U của tôi – Câu chuyện mộc mạc nhân văn sâu sắc
“U của tôi” là câu chuyện ngắn chân thật, mộc mạc khiến nhiều người không khỏi xúc động, trên đời không có gì thân thương và cao quý bằng tình yêu của mẹ!
Câu chuyện “U của tôi”
Thầy U tôi sinh được 8 anh chị em, tôi là út. Ngày đẻ tôi, U đã 43 tuổi, còn Thầy 44 tuổi, do cha mẹ già nên con hơi cọc. Tôi còm nhom, èo uột suốt những ngày bé. U dồn toàn bộ tình yêu thương cho tôi như để bù đắp cho sự thiệt thòi ấy. Cả nhà yêu quý tôi, gọi tôi bằng cái tên ngồ ngộ thân thương “Em con”, cái tên ấy theo tôi cho đến khi trưởng thành. Tôi bú U đến tận năm 7 tuổi đi học thì U mới “cai sữa” cho. Đó chính là một trong những lý do khiến tôi bện hơi U đến nghiện.
Tôi nghiện câu nói quen thuộc của U mỗi tối: “Em con à, nằm kềnh bú tí ngủ giấc nào!”. Tôi còn nghiện cả những câu hát ru mộc mạc, dân dã của U đưa tôi vào cõi mộng. Tôi nghiện cái quạt mo của U trong những đêm hè ôi bức nằm đất chống nóng. U của tôi nằm giữa, còn tôi với chị Bảy thì nằm hai bên. Suốt đêm U quạt đến rã cánh tay cho chị em tôi ngủ ngon giấc. Mỗi khi U tôi mệt quá thiếp đi thì chúng tôi đạp mạnh vào người U, thế là cái quạt mo lại vận hành hết công suất cho đến sáng. Cứ thế suốt mấy tháng ròng mình U với cái quạt mo chống lại cả mùa hè khắc nghiệt để chị em tôi có giấc ngủ say nồng.
Tôi ngồi hàng giờ để xem U của tôi kéo khén, hong những cuộn tơ vàng óng lên cây sào rồi vớt cho tôi những con nhộng trứng béo ngậy. Tôi dán mắt vào từng đường kim mũi chỉ mà U chằm lên những chiếc nón lá trong những ngày tổ khâu nón của Hợp tác xã đặt tại nhà mình.
Tôi nghiện những buổi sáng tháng tám lon ton theo U của tôi ra đồng trong mùi thơm ngào ngạt của đòng đòng nếp cái, những chiều tháng mười rét cắt da cùng U đi bên những luống cày thẳng tắp khô trắng mùa phơi ải. Tôi ngây ngất với mùi lá gừng non, say sưa ngắm tổ ong treo lơ lửng trên giàn trâu những hôm theo U đê nhổ cỏ trầu. Những buổi trưa ngày mùa, U về mồ hôi nhễ nhại với gánh lúa oằn vai, đưa cho tôi xâu muỗm béo nhẫy, U cười rạng rỡ làm tôi nghiện của hàm răng đen bóng của U.
Tôi nghiện mùi tép dậm kho dưa của U mỗi buổi trưa đi học về, nghiện món trám om chấm tương gừng, trứng cá cháy rim mắm mà U làm. Tôi còn nghiện cả những buổi ngồi trên bến đò ngóng U đi chợ Chã về, trong cái thúng cắp bên hông có những thứ bánh trái mà tôi thích. Nghiện những chiều theo U đi tắm mát, thỏa sức vùng vẫy trên dòng sông Cầu thân yêu. Những hôm tôi cảm sốt bỏ bữa, miệng đắt ngắt, U liền nướng mía trên than hồng rồi đút cho tôi ăn làm tôi nghiện từng khúc miếng nóng hổi, ngọt lịm như những lời dỗ dành của U.
Trên tất cả, thú tội nghiện nhất chính là mùi mồ hôi nồng nồng quyện lẫn mùa trầu thuốc của U tôi. Tôi không thể tả nổii nó gây cho mình thứ cảm xúc mãnh liệt như thế nào, chỉ biết gọi đó là mùi U của tôi. Hôm nào U đi vắng là tôi nhớ mùi U không ngủ được. Đến nay mùi U vẫn còn nguyên vẹn trong tôi và tôi luôn thầm ước bản thân có thể đánh đổi tất cả để được thấy lại cái mùi thân thương đặc biệt ấy.
Năm lên cấp hai, anh Viết làm hồ sơ đưa tôi cầm đến trường nộp. Mở bản sao khai sinh đọc đến ô họ tên của mẹ: Vũ Thị M. tôi ngớ người. Hóa ra từ ngày sinh ra đến giờ đã hơn 10 năm, tôi chưa một lần tự hỏi và tìm hiểu xem U của tôi tên là gì (ngày xưa phụ nữ đi lấy chồng gần như mất tên vì tất cả đều gọi tên chồng). Thứ chiếm trọn trái tim tôi đó là cái tên mộc mạc yêu thương giản dị mà vĩ đại “U của tôi”.
Lên cấp ba đi học xa nhà cả chục cây số, đều đặn 5 giờ sáng là U dậy rang sẵn cơm để tôi dậy ăn cho kịp giờ đến trường. Suốt đời học sinh tôi chưa một lần phải nhịn đói đến lớp. Những năm dài khó khăn gian khổ thời hợp tác xã, nhưng dưới bàn tay tần tảo của U và sự cần kiệm của Thầy, kinh tế nhà tôi chẳng những đủ ăn mà còn vào hạng khá giả của làng. Nhưng dù nhà óc thiếu thốn chắc U vẫn không bao giờ để tôi chịu đói.
Cả đời U chưa bao giờ đánh tôi lấy một lần. Một phần do tôi yếu ớt và ngoan ngoãn, nhưng nếu U có phát hẹn tôi một cái chắc lòng U đau hơn cái phát ấy bội lần.
Ngày tôi đỗ Đại học, U liền thịt con gà trống thiến to làm cơm liên hoan tiễn đưa. Tôi nhớ mãi lời U dặn lúc tiễn tôi ra bến đò: “Cố gắng học giỏi, được nghỉ thì về với U nhé”. Tôi xa nhà mang theo nỗi nhớ nhà, nhớ U cùng những điều mà Thầy U răn dạy. Đi xa, tôi ngày càng thấu hiểu, cả đời U chưa một lần được cắp sách tới trường, cũng chưa ba giờ dạy tôi bằng những câu văn hoa giáo điều, nhưng những gì tôi học đường từ U không trường đời nào đủ tầm để dạy.
U đồng hành cùng tôi trong suốt những ngày tháng cơ cực của thời bao cấp. Từng bao gạo, bó rao, chục trứng, ân lạc,…U gửi cho thằng con nhân viên quèn đã tiếp sức cho tôi vượt qua gian khổ. Nên cái dáng tảo tần của U luôn in đậm trong tôi không kể ngày đêm, trở thành động lực để tôi phấn đấu sống một cuộc đời tốt đẹp như U tôi mong đợi.
Sau này, tôi nhận ra một điều thiêng liêng rằng: Với tôi quê hương chính là mẹ và mẹ là cả quê hương.
Tôi lập gia đình muộn khi U tuổi đã cao, nhưng cũng kịp sinh cho U đứa cháu trai để U nâng niu bồng bế được mấy năm, rồi U mãn nguyện ra đi. U rời cõi tạm nhưng những điều mà U để lại cho tôi sẽ không bao giờ mất. Những kỷ niệm và ký ức về U không bao giờ có hồi kết, bởi nó choán hết tâm trí và cuộc đời tôi.
Giờ đây khi tuổi đã lớn, nhìn lại chặng đường đời đã qua, tôi thấy mình thật may mắn vì được thừa hưởng sự dạy dỗ nghiêm khắc như uyên tâm của Thầy và sự hiền từ đức độ của U, được sống trong tình yêu thương của các anh chị đã cho tôi được như ngày nay. Dù không làm được gì to tát cho cuộc sống, nhưng tôi được sống một cuộc đời tốt đẹp với một gia đình yên ấm, được làm những điều mình thích, có những người bạn tốt và được hòa trong hơi thở của một đại gia đình nề nếp yêu thương đùm bọc nhau. Với tôi như thế là đủ hạnh phúc rồi và đó cũng chính là điều mà Thầy U hằng mong mỏi kỳ vọng.
Mai là ngày giỗ lần thứ 25 của U, tôi chỉ muốn nói:
“U ơi, 25 năm qua mỗi bước con đi đều có tiếng chân U cùng bước, mỗi việc con làm đều nghe lời U ân cần chỉ bảo bên tai, mỗi giấc con ngủ luôn có hơi ấm cùng mùi của U ôm ấp vỗ về… Những điều này sẽ còn theo con đến hơi thở cuối cùng.
Con xin dâng U một nén hương, cả tấm lòng cũng nỗi nhớ thương trọn đời.
Cầu mong U của con luôn được cực lạc ở chốn Bồng Lai.
Kính U ba lạy!
“Em con” của U”.
Quang Minh, mùng 1/6 âm lịch – Dương Đình Vinh
Xem thêm: Khoảnh khắc đáng nhớ - Câu chuyện xúc động nhân văn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận