Sai lầm người trẻ hay sa lầy ở chốn công sở: Coi công ty như gia đình
Đôi khi người trẻ hay nghĩ rằng, mình đi làm ở đâu thì đồng nghiệp ở đó là anh em thân thiết, coi công ty như gia đình mình mà không biết rằng đó là sai lầm tai hại.
Coi công ty là gia đình, lợi hay hại?
Có thể thấy, văn hóa công sở những năm gần đây đang hướng về xây dựng hình tượng "gia đình" giữa các nhân viên với nhau. Hầu hết chúng ta khi mới đi làm, đều được nghe câu nói rằng: "Anh/chị xem em như anh em trong nhà, ban mình là một gia đình". Vì thế, nhiều người trẻ hay nghĩ rằng mình đi làm ở đâu thì đồng nghiệp là anh em thân thiết, còn công ty thì giống như gia đình.
Đây là một trong những chiến lược quản lý nhân viên, chắc chắn hữu hiệu hơn là việc quản thúc nhân viên như "chủ-tớ", hay nhấn mạnh ranh giới "cấp trên - cấp dưới". Nếu mọi người đều cảm thấy gắn bó với nhau như gia đình, họ sẽ cảm thấy mình cần phải tận tâm, chân thành với công việc hơn. Đồng thời, mối quan hệ giữa các đồng nghiệp với nhau cũng sẽ nhẹ nhàng, tình cảm hơn, cùng giúp đỡ nhau để công ty phát triển.
Thế nhưng, suy nghĩ này có thể là một sai lầm tai hại. Quan hệ này không xấu, chỉ có điều nó dễ bị đem ra lợi dụng, lôi kéo để chia bè phái trong công ty, gây ảnh hưởng không khí chung. Với những công ty có quy mô lớn, việc nội bộ giữa các nhân viên phức tạp, thì khái niệm "gia đình" có thể ảnh hưởng tới môi trường công sở. Nếu cấp trên của ta đấu đá với ai, thì nhân viên phòng ban sẽ có xu hướng đứng về phe đó, dễ bỏ qua mục đích thật của công việc.
Vì sao không nên coi công ty là gia đình?
Quên mất quyền và nghĩa vụ của người lao động
Không ít người trẻ khi mới đi làm, đôi khi chẳng dám hỏi sếp về lương, bảo hiểm,... bởi họ cho rằng, sếp đang coi mình là... em trai-em gái. Vì coi công ty là gia đình, nên họ cảm thấy ngại ngần khi hỏi những chuyện liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ. Không ít người đã rơi vào cảnh khốn khổ, làm việc lâu dài mà không hề trò chuyện về hợp đồng, bảo hiểm, chỉ nghe những lời hứa suông.
Hãy nhớ rằng, những điều như hợp đồng, bảo hiểm y tế,... đều được quy định trong luật pháp, và mọi công ty đều có trách nhiệm tuân thủ. Đừng để những suy nghĩ như "anh em", "gia đình",... ngăn cản ta nhận quyền lợi của mình, cản trở con đường sự nghiệp.
Không dám rời bỏ
Có thể nhận thấy, có nhiều người dù thấy công ty đang suy kiệt, khó khăn hay có offer ở cơ quan khác tốt hơn nhưng không dám nghỉ việc, vì lỡ coi chốn công sở như gia đình. Quan hệ này không có gì xấu, nhưng nó có thể trì hoãn ta vươn lên hay bỏ lỡ những cơ hội thăng tiến.
Hãy nghĩ tới trường hợp này, một ngày nọ công ty khó khăn, đồng nghiệp bị cắt giảm, nhưng ta lại không. Thế thì "gia đình" của ta chẳng phải đã tan vỡ, biến mất rồi sao, vì đồng nghiệp đã rời đi rồi? Thực ra, nếu tình cảm dành cho nhau đủ sâu đậm, thắm thiết, thì việc rời đi hay ở lại cũng chẳng thể ảnh hưởng đến điều đó.
Đôi khi, cấp trên muốn cho ta nghĩ rằng ta thuộc về công ty như gia đình, tức là nếu ta rời đi, thì ta sẽ hoàn toàn vô giá trị. Điều này không đúng, bởi công việc được thể hiện trên giấy tờ, trên thành quả mà ta đã đạt được, chứ không phải là trên mối quan hệ không tên. Ta sẽ không trở thành con số 0 tròn trịa chỉ vì xin nghỉ việc. Nếu ta cảm thấy công việc cũ không phù hợp, thì có lẽ đã đến lúc bạn tìm đến nơi chốn mới.
Nhầm lẫn mái nhà với công việc
Vì coi công ty như gia đình, nên không ít người chịu ở lại làm việc đến khuya, làm thêm giờ hay làm việc ở nhà mà không có lương trợ cấp. Thực ra không phải vậy, hãy nhớ rằng, ta đi làm việc chứ không phải là đang làm vợ/chồng cho công ty.
Do đó, sau khi kết thúc giờ làm, ta hoàn toàn có thể dành thời gian cho bản thân mà không bận tâm tới công việc. Đừng để những ngày làm việc vất vả, làm thêm giờ khiến ta để lỡ những mối quan hệ thân thiết như gia đình, bạn bè.
Quả thực, có một số công việc đặc thù đòi hỏi làm thêm giờ, part-time hay làm thêm ở nhà, nhưng đổi lại, các công ty sẽ có chính sách làm thêm, hoặc một số trợ cấp khác. Đừng để sức khỏe và tinh thần của ta bị bào mòn, kiệt sức vì những lời hứa suông, cái mác "gia đình" không thực tế, giả tưởng.
Không còn công tâm
Đôi khi, vì quá tin tưởng hay yêu mến cấp trên, ta thường có xu hướng chọn họ khi rơi vào những cuộc đấu đá, xích mích nơi công sở. Khi đó, ta thường bị tình cảm chi phối, không còn giữ được sự tỉnh táo, công tâm bình thường.
Hơn nữa, nếu chẳng may cấp trên hoặc cả team đổi ý, còn ta thì không biết, ta rất có thể bị đẩy ra ngoài. Khi ấy, cảm giác bị "phản bội" sẽ đau đớn, mệt mỏi hơn rất nhiều, khiến ta tổn thương mà dần mất lòng tin vào cuộc sống.
Sau cùng, hãy nhớ rằng công ty không phải là gia đình, đồng nghiệp không phải là anh em ruột thịt. Hãy coi họ như những người bạn thân thiết, hay huynh đệ chân thành mà ta yêu mến, giúp đỡ ta trong công việc. Như thế, cho dù có nghỉ việc, hay thuyên chuyển, ta vẫn có thể gặp gỡ, đi chơi, trò chuyện với nhau thoải mái. Cố gắng tách biệt chuyện công với việc tư, tách biệt công ty với gia đình, ta sẽ thấy thoải mái hơn ở môi trường công sở.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận