Con Lú ở chợ - Câu chuyện nhân văn cảm động

Ở chợ Xép, lú gì thì lú chứ cách bán hàng thì con Lú là khôn nhất đấy. Cái khôn tự nhiên của người thật thà và có trái tim thiện lành khiến ai cũng thương, cũng mến.

Diệu Nguyễn
08:23 18/08/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nó bán rau ở chợ Xép cũng lâu rồi nhưng chả mấy ai biết tên thật của nó. Các bà bạn hàng thường hay gọi nó là “Béo”, tại người nó trên mức đậm đà, cân vội cũng được tầm bảy tám chục ký lô. Họ cứ thản nhiên réo gọi: “Béo ơi, ăn bánh mì không?”, “Béo ơi, vãn hàng rồi à? Bán đỡ tao mớ rau với”…

Còn mấy bà khách đi chợ qua thì hay gọi nó là “Con Lú”, tại nó không biết tính tiền, lại hay tự nhận là mình lú. Từ ngày bán buôn nó toàn nhờ khách tính tiền hộ. Nó cũng muốn tự tính lắm chứ, nhưng sang mớ rau thứ hai, ba, bốn,… là nó lại rối tinh, cộng nhẩm mãi mà không ra số tiền. Mỗi lần thế nó cười tươi, cất giọng thật thà: “Bà tính cho con với, con chả biết bao nhiêu nữa”. Rồi đến khi trả lại tiền, nó lại hỏi: “Thế giờ con phải trả lại bà bao nhiêu?”.

Có người thấy vậy thì hỏi: “Ngày bé mày không đi học à? Sao tính cộng trừ cũng không làm được?”.

Con Lú cười ngượng, rúc đầu vào vai nói: “Con có học hết cấp 1, xong gia đình đông anh em quá nên con bỏ học ở nhà làm ruộng giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Rồi từ ngày sinh 4 đứa con thì con lại càng lú, chẳng nhớ chữ gì nữa. Mới cả nhà quê chúng con chỉ cắm mặt xuống đất cả ngày, có phải tính toán chi đâu. Giờ cần tính gì cứ bảo mấy đứa nhỏ ở nhà nó làm cho nhanh, chứ con dốt tính toán lắm”.

Con Lú được cái khỏe và nết chăm làm. Cái xe thồ rau của nó to kềnh càng, nhìn từ đằng sau là chả thấy nó đâu nữa. Rau nó bán toàn là đồ nhà trồng được. Hôm nào nó cũng dậy từ 3-4 giờ sáng để ra ruộng hái cho tươi. Nó nói: “Con vất tí nhưng các cô được ăn ngon là con vui rồi”. Cũng vì thế mà hàng rau con Lú lúc nào cũng đông khách, người ta cứ xúm đen xúm đỏ vào mua, trong khi hàng rau bên cạnh thì thưa thớt khách vô cùng. Có cô ngồi hàng bên vừa đuổi ruồi vừa than: “Bao giờ nó hết hàng để mình còn bán nhỉ?”.

Chờ lâu nên mọi người đều biết ý tự nhặt những rau mình thích rồi đưa cho con Lú tính tiền. Nó cầm từng thứ, nói giá và các bà tính tổng số tiền cùng nó cho nhanh. Nếu số tiền hơi lẻ là nó trừ luôn chỗ lẻ không tính, coi như tặng khách. Nếu tiền chẵn thì thế nào nó cũng nhặt nhạnh thêm tí ớt, tí hành cho thêm vào túi.

Có khách thương nó gạt đi: “Thôi lời lãi bao nhiêu đâu mà thêm”.

Mỗi lần thế nó lại cười: “Rau nhà con trồng mà, các cô ăn ngon lần sau lại mua cho con đắt hàng, có tiền nuôi con là tốt rồi”.

Thế là cả người bán người mua ai cũng hoan hỷ cả.

Có lần khách dặn nó đào cho ít gừng sạch. Hôm sau gặp khách nó cười vỗ đầu bảo: “Con đào chiều qua rồi, nhưng bẩn quá nên con đem rửa sạch, phơi cho ráo kẻo cô không ăn ngay nó lại hỏng mất. Thế mà xong lại quên không mang. Thôi để mai nghe cô”. Rồi mai nó lại bảo: “Con nhớ rồi, để gom lại treo dưới gốc bưởi thế mà làm sao lúc đi chợ lại quên mất. Mai con nhất định sẽ mang cho cô nghe!”.

con-lu-o-cho-cau-chuyen-nhan-van-cam-dong

Lần đấy con Lú quên mấy ngày liền, gặp trời mưa nó sợ gừng hỏng nên không mang nữa, nó hứa sẽ đào mẻ mới cho khách. Nếu không phải vì sợ mua phải gừng tàu thì khách đã thôi luôn rồi. Thấy cô khách bực, nó dúi cho củ gừng nhỏ, nhẹ giọng xoa dịu: “Cô ăn tạm nghe, tuần sau con mang cho cô”. Cô khách trả tiền nó nhất định không lấy. Nó là thế, thứ gì trông hơi héo hoặc từ hôm trước mà khách hỏi mua là nó cho luôn. Lúc nào cũng câu cửa miệng: “Chẳng đáng gì, con tặng cô, cô ăn tạm nghe”.

Con Lú ngày càng đắt hàng, rau nhà trồng không đủ bán, thế là nó phải đi lấy thêm hàng chợ. Mà nó hay lắm, lúc nào cũng nói thật thứ nào nhà trồng được, thứ nào lấy ở chợ, thứ nào của ta, thứ nào của tàu. Khách và nó tin tưởng nhau tuyệt đối.

Bán càng nhiều, con Lú càng thạo tính tiền hơn, nhưng vẫn phải nhờ các bà tính hộ cho chắc. Đôi khi không có tiền lẻ, nó cho các bà nợ luôn. Ai nhớ thì trả, quên thì thôi vì đằng nào nó cũng chẳng nhớ được. Nó cười thật thà bảo: “Rau cháu trồng được, các bà quên thì thôi, tính toán làm gì chút rau”.

Thương con Lú lam lũ, các bà khách cũng hay mang cho đồ, khi thì túi bánh kẹo, khi thì túi cơm thừa, xương xẩu để nó về nuôi lợn. Rồi thi thoảng các bà gom túi nilon sạch lại cho nó dùng để nó đỡ tốn tiền mua túi. Ai cho gì nó cũng vui vẻ nhận, bận đến mấy cũng ngẩng đầu lên nói: “Con xin cô, con cảm ơn cô nhiều nghe!”.

Lúc hàng rau vắng khách là nó lại cầm chổi quét dọn xung quanh cho sạch sẽ. Người bán hàng hay cạnh tranh hau, nhưng với con Lú thì ai nó cũng quý hết. Thi thoảng gần hết hàng nó lại nhận bán hộ cho mấy chị xung quanh. Nó cứ chân thật như thế nên chẳng ai ghét được, cũng chẳng bao giờ lo ế hàng.

Có hôm, nó vừa tay năm tay mười bán hàng vừa than: “Con chóng mặt quá, sáng giờ chưa ăn gì, các cô mua tới tấp rồi cô nào cũng giục, con chả kịp ăn”.

Một bà khách nghe vậy chìa ngay cái bánh mới mua hối thúc: “Thôi mày ăn đi, chúng tao chờ được, kẻo hạ đường huyết không bán được hàng thì khổ. Vắng mày chúng tao lại nhớ”.

“Nhớ thật ấy chứ”, các bà xung quanh cũng hùa theo.

Đúng là nhất con Lú mà. Mà lú gì thì lú chứ cách bán hàng thì Lú khôn nhất đấy. Cái khôn tự nhiên của người thật thà và có trái tim thiện lành. 

Xem thêm: Ác giả ác báo – Câu chuyện đáng suy ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận