Ngôi nhà cũ – Câu chuyện nhân văn cảm động
Cậu Ba dọn lên thành phố ở, ngôi nhà cũ chờ hoài không thấy người chủ về thăm. Có lẽ nó không trách hờn chi, bởi những ngày mưa dầm, tiếng cậu ho hoài không dứt nổi, tiếng ho vang cao hơn cả tiếng mưa gió rầm rì bên ngoài.
Căn nhà cũng đâu còn trẻ trung gì, vậy mà nhờ bàn tay của người đàn ông, chưa bao giờ nó nhớ ra điều đó. Chỉ khi hơi ấm của cậu Ba tan hẳn, căn nhà mới nhớ ra mình đã cằn cỗi. Gió lùa qua kẽ hở thành tiếng thở dài, mang theo đầy bụi. Những cái vặn mình rền rĩ khi cơn giông ập đến và những con nước ròng tháng 10 khiến nó trở mình ê ẩm. Cây cỏ quanh nhà cũng được đà lấn tới, mọc vô sân, len cả kẽ những viên gạch tàu san sát. Mớ cây dại hung hăng bung rễ làm nứt nhiều chỗ sàn, vươn cao đầy thách thức. Đâu có ai quản, cũng hẳng ai nhổ. Căn nhà nằm im, lặng thinh cùng khu vườn dần hoang, thi thoảng lại vang lên tiếng chim, tiếng mèo kêu làm nỗi buồn dâng lên bén ngọt.
Nơi đây trước khi cậu Ba ra vô một mình một bóng từng có gia đình nhỏ sum vầy đầy đủ vợ chồng cùng đàn con thơ. Mợ Ba yếu người đi trước, cậu ở lại gà trống nuôi con mấy chục năm ròng. Đám con lớn, bảo bầu trời thị trấn hẻo lánh, chật hẹp không thỏa để chúng bung cánh bay, thế là chúng theo bầy chim tứ phương đi tìm chí lớn. Nhờ ông bà phù hộ, tụi nó đứa nào cũng làm ăn khá giả, cậu Ba luôn cười mãn nguyện khi nói vậy. Và cậu cũng lắc đầu buồn buồn khi ai đó hỏi sao không lên thành phố ở với con cháu. Kể cả chính đám con hỏi, cậu cũng lắc đầu từ chối. Cậu thương ngôi nhà cũ như thương người vợ xưa, sao đành nỡ đi.
Trong ngôi nhà cũ này, kỷ niệm đong tràn từng không gian. Thở ra là nhớ, hít vô là thương. Có cái bếp mợ Ba ngày xưa hay thổi lửa mồi bằng lá dừa khô. Nơi những bữa cơm ấm nóng được phù phép tạo ra, mà cậu thề là chỉ có mợ mới nấu vừa ý cậu. Đứa Út nghe thế trề môi nói, hồi đó ba chê má nêm mặn hoài, cậu cười ngại ngùng trả lời: “Thì tại hồi xưa tao khó ăn khó ở, tao ngu không biết quý trọng. Giờ mất đi mới biết ý nghĩa cao lớn tới chừng nào”.
Ngôi nhà của cậu Ba bị thời gian bào mòn theo năm tháng, nhờ cậu thay mới sơn sửa thường xuyên mà nó trẻ hoài trong sự nâng niu. Nhưng dù có thay hết tất cả mọi viên gạch, sơn quét lại từ trong ra ngoài, miễn còn có cậu lưu giữ kỷ niệm, ngôi nhà vẫn hệt nguyên như những ngày xa xăm. Mà giờ có còn cậu Ba nữa đâu. Bệnh trở nặng, cậu nói với nó là cậu lên thành phố đi trị bệnh chừng nào hết thì về. Nó chờ hoài, mấy lần nhờ gió bay tới tận thành phố ghé coi cậu đỡ chưa mà hoài vẫn không thấy tiến triển. Mấy đứa con thì lo cậu một thân một mình ở nhà nguy hiểm, bắt buộc cậu Ba ở lại thành phố để chúng nó chăm lo. Cậu không muốn cũng đành chịu.
Căn nhà tha thiết chờ đợi bằng tất cả kèo cột, nó van xin mối mọt hãy chậm lại, nó mặc kệ đám cây hoang xâm lấn mọi ngóc ngách, chi xin để những cây khế, cây đu đủ, những cát lồi cậu trồng đừng đàn lụi.
Thời gian đằng đẵng trôi qua, căn nhà cũng đợi được. Ngày tôi tới mở cổng quét dọn trước, nó chào tôi bằng tiếng rột rẹt loảng xoảng, của gỗ, của kim loại, nghe buồn cười hết sức. Hình như nó nghe gió kể nên biết cậu về. Cậu Ba không ưng ở thành phố, một hai nằng nặc đòi về, thằng Út chịu thua đành dọn về theo. Thằng Út cũng buồn thành phố nên về quê tìm niềm vui mới, nơi mà khi nghĩ về, sự buồn chán được thay bằng nhẹ nhõm, bình yên.
Thật kỳ lạ, khi đã dọn dẹp sạch sẽ, ngôi nhà lại trẻ trung mơn mởn như chưa từng có sự già nua trước đó. Tôi chắc khi cậu Ba bước vô, nhìn ngôi ngoài cũ thân thương cậu sẽ òa lên nức nở. Ngôi nhà, hẳn sẽ không khóc mà đứng vững như người ưỡn bờ vai rộng, cho người thương tựa vào…
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận