Người nghèo trong mắt mẹ - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Dẫu sao họ cũng là những người nghèo, thiếu thốn, chứ khá giả, giàu có thì ai lại làm ba cái chuyện lừa lọc đó… mình cứ nghĩ vậy là không giận, không buồn họ nữa.

Diệu Nguyễn
4 ngày trước Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mẹ tôi, người phụ nữ bình dị như bao phụ nữ nơi làng quê nhỏ bé này. Quanh năm bà tất tật với ruộng vườn nhưng vẫn hết lòng lo lắng cho chồng con từ miếng ăn, giấc ngủ, cho đến chuyện học hành của chúng tôi. Có khác chăng là mẹ tôi hay có thói quen giúp đỡ những người khó khăn, thiếu thốn xung quanh.

Mẹ tôi hay nói: “Nhà mình tuy không dư dả nhưng đủ ăn ngày 3 bữa là quý lắm rồi nên mình phải biết sẻ chia cho những người khác nữa”.

Với tư tưởng ấy, sau mỗi mùa lúa mẹ lại dành riêng vài giạ lúa để giúp đỡ người khác. Mẹ tôi giúp đỡ mọi người chung quanh rất kín đáo và tế nhị, bởi theo mẹ “của cho không bằng cách cho”.

Tôi vẫn nhớ, có lần trong tiệm thuốc tây gần chợ, trong lúc mẹ và tôi đang chờ đến lượt mua thuốc thì một bà cụ khắc khổ, bước từng bước khó nhọc đến chỗ quầy thuốc, thều thào nói: “Cô làm phước cho tôi xin vài viên tiêu chảy, bà cháu tui lỡ đường, tiền bạc mất sạch từ hôm qua…”.

Chị bán thuốc khuay tay cắt ngang: “Đi chỗ khác giùm đi bà ơi, có phải thuốc của tôi đâu mà xin”.

nguoi-ngheo-trong-mat-me-cau-chuyen-nhan-van-dang-ngam

Bà lão thất vọng trở ra nơi đứa cháu đang co ro ngồi đợi. Thấy vậy mẹ tôi lặng lẽ mua thêm mấy liều thuốc tiêu chảy rồi bước ra chỗ mái hiên hai bà cháu kia đang ngồi mời bà cùng đứa bé về nhà tôi ăn cơm, tắm rửa. Sau đó mẹ còn gửi thêm ít tiền cho hai bà cháu bắt xe về quê.

Lần khác, mẹ kêu một ông lão mài dao dạo ghé nhà mài lại mấy con dao cũ. Ngồi ngoài sân, cứ mài được một lúc ông lại quay vào hỏi giờ. Thấy lạ mẹ tôi hỏi chuyện thì mới biết ông hỏi đế kịp ghé viện bán máu lo cho đứa cháu đang bệnh nặng.

Lúc mài dao xong, ngoài tiền công mẹ còn biếu thêm cho ông ít tiền để ông khỏi phải đi bán máu. Có lẽ hơi bất ngờ nên khuôn mặt sạm đen, khắc khổ của ông trơ ra như bất động, chỉ có đôi môi mấy máy hai từ “cảm ơn”. Đứng một lúc, ông nói với mẹ tôi: “Nhà cô còn bao nhiêu dao kéo cứ mang ra, sẵn dịp tôi mài hết cho”. Mẹ tôi nghe vậy thì một mực từ chối, giục ông mau ghé viện chăm cháu.

Dáng ông khuất bóng, tôi tò mò hỏi mẹ lý do sao không đem hết dao trong nhà để ông mà giúp. Mẹ mỉm cười nói: “Mình không nên lạm dụng lòng tốt của họ như vậy con à!”.

Rồi chuyện mẹ âm thầm giúp đỡ nhà bà Sáu trong lúc cả xóm ai cũng tránh xa, sợ phải liên lụy đến cái gia đình có chồng nghiện ngập, đám con lêu lỏng ăn chơi bằng nghề chôm chỉa. Lúc mọi người biết, ai cũng trách mẹ: “Giúp đỡ chi cái quân ấy”. Mẹ chỉ nhẹ nhàng bảo: “Có lẽ vì túng quẫn quá nên họ mới vậy, mình cứ đối xử tốt dần dần người ta cũng nghĩ lại à”.

Có lần, chị tôi hỏi mẹ: “Có khi nào mẹ bị người ta dựng chuyện để lợi dụng lòng tốt chưa? Rồi khi đó mẹ phản ứng sao?”.

Mẹ mỉm cười, ánh mắt xa xăm: “Đôi khi cũng gặp, nhưng không vì thế mà mẹ buồn hay giận họ. Dẫu sao họ cũng là những người nghèo, thiếu thốn, chứ khá giả, giàu có thì ai lại làm chuyện đó hả con”.

Theo thời gian, việc làm và cách sống của mẹ đã trở thành tấm gương, bài học quý báu cho chị em tôi noi theo. Chúng tôi luôn chi tiêu, mua sắm những gì thật sự cần thiết và biết nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình và nhất là không bao giờ đánh mất niềm tin nơi con người, cho dù họ là ai.

Xem thêm: Bát chè đỗ đen – Câu chuyện đáng suy ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận