Chè đỗ đen – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Bây giờ tôi đã có thể tự mua cho mình riêng 1 cốc chè đỗ đen, nhưng chẳng thể nào ăn được món chè đỗ đen như ngày xưa nữa.

Diệu Nguyễn
15:00 23/07/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bố tôi mất trong một vụ chìm tàu cát. Mẹ tôi không chịu nổi cảnh nghèo khó, bỏ nhà đi, để anh em tôi lại cho ông nội nuôi. Có người nói, mẹ tôi đã có gia đình mới, cũng có người nói gặp mẹ tôi đâu đó bên Ma Cao. Với tôi, những ký ức về mẹ vô cùng nhạt nhòa.

Năm tôi 6 tuổi, anh trai 10 tuổi, ông nội trồng một giàn mướp trước nhà, hoa mướp vàng rực rỡ cả góc sân. Tôi nghĩ, anh em chúng tôi như những ngọn mướp ấy, quấn quanh giàn gỗ già cỗi để lớn lên. Ông tôi là bệnh binh, đáng lẽ ở tuổi của ông phải nghỉ ngơi, an dưỡng mà vì thương anh em chúng tôi, ông phải lao động vất vả.

Ngày nhỏ, chúng tôi mê mẩn món chè đỗ đen của bà Hoa đầu chợ. Hạt đỗ bà ấy nấu vừa mềm, vừa ngọt, lại có mùi thanh thanh của nước dừa, ngon lắm. Lần nào đi qua anh em tôi cũng thèm chảy nước miếng.

Hằng ngày, anh hãy dẫn tôi đi hái những ngọn rau tập tàng mọc dại bên đường về nấu canh, rồi nhặt nhạnh những con cá lẫn trong đám rêu về kho. Anh nấu ăn ngon lắm, khiến hôm nào tôi cũng ăn no bụng phải, nới cả chun quần. Mỗi lần như thế, anh lại chỉ vào mặt tôi mắng nhỏ: “Mày ăn ít thôi, không lại phải mua quần mới, ông không có tiền đâu”. Ông tôi nghe được chỉ cười hà hà.

Mỗi lần bán được ít đồng nát, anh em tôi đều đắn đo rồi mới quyết định mua một cốc chè đỗ ăn, hai anh em ngồi ăn chung. Tôi tranh cầm cốc chè, còn anh tôi ngồi bên ăn ké. Lần nào ăn xong cũng còn thòm thèm, thế là tôi lại nhấm nhỉ đòi anh mua thêm. Mỗi lần thế anh chỉ cười, hứa lần sau sẽ mua riêng cho tôi một cốc chè thật to. Thế rồi lần sau, lần sau nữa chúng tôi vẫn cứ ngồi ăn chung như thế. Có lần tôi vội vã làm đỗ cả cốc chè. Anh tôi tiếc hùi hụi nhưng vì thấy tôi khóc nức nở nên đành lặng thinh dắt tôi về nhà. Tối đó tôi buồn thiu, ông phải dỗ mãi tôi mới chịu đi ngủ.

che-do-den-cau-chuyen-nhan-van-dang-ngam (1)

Một hôm đi học, tôi nghe nghe phong phanh con Hà mời các bạn trong lớp đi dự sinh nhật. Tối về chui trong chăn, tôi thì thầm hỏi anh: “Anh hai ơi, sinh nhật là làm gì anh nhỉ?''. Anh tôi chẳng nói gì, tôi nghĩ chắc là anh cũng không biết.

Anh tôi không thích đi học lắm, học hết cấp 2 là anh nghỉ học đi làm thuê cho một xưởng mộc trong xã. Khi nào ít việc thì anh theo bạn đi bắt cá, bắt cua ở sông. Ông tôi cũng mỗi lúc một già đi, không còn đủ sức khỏe để làm việc như xưa nữa. Nhà tôi sống bằng tiền hỗ trợ bệnh binh của nhà nước và tiền công làm xưởng mộc của anh tôi hằng tháng. Mỗi lần lĩnh lương, sau khi tính toán xong các khoản tiền phải trả, anh đều chừa ra một số tiền nhỏ, dẫn tôi ra quán chè của bà Hoa. Không biết đã thành thói quen hay sao nhưng anh em chúng tôi vẫn chỉ ăn chung 1 cốc chè. Tôi vẫn nhấm nhỉ vì còn thèm, anh tôi lại được dịp mắng mỏ ăn nhiều lại phải mua quần áo mới.

Năm 20 tuổi, anh tôi mất vì đuối nước. Giàn mướp của ông tôi năm nào cũng chỉ trơ trọi những cây gỗ cũ kỹ, sau một trận mưa to thì đổ sập xuống. Những chuyện đau buồn lần lượt ập đến khiến ông tôi đỏ hoe cả mắt, trái tim tôi như bị ai bóp chặt đến không thở nổi. Ông tôi bắt đầu đãng trí, sức khỏe yếu đi nhiều. Ông nhớ nhớ quên quên đủ chuyện, nhưng những gì về anh tôi thì chẳng bao giờ ông quên được. Lâu lâu ông lại kêu tôi đi ra chợ mua chè đỗ đen nhà bà Hoa đem về cho anh ăn, đi mau mau anh sắp đi làm về rồi.

Năm tôi 20 tuổi, anh tôi cũng 20 tuổi. Ông gắng sống với tôi đến đó thì đi tìm anh tôi. Đã lâu lắm rồi tôi mới đi ngang qua chợ. Bà Hoa bán chè đỗ đen năm nào cũng nghỉ bán từ lâu. Bây giờ tôi đã có thể tự mua cho mình riêng 1 cốc chè đỗ đen, nhưng chẳng thể nào ăn được món chè đỗ đen như ngày xưa nữa.

Sưu tầm

Xem thêm: Cuộc ly dị êm đềm – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận