Hoàng Hoa Trung: Đam mê tình nguyện và ước mơ xây dựng nhiều điểm trường cho trẻ em vùng cao
Bén duyên với thiện nguyện từ những năm cấp ba, anh Hoàng Hoa Trung (SN 1990), hay còn gọi là "Trung đồng nát" đã nỗ lực nhiều năm để xây dựng điểm trường mới cho trẻ em vùng cao.
Kể từ khi đi làm công tác thiện nguyện từ năm 18 tuổi đến nay, anh Hoàng Hoa Trung (SN 1990, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) hay còn gọi là "Trung đồng nát" đã có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội, giúp xây dựng nhiều điểm trường mới cho trẻ em vùng cao và nhiều việc khác.
Đi làm tình nguyện vì đam mê
Chia sẻ về lý do hoạt động từ thiện hơn 10 năm qua, anh Trung cho biết: "Tình nguyện giống như đam mê, nhưng niềm đam mê này có ích cho người khác thì tôi ưu tiên nó hơn. Tôi cảm thấy lúc nào cũng giàu năng lượng, vui vẻ và mong muốn truyền cho người khác cảm xúc tích cực hơn".
Kể từ những năm học cấp 3, anh đã có một niềm đam mê không sao mô tả với các hoạt động tình nguyện, bắt đầu với những việc nhỏ như giúp đỡ người vô gia cư, người khuyết tật ở nơi mình sống. Khi đó, anh chỉ mới tròn 18 tuổi, đang ở độ tuổi chông chênh, ngổn ngang với tương lai chưa biết mình là ai và đang làm gì.
Sau đó, đam mê tình nguyện đã chắp cánh cho con đường sự nghiệp của anh, khi anh không học đại học mà tham gia vào các tổ chức từ thiện, xin vào làm công việc cộng đồng để giúp người, giúp đời. Dự án đầu tiên anh tham gia là "Thiệp nhân ái" cho trẻ nghèo, giúp các em khuyết tật, mồ côi có công việc kiếm sống. Qua dự án, các em có có cơ hội được tự tay làm thiệp, sau đó đem bán để kiếm thêm thu nhập. Đây cũng chính là lý do khiến anh tham gia Nhóm tình nguyện "Niềm tin" và gắn bó đến ngày nay.
Hơn 10 năm thiện nguyện hướng về trẻ vùng cao
Năm 2009, nhận thấy phong trào tình nguyện ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, anh Trung quyết định mở rộng đối tượng hướng tới trẻ vùng cao. Anh tâm sự: "Càng đi nhiều, gặp gỡ nhiều người dân ở những bản làng xa xôi của đất nước, tôi nhận ra người dân ở đây không chỉ nghèo cái ăn, cái mặc mà thiếu thốn hơn cả chính là cái chữ". Từ đó, anh bắt đầu xây dựng nhiều dự án thiện nguyện dài hạn, trong đó có dự án "Ánh sáng núi rừng" ưu tiên xây dựng trường ở vùng cao.
Để có tiền gây quỹ, Trung và các thành viên trong nhóm phải lăn lộn, tìm tới các dự án biến phế liệu thành tiền. Anh quan niệm "ưu tiên tận dụng đồ cũ", sẵn sàng biến tầng 1 nhà mình thành nhà kho. Nhà anh chứa đủ thứ từ quần áo, sách vở tới bàn, ghế, cũng vì thế mà cái tên "Trung đồng nát" ra đời.
Chẳng hạn, có lần anh miệt mài đạp xe lên tới Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) để xin xưởng gốm các sản phẩm lỗi, bị bỏ đi để đem bán. Ban đầu, chủ lò gốm từ chối, nhưng sau khi nghe anh nói muốn bán gốm lỗi để từ thiện, người này không chỉ đồng ý mà còn giúp anh xin gốm lỗi từ các chủ lò khác. Cao điểm, có lần nhóm thiện nguyện của anh bán được 6 triệu đồng tiền gốm lỗi.
Năm 2012, với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, dự án "Ánh sáng núi rừng" của anh Hoàng Hoa Trung đã xây dựng thành công điểm trường đầu tiên với số tiền 160 triệu đồng ở huyện Phong Thổ, Lai Châu. Tính đến nay, anh "Trung đồng nát" cùng nhóm thiện nguyện đã vận động nhà hảo tâm xây dựng hơn 30 điểm trường mới khang trang, kiên cố ở Điện Biên, Lai Châu. Trung bình, mỗi ngôi trường được xây tốn 120-600 triệu đồng, có đầy đủ thiết bị, tiện nghi.
Sáng lập dự án "Nuôi em"
Dự án "Nuôi em" do anh Trung sáng lập vào năm 2014, bắt đầu tại bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Anh nhớ lại, trẻ em nơi đây phải trèo đèo, lội suối, đi bộ cả chục cây số mới có thể đến trường. Không có bữa trưa, các em còn phải vào rừng tìm đồ ăn, tìm xong thì quá mệt nên nghỉ học cả buổi chiều. Lớp học ban đầu có 20 em, đến chiều chỉ còn vài ba đứa học với thầy cô. Chính điều ấy đã thôi thúc anh sáng lập dự án "Nuôi em", với những "bữa trưa có thịt" hay là "Bữa cơm níu trẻ em đến trường".
Để vận động các nhà hảo tâm quyên góp, anh Hoàng Hoa Trung cùng các thành viên đã khảo sát, lên danh sách gồm hình ảnh và hoàn cảnh cụ thể của từng em. Với dự án "Nuôi em", mỗi nhà hảo tâm có thể nhận nuôi một hoặc nhiều em học sinh với số tiền 150.000 đồng/tháng/em. Số tiền trên sẽ do Phòng Giáo dục & đào tạo tại huyện, nhà trường, Trưởng bản và phụ huynh học sinh giám sát, đồng thời được công khai minh bạch.
Các em sẽ có mã số riêng, đầy đủ thông tin về gia đình, thầy cô, thậm chí là trưởng bản, già làng để người nhận nuôi dễ dàng liên hệ. Mọi thông tin từ tình hình sức khỏe, học tập,... đều được cập nhật chi tiết 2 tháng/lần, các mạnh thường quân có thể tới thăm các em nếu muốn.
Nhờ anh Trung, dự án Nuôi em đã ngày càng được mở rộng, lượng người tham gia lên tới 12.000 người trên cả nước, chăm nuôi 12.000 trẻ em vùng cao. Các em nay đã có cơm ăn, áo mặc, nhờ vậy đi học đầy đủ, chăm chỉ hơn.
Sức mạnh 2000 với ước mơ xây dựng điểm trường cho trẻ nghèo
Song song với những dự án này, anh Trung cũng thực hiện vô số dự án khác như: Năng lượng gió mặt trời, Đi ra từ rừng, Tủ sách vùng cao... với mục tiêu là giúp đỡ trẻ em nghèo. Hiện tại, anh cùng nhóm thiện nguyện đang triển khai dự án "Sức mạnh 2000" để xây dựng trường học, nhà tình thương, cầu đường,... tại các vùng cao.
Anh Trung chia sẻ, đây là một trong những "mục tiêu viển vông có cơ sở" của anh. Trên website dự án, nhóm từ thiện của anh Trung viết rằng: "Niềm tin của chúng tôi là nếu mỗi người tham gia tặng 2,000 VNĐ/ngày/ mỗi năm thì với 100 nghìn người tham gia sẽ có 292 điểm trường được khởi công xây dựng. Với 2 triệu người tham gia, sứ mệnh chương trình sẽ được hoàn thành."
Khi được hỏi liệu có bao giờ anh sẽ dừng công tác thiện nguyện, anh Trung lập tức trả lời: "Thường thì người ta mê đàn, mê hát, mê công nghệ, thể thao… còn tôi thì mê làm từ thiện. Tôi nhận thấy rằng, niềm đam mê ấy không chỉ khiến tôi hạnh phúc mà còn làm cho nhiều người hạnh phúc nên không có lý do gì mà tôi phải dừng lại".
Với những đóng góp hết mình cho hoạt động tình nguyện, Hoàng Hoa Trung đã nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2017, lọt Top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Anh được Forbes Việt Nam bình chọn là 30 Under 30 năm 2020, nhóm Tình nguyện Niềm tin cũng đã 2 lần đạt Giải thưởng tình nguyện Quốc gia.
"Thầy giáo" chưa từng đứng trên bục giảng, xây 150 trường học cho em nhỏ vùng cao
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận