Bao giờ tụi con đi? – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Tết thiệt kỳ, nó làm người ta vui đó, đoàn viên đó, rồi lại miên man buồn và lại tạm biệt nhau. Nghe má hỏi “Bao giờ tụi con đi?” mà chị thấy lòng mình chênh chao quá…

Diệu Nguyễn
17 phút trước Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mỗi năm chị chỉ về quê thăm má được 1 lần. Cũng đành chịu bởi chị lấy chồng xa, con cái còn nhỏ quá, đèo bồng nhau là cả một vấn đề.

Má ở một mình, kêu má vô Sài Gòn sống cùng con cháu nhưng má không nghe. Mà cũng đúng thôi, chị không thể khuyên má khi mà chính chị dù xa nhà bao lâu vẫn nhớ như in cái cây xoài xanh ngắt ngoài đầu ngõ, nhớ tiếng bọn trẻ con mỗi trưa hè hò hét nhau hái me, hái ổi,… Chị càng nhớ hơn căn buồng ngủ có cái giường gỗ cũ mùi rất thơm, cái cửa sổ hay kêu kẽo kẹt khi có gió lùa vào những ngày cuối năm se lạnh.

Ba mất đã hơn chục năm nay, mình má ở vậy lo nhà cửa, vườn tược. Với má căn nhà này ghi lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Má cũng hiểu rất khó để tụi nhỏ về nhà với mình mỗi tuần, mỗi tháng vì đứa nào cũng sống xa nhà, rồi còn phải lo sự nghiệp, gia đình. Vậy nên má chỉ còn trông chờ mỗi dịp cuối năm, lễ tết để con cháu sum vầy.

Từ mấy ngày trước tết má đã gọi điện hỏi ngày về, rồi trong lúc chờ đợi, má làm đủ món ngon. Đứa nào thích ăn gì má nhớ hết. Nhà có thứ gì, từ con gà tơ đến trái cây chín bói ngoài vườn má đều để dành cho con cháu.

bao-gio-tui-con-di-cau-chuyen-nhan-van-dang-ngam (1)

Cả năm bôn ba bên ngoài, sống chung với nhà chồng, không phải chuyện gì cũng như ý. Nên khi về bên má, chị trân trọng vô ngần những miếng ăn ngon, những giấc ngủ quên đời. Để rồi khi má nói cái câu “Bao giờ tụi con đi”, chị bỗng thấy tim mình buồn mênh mang, ước gì tết có thể kéo dài thêm vài hôm nữa.

Thường trước tết má sẽ hỏi một lần kiểu như: “Về muộn vậy chắc năm hay đi trễ con ha?”. Rồi trong tết, má lại thẫn thờ bấm bấm ngón tay tính từng ngày. Ở nhà chị qua ngày mùng 1 là đã thấy tết vơi đi quá nửa. Chậu mai trước sân vẫn đang bung hoa trổ nụ rực rỡ, dù họ hàng có lác đác qua chơi tết, chúc tết cũng không ngăn hết được cảm giác tết sắp tàn, người người nhà nhà lại chuẩn bị cho những chuyến xe lên thành phố.

Buổi tối, chị rủ má vào ngủ chung. Cái giường này má mua từ thời chị học trung học, gom tiền trồng lúa trồng khoai, kêu thợ đóng kỹ càng vì con gái lớn rồi, tay chân cũng dài ra, nằm rộng cho thoải mái. Hồi đó nhà nghèo mấy má con nằm chung với nhau, thoắt cái giờ trên giường đã có thêm 2 đứa cháu nhỏ. Má chọc vui bao giờ má nằm vô là cả đám xếp lớp như cá mòi, nhưng chị vẫn nằng nặc đòi má nằm cho bằng được vì thèm cái cảm giác hồi còn ngủ cùng má.

Má nhắc cả đám đi ngủ nhưng câu cuối lại vẫn hỏi: “Bao giờ tụi con đi? Vẫn là mùng 5 hả?”. Chị chỉ “dạ” rồi thẫn thờ nhìn lên trần nhà. Một lúc sau chị không nhịn được lại nói: “Con đi rồi mốt con rảnh con lại dẫn mấy đứa về chơi với ám”.

Không khí lại rơi vào yên lặng. Má vòng tay qua ôm đứa cháu nhỏ nhất. Chị cũng không nói gì nữa, thấy lòng mình trống rỗng, hụt hẫng lắm. Có lẽ không chỉ có má, mà rất nhiều người làm cha làm mẹ, qua mấy hôm "mùng" là lại muốn níu kéo thời gian, muốn sự sum vầy ở lâu hơn một chút.

Nhưng có lẽ ngắn ngủi vậy mới làm nên tết, chỉ có mấy ngày mà đủ cung bậc vui buồn, háo hức và nuối tiếc. Như mấy hôm mới về, má ào ra cổng đón cháu, thì giờ lại sắp tới cái đoạn má sắp đồ, đứng ở cổng nhìn xe rời nhà, mang theo vô vàn tình yêu thương mà bà đã đặt để. Tết thiệt kỳ, nó làm người ta vui đó, đoàn viên đó, rồi lại miên man buồn và lại tạm biệt nhau.

Xem thêm: Ám ảnh cái Tết đầu tiên ở nhà chồng – Câu chuyện đáng suy ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận