Phó giáo sư xung phong làm bí thư xã biên giới với mong muốn thay đổi vùng đất khó: “Tôi không ngại khó khăn”
Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.
Nhận nhiệm vụ với mong muốn thay đổi vùng đất khó
Sáng 30/6, vừa nhận quyết định làm Bí thư xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Trường lập tức thu xếp hành lý, vượt quãng đường gần 250km để kịp có mặt tại địa phương, sẵn sàng bắt tay vào công việc chuẩn bị cho xã mới kịp đi vào hoạt động từ 1/7.
Vị tân Bí thư xã cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Xuất thân từ một vùng quê nghèo, Trường sớm nhận thức được chỉ có con đường học tập mới giúp mình thay đổi cuộc đời và góp phần cống hiến cho cộng đồng.

Năm 2008, anh đỗ vào ngành Xã hội học Trường Đại học Khoa học Huế. Tốt nghiệp loại giỏi, anh trở về công tác tại Trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Trong quá trình làm việc, anh được cử đi học nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Năm 2018, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đến năm 2022, khi mới 33 tuổi, anh được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư liên ngành Triết học – Xã hội học, Chính trị học.
Sau đó, anh được điều động bổ nhiệm làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa (nhiệm kỳ 2022–2027). Trên cương vị này, vị Phó giáo sư trẻ tuổi có nhiều dịp đến với các huyện miền núi, vùng biên giới, trong đó có Mường Lát – nơi anh đã không ít lần đặt chân đến trong các hoạt động công tác, thiện nguyện.
Khi có chủ trương đưa cán bộ tỉnh lên làm bí thư, chủ tịch xã, tôi đã xung phong. Lúc biết mình được sắp xếp lên xã Pù Nhi, một xã khó khăn thuộc vùng biên giới của tỉnh Thanh Hóa bản thân tôi không bất ngờ. Bởi vùng đất này tôi đã từng lên và có nhiều kỷ niệm với người dân nơi đây. Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn. Nhận nhiệm vụ, tôi không ngại bất cứ khó khăn gì để hoàn thành công việc”, vị Phó giáo sư chia sẻ.
Chiến lược thay đổi vùng đất mới của phó giáo sư
Xã Pù Nhi là địa bàn vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Diện tích gần 66 km², dân số khoảng 6.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, người Mông chiếm gần 80%. Tỷ lệ hộ nghèo ở mức trên 50%. Cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, giao thông đi lại cách trở, có bản nằm cách trung tâm xã hàng chục cây số đường núi. Trình độ dân trí, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và hành chính còn nhiều hạn chế.
Nhận thức rõ bối cảnh, tân Bí thư xã xác định cần tư duy đổi mới ngay từ những bước đầu. Anh cho biết: “Việc giữ lại đơn vị hành chính độc lập ở Pù Nhi là quyết định mang tính đặc thù, nhằm đáp ứng yêu cầu về dân cư, địa hình và nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới. Do vậy, việc nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ người dân phải là ưu tiên hàng đầu”.

Ngay khi xã mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, anh cùng đồng nghiệp bắt tay ngay vào công việc. Ưu tiên trước mắt là đảm bảo bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng và thuận lợi nhất.
Với khát vọng phát triển bền vững, Phó giáo sư Đoàn Văn Trường đặt ra những mục tiêu rõ ràng, cụ thể: Giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 7%/năm, đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt trên 30%, phấn đấu 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới.
Bên cạnh đó, anh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác dân vận và khối đại đoàn kết dân tộc: “Tôi sẽ làm hết sức để phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội, đưa các chủ trương chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả và phù hợp nhất với đặc thù vùng cao”.

Phó giáo sư trẻ tuổi lên xã vùng biên, mang theo không chỉ là học hàm, học vị mà là một tinh thần dấn thân, một trái tim thấu hiểu và một khát vọng thay đổi.
Ở nơi mà con đường còn gập ghềnh, sóng điện thoại vẫn lúc có lúc không, Đoàn Văn Trường chọn ở lại không phải để thăng tiến, mà để cùng người dân bước những bước đầu tiên trên hành trình vượt qua nghèo khó, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Xem thêm: Cán bộ xã mở lối đưa trà Shan tuyết Phình Hồ trở thành đặc sản triệu đô
Tin liên quan
Mất hai chân sau một vụ tai nạn hy hữu, Phạm Tuấn Hưng – chàng trai không chân đã vượt lên nghịch cảnh, không chỉ trở thành vận động viên bơi lội chuyên nghiệp mang về nhiều thành tích đáng nể mà còn là nhà sáng tạo nội dung số với mức thu nhập đáng nể.
Mong được dân tiếp tục bầu làm trưởng thôn, anh Ksor Wek (47 tuổi, Gia Lai) quyết tâm lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Bị cụt tứ chi từ năm 2 tuổi, được đặc cách tốt nghiệp nhưng nam sinh Nguyễn Gia Lâm vẫn quyết tâm tham gia và muốn được tự viết bài, lấy điểm để vào đại học.
Bài mới

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Al), hiện đang là Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research. Năm 16 tuổi ông từng giành huy chương Olympic Toán quốc tế, lấy bằng tiến sĩ tại Úc năm 25 tuổi, giữ vị trí chuyên gia máy học tại Adobe Research và nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.