, Lý Ngọc Quyên lớn lên trong những tháng ngày cơ cực. Mồ côi cha mẹ từ sớm, chị sống nhờ họ hàng, rồi phải bỏ học giữa chừng để đi làm công nhân may.
Sau nhiều lần bị sa thải, vào năm 2003, ở tuổi 45, một người bạn cũ gợi ý chị thử chuyển sang nghề giúp việc gia đình. Từ đó, chị Quyên bắt đầu công việc mới với tâm thế khiêm tốn, nhẫn nại. Nhờ bản tính thật thà, siêng năng, chị dần chiếm được lòng tin của các gia đình, tuy nhiên thu nhập chỉ đủ sống qua ngày.
Bước ngoặt lớn đến vào năm 2004, khi chị được nhận vào làm trong nhà bà Hoàng Thúy Linh, một nữ doanh nhân thành đạt tại Quảng Châu. Sự chu đáo, gọn gàng và lối sống kỷ luật của nữ giúp việc nhanh chóng khiến bà Linh hài lòng.
Một ngày, khi đang dọn dẹp, chị Quyên bất ngờ phát hiện một chiếc nhẫn kim cương rơi xuống khe ghế sofa, mắc kẹt bên trong. Biết đây là vật giá trị và căn nhà không lắp camera, chị vẫn không chút đắn đo, chờ chủ nhà về để trả lại nguyên vẹn.
Nhận lại kỷ vật, bà Linh vô cùng xúc động liên tục nói cảm ơn. Người chủ kể đây là chiếc nhẫn bà tự thưởng cho bản thân sau thành công đầu tiên trong sự nghiệp, một kỷ vật vô giá. Bà đã làm mất vài năm trước, thời điểm chị Quyên chưa đến làm và nghĩ không tìm lại được.

Cảm kích trước sự trung thực của người giúp việc, bà Linh tò mò hỏi tại sao chị lại không giữ lại. “Cha mẹ em dạy rồi, của không phải của mình thì không được tham”, nữ giúp việc bình thản nói.
Chính câu nói mộc mạc ấy đã khiến nữ giám đốc xúc động sâu sắc. Bà muốn tặng chị Quyên 10.000 tệ nhưng chị kiên quyết từ chối, cho rằng đó là việc nên làm.
Từ đó, mối quan hệ giữa họ không còn là chủ và người làm, mà là tình chị em gắn bó. Không muốn thấy người phụ nữ thật thà mãi gắn bó với công việc vất vả, bà Linh đã chủ động đề nghị tài trợ toàn bộ chi phí học kế toán để chị Quyên học vào thời gian rảnh. Nhờ sự động viên và hỗ trợ không điều kiện, chị Quyên đã lấy được chứng chỉ, xin vào làm tại một công ty với vai trò kế toán.
Tưởng như cuộc sống đã sang trang, thì chị Quyên phát hiện mình mắc ung thư vú. Trong những ngày chống chọi với hóa trị, rụng tóc, cơ thể kiệt quệ, người luôn bên cạnh chăm sóc, động viên chị không ai khác chính là bà Linh, như một người thân ruột thịt.
Khi sức khỏe dần ổn định, bà Linh tiếp tục cho chị Quyên vay 100.000 tệ không lãi để mua một căn nhà nhỏ. Từ một người giúp việc sống trong khu nhà tạm bợ, chị Quyên đã có ngôi nhà riêng, công việc ổn định và cuộc sống mới.
Giờ đây, mỗi lần gặp lại, họ không còn gọi nhau là chủ tớ, mà là người thân, người bạn tri kỷ của nhau. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, chị Quyên vẫn rưng rưng xúc động. Nhưng bà Linh chỉ nhẹ nhàng đáp: “Người em cần cảm ơn là chính mình. Nếu ngày đó em không trung thực, đã không có câu chuyện ngày hôm nay”.
Một hành động trung thực nhỏ bé năm nào đã mở ra một cuộc đời mới, chứng minh rằng nhân cách có thể thay đổi số phận và nghĩa tình là thứ ánh sáng quý giá nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Xem thêm: Người đàn ông tình nguyện chăm sóc bạn gái mất trí nhớ suốt 10 năm
Tin liên quan
Craig Wood (33 tuổi) - người đàn ông khuyết tật mất cả hai chân và tay trái vừa hoàn thành "kỳ tích" khi tự lái thuyền 7.500 hải lý trong 80 ngày, đi xuyên Thái Bình Dương.
Chứng kiến những người vô gia cư co ro trên vỉa hè trong cái lạnh thấu xương, cô bé Rebecca Young (12 tuổi) đến từ Học viện Kelvinside ở Glasgow đã thiết kế một chiếc chăn năng lượng mặt trời.
Sau 15 năm xa cách, anh Nguyễn Thế Minh (35 tuổi) vô cùng xúc động khi gặp lại bố ruột ở vùng đất xa lạ cách Việt Nam khoảng 6 giờ bay. “Vẫn là dáng vẻ của bố như trong trí nhớ. Chỉ khác là, dù lâu rồi mới gặp lại nhưng mình không thể chạy đến ôm, thể hiện tình cảm với bố như lúc bé. Vì mình tôn trọng con đường tu hành mà bố đã chọn”, anh nói.