Cả nhà điêu đứng vì cháu đích tôn – Câu chuyện đáng suy ngẫm

Nghe con trai ở thành phố gọi điện về báo cần tiền gấp để “cứu” thằng cháu đích tôn, ông bà như ngồi trên đống lửa. Đến nước này không thể không rao bán mảnh đất cuối cùng đang ở để có tiền “cứu” cháu.

Diệu Nguyễn
11:00 04/09/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nghe tin ông bà rao bán mảnh đất đang ở, hai cô con gái lấy chồng gần đó liền chạy về phản đối. Họ nói lâu nay ông bà hy sinh cho cháu đích tôn quá nhiều rồi, còn mỗi mảnh đất nương thân giờ cũng bán luôn thì mai này sẽ ở đâu. Nhưng ông bà mặc kệ, còn người là còn của, cứu được cháu thì mai này mới có người nối dõi, không là gia đình tuyệt hậu ngay, đất đai để lại cũng chẳng được gì.

Thấy khuyên bố mẹ không được, thế là hai cô con gái bàn nhau nghĩ cách giữ cho bố mẹ ít tiền phòng thân sau này. Bởi họ chẳng tin tưởng vợ chồng anh cả sẽ nuôi được bố mẹ già, khi mà bản thân họ còn đang phải chật vật, khốn đốn với đứa con trai hư hỏng.

Thế là cả hai gọi vợ chồng anh cả về họp gia đình, nói: “Tài sản này mang tiếng là của bố mẹ, nhưng nói về quyền hưởng thừa kế thì dù là phận con gái chúng em vẫn có phần. Trước đến nay bố mẹ cho anh chị và cháu bao nhiêu chúng em chẳng tị nạnh. Nhưng một khi mảnh đất này bán đi, bố mẹ phải chia cả phần cho chúng em nữa”.

Rồi hai cô con gái bảo với ông bà, nhà có 1 trai, 2 gái thì mảnh đất này chia làm 3. Ông bà và vợ chồng anh cả hai phần, hai chị em họ chỉ lấy một phần. Như vậy đã có sự phân biệt trai gái rồi. Tuy nhiên, ông bà vì nặng tình với đứa cháu đích tôn nên quyết: “Tiền bán đất bố mẹ sẽ chia làm 4 phần, 1 phần để dưỡng già, 3 phần còn lại chia cho con trai cả, cháu đích tôn và hai cô con gái”.

ca-nha-dieu-dung-vi-chau-dich-ton-cau-chuyen-dang-suy-ngam (1)

Hai cô con gái biết rõ, tính toán kiểu gì bố mẹ cũng không bỏ qua quyền lợi của đứa cháu đích tôn. Bởi nó là đứa mà ông bà mặc định là có trách nhiệm nối dõi tông đường, lo hương hỏa tổ tiên sau này. Vì vậy, họ đành đồng ý với sự tính toán của bố mẹ.

Nhà có 3 người con nhưng ông bà lúc nào cũng hướng về con trai nhiều hơn. Bố mẹ chỉ tập trung đầu tư cho anh cả học hành, học hết đại học, anh xin việc ở thành phố rồi lấy vợ sinh con ở đấy. Còn hai cô con gái thì học hết lớp 12 rồi ở nhà làm nông phụ bố mẹ, đến tuổi thì lấy chồng. Bố mẹ coi trọng con trai nhưng việc chăm sóc cha mẹ thì lại đẩy cho con gái nhiều hơn. Làm con, phụng dưỡng bố mẹ là chuyện đương nhiên, thế nhưng nhìn cảnh anh trai năm thì mười họa với đảo qua thăm bố mẹ một lần, mà mỗi lần về thì còn “bòn rút” không thiếu thứ gì, thì không ưa được.

Từ ngày vợ chồng anh cả sinh được đứa con trai – cháu đích tôn của gia đình, thì mọi chuyện ông bà chỉ hướng về nó. Cháu trai cần gì ông bà đều đáp ứng cho bằng được, bao nhiêu tiền tiết kiệm đều đem cho cháu hết. Sự chiều chuộng của ông bà và bố mẹ đã khiến thằng bé trở thành đứa “phá gia chi tử” từ lúc nào không hay. Mới tí tuổi đầu nhưng học đòi sống theo lối nhà giàu, dùng hàng hiệu đắt tiền, bố mẹ không đáp ứng nổi thì nó lại gọi điện về quê xin ông bà.

Tốt nghiệp cấp 3 xong, cháu đích tôn của ông bà vào một trường đại học dân lập, người ta học 4 năm là xong, cháu ông bà học 6 năm vẫn chưa thấy tấm bằng. Thay vào đó là số nợ đánh lô đề, cá độ mỗi ngày một lớn, bố mẹ nó bán cả nhà để trả nợ cho nó. Cứ ngỡ nhìn vào hậu quả nó sẽ rút kinh nghiệm, từ bỏ thói hư tật xấu nhưng ai ngờ nó vẫn hết lần này đến lần khác, ngựa quen đường cũ, nợ nần nhiều thêm, bị xã hội đen tìm đến trường gây náo loạn khiến nhà trường phải cho thôi học. Sợ quá, nó bỏ đi biệt xứ để trốn nợ.

Để cứu cháu đích tôn, ông bà bàn với vợ chồng anh cả là bán nốt mảnh đất dưới quê để ra thành phố sống cùng con cháu. Cứ ngỡ cách giải quyết đó sẽ tạo điều kiện cho cháu đích tôn quay về làm lại cuộc đời. Nhưng nó vẫn chứng nào tật ấy, siêng ăn lười làm, bố mẹ xin việc cho ở đâu cũng chỉ đi được vài hôm rồi lại bỏ về ăn bám bố mẹ.

Cuộc sống của ông bà từ ngày chuyển ra thành phố trở nên bích bách vô cùng. Cộng thêm những va chạm với con dâu trong cuộc sống hằng ngày khiến cả hai càng thêm nhớ quê da diết. Tuy nhiên, giờ nhà cửa đất đai chẳng có, muốn quay lại cũng chẳng có chốn. Thỉnh thoảng, đứa cháu đích tôn lại dội về cho những khoản nợ nần, ông bà lại sống trong cảnh vừa lo lắng, vừa hối hận. Giá như ngày trước họ đừng quá coi nặng vai trò của cháu đích tôn, để rồi nuông chiều, đáp ứng nó vô điều kiện thì có lẽ nó cũng đã nên người, chứ không phải hư hỏng như bây giờ.

Xem thêm: Đừng bao giờ chia tài sản sớm cho con -  Câu chuyện đáng suy ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận