Thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng - nữ sinh Việt Nam đầu tiên giành huy chương Olympic Toán quốc tế, từng làm việc cho Liên Hợp Quốc, hết mình cống hiến cho cộng đồng ở tuổi nghỉ hưu
Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.
Tình yêu toán học và hành trình chi phục huy chương Quốc tế
Thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng bắt đầu hành trình “chạm ngõ” toán học từ những năm học lớp 6, dưới mái trường Trưng Vương, Hà Nội. Vốn học đều cả Toán lẫn Văn, nhưng chính phương pháp giảng dạy đầy khơi mở và truyền cảm hứng của thầy Lê Mộng Ngọc đã khiến cô học trò nhỏ dứt khoát lựa chọn gắn bó với môn Toán.
“Có những đề toán tôi tìm được vài cách giải, thầy giáo khích lệ thành ra mình hứng thú. Mình cứ thế học tiếp, như kiểu bản năng. Thích thú đến nỗi có những lời giải mình tìm thấy trong giấc mơ”, bà Diễm Hằng chia sẻ.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng với tổ tiên nhiều đời làm quan, cháu nội của cụ Phan Kế Toại – Phó Thủ tướng thời bấy giờ, nhưng bà Diễm Hằng không cảm thấy áp lực phải học giỏi. Với bà, Toán học đến một cách tự nhiên như hơi thở. Và rồi tình yêu ấy đã đưa bà đến lớp Chuyên Toán A0 của Đại học Tổng hợp (nay là Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong số 21 học sinh năm đó, chỉ có hai nữ sinh trong đó có Diễm Hằng. Bà cũng chính là một trong 8 học sinh được chọn tham dự Kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1975, đồng thời là thí sinh nữ đầu tiên của Việt Nam góp mặt tại sân chơi này. Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam tham dự kỳ thi Toán học danh giá trên thế giới.
Olympic Toán quốc tế năm 1975 được tổ chức tại Bungari. Đoàn Việt Nam gồm 8 học sinh do hai thầy Phan Đức Chính và Lê Hải Châu dẫn đầu. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời cô nữ sinh Diễm Hằng được đi máy bay. Theo lời bà Hằng kể lại thì đoàn quá cảnh tại Moskva trước khi tiếp tục hành trình tới Bungari bằng tàu hỏa.

Chuyến đi kéo dài cả tháng trời, vượt hàng nghìn cây số, không có thiết bị liên lạc với quê nhà. Là nữ sinh duy nhất trong đoàn, nhưng bà Diễm Hằng không chề thấy lo lắng. “Chắc là vì đã quen với việc sống không có thông tin, ở nhà chiến tranh phải đi sơ tán thường xuyên. Dân học Toán lại khô khan nên cũng đỡ bận tâm. Với thực ra, so với cuộc sống khó khăn trong nước lúc ấy, chúng tôi còn thấy mình được ưu tiên hơn nhiều”, bà Hằng bồi hồi nhớ lại.
Kết quả, kỳ thi năm ấy cô nữ sinh Phan Vũ Diễm Hằng đã mang về tấm Huy chương Đồng danh giá cho đội tuyển Việt Nam. Khi được hỏi về cảm xúc lúc ấy, đúng vào năm 1975, thời khắc lịch sử đất nước thống nhất bà chỉ khiêm tốn nói: “Đó là sự tình cờ may mắn góp cho niềm vui chung của dân tộc. Còn bản thân chúng tôi khi ấy chỉ nghĩ đơn giản là một việc được giao và mình hoàn thành”.
Dùng toán học làm đẹp cho đời
Sau khi giành huy chương tại Olympic Toán quốc tế, Phan Vũ Diễm Hằng được Nhà nước cử sang Liên Xô du học chuyên ngành Toán. Tại đây, bà lựa chọn theo học ngành Toán ứng dụng, chuyên sâu về Điều khiển tối ưu, đây là lĩnh vực có nhiều ứng dụng trong y tế. Chính lựa chọn này đã mở ra con đường để bà gắn bó lâu dài với ngành dịch tễ học và y học cộng đồng.
Tốt nghiệp trở về nước, bà công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất với bà là thời gian tham gia Chương trình Tiêm chủng mở rộng ngay từ những ngày đầu. Khi đó, tài liệu về vắc xin chỉ được phát hành đến cấp huyện, chủ yếu là sách dày, khó tiếp cận và tốn kém khi in ấn. Trong khi đó, tuyến y tế xã nơi trực tiếp thực hiện tiêm chủng lại hoàn toàn thiếu hướng dẫn cụ thể.

Nhận thấy khoảng trống này, bà Diễm Hằng đã đề xuất với lãnh đạo Viện và cùng các đồng nghiệp trẻ biên soạn một cuốn sổ tay vắn tắt, chỉ hơn 10 trang, súc tích, dễ hiểu và dễ nhân bản. Cuốn sổ tay nhanh chóng được phổ biến đến tất cả các xã và trở thành tài liệu cốt lõi trong công tác tiêm chủng. Cho đến ngày nay, dù danh mục vắc xin đã mở rộng đáng kể, sổ tay hướng dẫn này vẫn được xem là "bảo bối" của y tế cơ sở.
Thời điểm đó, cả hai vợ chồng bà Diễm Hằng đều làm trong ngành vệ sinh dịch tễ, kinh tế gia đình không tránh khỏi khó khăn. Đến năm thứ 16 công tác, bà đưa ra quyết định lớn: rời Viện Vệ sinh Dịch tễ để đầu quân cho Dự án phòng chống HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc. Đây là một lựa chọn đầy thách thức trong bối cảnh HIV/AIDS vẫn còn là nỗi ám ảnh với cộng đồng.

Tuy nhiên, với kiến thức chuyên môn và hiểu biết về cơ chế lây nhiễm, bà Hằng không ngần ngại sống, ăn, ở cùng người nhiễm HIV trong những chuyến công tác. Chính tại trong những chuyến công tác ấy, bà đã tận mắt chứng kiến sự đau đớn, thiệt thòi của phụ nữ và trẻ em trong các gia đình có người nhiễm bệnh. Những đứa trẻ bị kỳ thị, không được đến trường, không ai dám chơi cùng… đã để lại trong bà Hằng nỗi trăn trở sâu sắc.
Trải nghiệm làm việc trong một tổ chức quốc tế, kết hợp với nền tảng học thuật vững chắc và trải nghiệm thực tế, đã giúp bà Hằng hình thành một tư duy mới: để giải quyết một vấn đề của cộng đồng, cần xây dựng được mạng lưới bền vững và nâng cao năng lực cho từng cá nhân trong hệ thống. Đó là bài học lớn mà bà mang theo suốt hành trình sự nghiệp của mình.
Tiếp tục hành trình vì cộng đồng ở tuổi nghỉ hưu
“Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc” – đó là cách bà Phan Vũ Diễm Hằng nói về mình khi tiếp tục hành trình thiện nguyện mà bà đã bền bỉ thực hiện từ thời còn công tác. Không đơn độc, bà cùng những người bạn đồng hành chung tay thực hiện những việc nhỏ bé nhưng thiết thực cho cộng đồng.
Từ tinh thần đó, nhóm thiện nguyện “Ong Chăm” được hình thành, dựa trên ý tưởng từ mô hình tổ ong: làm việc hiệu quả, phân công rõ ràng, tự giác và giàu tính kết nối. Nhóm chọn hướng đi tập trung vào giáo dục vùng cao, một cách đầu tư mà theo bà Hằng sẽ tạo tác động lâu dài, bền vững, tránh dàn trải nguồn lực.

Khởi đầu là những chiếc mũ len đa năng do nhóm tự tay đan gửi tặng học sinh vùng cao. Tiếp đó là áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập được gom góp, phân loại và chuyển đến tận tay các em nhỏ nơi địa đầu Tổ quốc. Những hành động nhỏ dần thắp lên ý tưởng lớn.
Trong một chuyến công tác thiện nguyện năm 2018 đến Hoàng Su Phì, Hà Giang, bà Hằng nhận thấy nhiều học sinh nội trú đang phải ở tạm trong những căn nhà cấp 4 cũ kỹ, tối tăm và xuống cấp. Từ đó, bà đề xuất hỗ trợ xây dựng kí túc xá nhà sàn dành cho học sinh, một mô hình vừa phù hợp với tập quán văn hóa địa phương, vừa mang tính cộng đồng cao.
Từ nguồn đầu tư 400-500 triệu do Ong Chăm huy động, chiếm khoảng 50% kinh phí xây dựng cho mỗi nhà kí túc xá, chính quyền huyện, xã sẽ đầu tư thêm, nhân dân đóng góp công sức và thầy cô duy trì hoạt động. Kết quả, đến nay Hoàng Su Phì đã có 5 ký túc xá nhà sàn, mỗi căn rộng trên 200m², tầng một là khu sinh hoạt chung, nơi các em có thể ăn, chơi, học tập,… còn tầng hai là không gian nghỉ ngơi khang trang, sạch sẽ.
Hiệu quả từ mô hình này đã tạo động lực cho huyện Hoàng Su Phì mở rộng thêm 15 ký túc xá nhà sàn khác, dựa trên phương thức huy động sức mạnh tổng hợp nhiều bên.
Ông Nguyễn Tuân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoàng Su Phì, nhận xét: “Mô hình ký túc xá nhà sàn của nhóm Ong Chăm phù hợp với văn hóa sinh hoạt của đồng bào các dân tộc miền núi. Nó không chỉ giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm giữa các bên, chính quyền, người dân, giáo viên và các tổ chức thiện nguyện. Chúng tôi vẫn thân mật gọi cô Diễm Hằng là “Ong Chúa”, người điều hành hiệu quả tổ Ong Chăm bền bỉ và tử tế”.
Những mô hình ký túc xá nhà sàn do nhóm "Ong Chăm" khởi xướng không chỉ dừng lại ở Hoàng Su Phì, Hà Giang mà còn được nhân rộng ra nhiều địa phương miền núi khác, như Trường THCS Mường Vy (huyện Bát Xát, Lào Cai),... Tuy nhiên, hành trình thiện nguyện của bà Phan Vũ Diễm Hằng và nhóm "Ong Chăm" không dừng ở việc xây nhà.
Từ tháng 4/2021, một sáng kiến mới mang tên “ngân hàng lợn Ong Chăm” ra đời, tận dụng thức ăn thừa từ bếp nội trú để nuôi lợn. Hoạt động này không chỉ giúp tạo thêm nguồn thu ổn định cho quỹ ký túc xá, mà còn khuyến khích học sinh thực hành lao động nông nghiệp, rèn luyện ý thức tự lập và gắn bó với cuộc sống.
Trước đó, trong một chuyến thiện nguyện đến Than Uyên (Lai Châu) năm 2020, nhóm Ong Chăm tiếp tục khởi xướng mô hình bảo trợ trẻ mồ côi theo hình thức “cha mẹ, ông bà đỡ đầu”. Thực chất, mô hình này đã được nhóm triển khai từ năm 2015 ở nhiều địa phương khác với 600 em nhỏ được bảo trợ thường xuyên.

Bà Lê Thị Kim Lan, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Than Uyên, chia sẻ: “Những hỗ trợ tưởng như rất nhỏ ấy lại mang ý nghĩa vô cùng lớn. Khi các thầy cô giáo những người trực tiếp tiếp nhận tiền bảo trợ hàng tháng từ các ông bà, cha mẹ đỡ đầu sẽ có thêm động lực để quan tâm, yêu thương và có trách nhiệm hơn với những em học sinh kém may mắn”.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mường Vy (Bát Xát, Lào Cai), thì tâm đắc với cách làm bài bản, không tạo tâm lý ỷ lại cho cộng đồng: “Cô Diễm Hằng là người quyết đoán, tâm huyết. Chị luôn biết cách huy động sức mạnh tập thể để mỗi chương trình đều có bản sắc riêng, nhận được sự đồng thuận và vào cuộc thực chất từ người dân và chính quyền. Cách làm ấy giúp con em dân tộc thiểu số có cơ hội đến trường và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn”.
“Mỗi vấn đề trong cuộc sống giống như một bài toán. Sẽ luôn có nhiều cách để đi đến lời giải điều quan trọng là phải bắt tay vào làm”, bà Diễm Hằng tâm sự.
Từ một cô học trò yêu toán, trở thành nữ sinh Việt Nam đầu tiên dự thi Olympic Toán quốc tế, rồi là chuyên gia dịch tễ học gắn bó với các chương trình y tế cộng đồng và giờ đây là “Ong Chúa” miệt mài với những hành trình thiện nguyện vùng cao – thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng đã đi qua nhiều vai trò, nhưng luôn giữ vẹn nguyên một tinh thần: trách nhiệm, tận tâm và không ngừng sáng tạo để phụng sự con người. Với bà, “giải những bài toán của cuộc đời” chính là tìm ra những cách thức nhân văn và hiệu quả nhất để giúp đỡ người khác.
Ở tuổi nghỉ hưu, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng vẫn tiếp tục bước đi như một người gieo hạt. Và những mầm xanh tri thức, yêu thương, trách nhiệm mà bà để lại hôm nay, chắc chắn sẽ tiếp tục nở hoa trên hành trình phát triển của nhiều thế hệ sau.
Tin liên quan
Gia tộc Sơn Kim là một trong những gia tộc doanh nhân danh giá và giàu có bậc nhất Việt Nam, nổi bật với hành trình 4 thế hệ làm kinh doanh. Từ “lão phật gia” Nguyễn Thị Sơn đến thế hệ kế thừa vững vàng trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ và thời trang, Sơn Kim không chỉ xây dựng một đế chế kinh tế, mà còn gìn giữ một di sản sống về văn hóa gia đình và giá trị Việt.
Gia đình tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn không chỉ nổi bật bởi thành công trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn được biết đến như một hình mẫu về sự tử tế, kỷ luật và trách nhiệm xã hội. Từ người cha bản lĩnh đến các thế hệ kế thừa tài năng, họ đã cùng nhau xây dựng một đế chế kinh tế vững mạnh, gắn liền với giá trị đạo đức và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Gia tộc Đỗ Thế Sử là một dòng họ có truyền thống kinh doanh lâu đời tại Việt Nam, nổi bật với tinh thần khởi nghiệp, tầm nhìn chiến lược và tư duy kinh tế hiện đại. Không chỉ làm giàu bằng trí tuệ mà còn giữ được cái tâm chính là điều khiến gia tộc này trở nên khác biệt giữa thương trường đầy sóng gió.
Bài mới

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Al), hiện đang là Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research. Năm 16 tuổi ông từng giành huy chương Olympic Toán quốc tế, lấy bằng tiến sĩ tại Úc năm 25 tuổi, giữ vị trí chuyên gia máy học tại Adobe Research và nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.