Còn cha mẹ vẫn còn nơi để ta đến, mất cha mẹ đời này chỉ còn lại lối về

Đừng để khi bố mẹ mất rồi, lối về có thể vẫn còn, căn nhà có thể vẫn ở đấy, thế nhưng điều mình cần nhất, bóng hình của bố mẹ chỉ còn trong ký ức.

Loan Nguyễn
11:18 01/06/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đạo hiếu là nền tảng cơ bản trong đạo đức của một con người. Người mà không hiếu thảo với cha mẹ ruột của mình thì dù có tốt ở lĩnh vực nào đi chăng nữa cũng đều tầm thường. Việc lo cho cha mẹ các điều kiện vật chất có thể không khó, nhưng việc hiếu thuận với cha mẹ cả cuộc đời thì lại không hề đơn giản.

Tôi vô tình đọc được đoạn chia sẻ của một thanh niên trên mạng xã hội với nội dung: “Cảm thấy bố mẹ quá phiền phức thì có nên cắt đứt quan hệ với họ hay không?”.

Theo nội dung bài viết, gia đình của nam thanh niên này không có điều kiện kinh tế tốt, anh ta phải dùng số tiền lớn để lo cho việc dưỡng lão và tiền khám bệnh của bố mẹ.

Anh ta cảm thấy việc chăm sóc bố mẹ như thế này sẽ dẫn đến "con đường sự nghiệp không thuận lợi". Tương lai, sau này có vợ sinh con chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều điều bất tiện. 

Cuối bài viết, nam thanh niên đưa ra quan điểm: "không muốn lãng phí tiền bạc để chăm sóc bố mẹ".

Tất nhiên, những bình luận phía dưới bài viết này là một loạt những chỉ trích. Trong đó, có 1 câu nói khiến tôi thực sự ấn tượng: 

"Một cô gái tốt có thể sẽ chấp nhận một chàng trai tuy nghèo mà có ý chí vươn lên, nhưng đa phần sẽ không chấp nhận một người cắt đứt quan hệ với bố mẹ - những người chưa từng đối xử tệ bạc với họ".

cau-chuyen-y-nghia-ve-viec-bao-hieu-voi-bo-me-1

Muốn xem đạo đức thật sự của một con người, hãy nhìn vào cách họ đối xử với cha mẹ họ. Nếu một người cạn tình bạc nghĩa với chính cha mẹ của mình thì khó có thể trải qua bất kỳ thử thách nhân cách nào cả.

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được dạy rằng "bách thiện hiếu vi tiên", nghĩa là hiếu thuận và tôn trọng cha mẹ chính là phẩm chất đạo đức cơ bản nhất của một con người.

Khi còn nhỏ, ta trong vòng tay bố mẹ, lớn lên rồi đi học, đi làm xa gia đình, xa bố mẹ. Thế nhưng, tuổi tác càng lớn, khi càng đi xa, tiếp xúc với hiện thực xã hội càng nhiều, con người ta càng thèm cảm giác ấm áp và an toàn mà gia đình đem lại.

Lão Xá nói rằng: "Con người cho dù sống đến tám chín mươi tuổi, họ vẫn còn là trẻ con khi còn bố mẹ".

Dù bên ngoài xã hội đầy phức tạp kia, chúng ta phải đảm đương nhiều trọng trách, phải là người trưởng thành, dù khó khăn cũng không hề than vãn. Nhưng, khi trở về trong vòng tay bố mẹ, được yêu thương bao bọc, chúng ta được bộc lộ sự yếu đuối của bản thân, thể hiện cảm giác thật trong lòng mình, được bộc lộ những phiền não. Bố mẹ luôn ở đó, bao dung và không bao giờ trách cứ chúng ta. Thật sự những lúc mệt mỏi, ngoài bố mẹ ra, chẳng còn ai đón nhận ta trở về bằng tất cả tấm lòng.

cau-chuyen-y-nghia-ve-viec-bao-hieu-voi-bo-me-2

Bố mẹ có thể không hoàn mỹ nhưng luôn yêu thương chúng ta vô bờ bến. Tha thứ cho sự không hoàn hảo của bố mẹ chính là phẩm chất tốt của một người con.

Tôi rất ấn tượng với một chi tiết trong bộ phim "Reply 1988": Cho rằng bố mẹ thiên vị chị gái và em trai, không chú ý đến mình mà Duk Sun đã oán hận bố mẹ rất lâu. Điều mà cô ấy nhìn thấy là có hai cái đùi gà thì mẹ sẽ cho chị gái một cái và một cái thì cho em trai. Điều mà cô không thấy là mẹ đã đẩy tay bố ra khi bố muốn gắp cánh gà, bởi bà muốn dành cánh gà ấy cho cô ấy.

Bố mẹ thiên vị là bố mẹ không hoàn mỹ, thậm chí không xứng với chức danh bố mẹ, nhưng dù nói bố mẹ không tốt thì họ luôn thương chúng ta nhiều hơn yêu bản thân họ rất nhiều. Bố mẹ không hoàn mỹ thì chúng ta cũng không phải là những đứa con hoàn mỹ. Tất cả chúng ta đều vụng về mò mẫm về cách hòa hợp làm thế nào để yêu thương nhau. Nếu đã như vậy, điều quan trọng hơn là học cách hiểu và giải bỏ những khuất mắt với nhau.

Có thể bố mẹ chúng ta có khác biệt về thế hệ, sẽ bảo thủ, nghiêm khắc, tư tưởng cổ hủ không theo kịp thời đại..., nhưng đều là muốn tốt cho con cái, chúng ta không thể vì những khuyết điểm này mà xem nhẹ tình yêu họ dành cho chúng ta.

Hiếu kính bố mẹ, đừng đợi đến khi tất cả đã quá muộn. Một phóng viên tạp chí Cơ hội của Ý đã từng phỏng vấn Bill Gates trên máy bay. Khi được hỏi: "Điều gì là không thể chờ đợi nhất?". Câu trả lời của Bill Gates khiến mọi người bất ngờ: "Điều không thể đợi nhất trên thế giới này chính là hiếu kính bố mẹ".

cau-chuyen-y-nghia-ve-viec-bao-hieu-voi-bo-me-3

Hay, câu chuyện của một cô gái trẻ khiến ta thực sự phải suy ngẫm. Cô đã trải qua những tháng ngày khủng khiếp nhất của cuộc đời mình khi cùng một lúc mất đi cả bố lẫn mẹ. 

Khi bố mẹ còn sống, cô vẫn còn nơi để về, thế nhưng những lúc ấy, cô gái chẳng hề để tâm đến nơi để về ấy. Bởi người bạn trai ở bên cạnh mang đến cho cô nhiều niềm vui hơn, giúp cô được tận hưởng cuộc sống này bằng những cảm nhận mới mẻ nhất. Cô chán về nhà, chán nghe những cuộc gọi hỏi có về không của bố mẹ.

Cho đến khi, cô muốn về ôm lấy bố mẹ thì lại chỉ còn nấm mồ xanh lạnh lẽo, những giỏ trái cây hay lãng hoa đẹp đẽ bây giờ cũng chỉ là hình thức, bố mẹ thì mãi mãi chẳng thể nào được thưởng thức và nhìn thấy những điều này nữa.

Khi chúng ta trưởng thành thì cũng là thời điểm bố mẹ ngày một già đi. Tôi tin rằng, rất nhiều người con có chung cảm nhận tâm lý như thế này. Chuyện buồn nhất trên đời chính là mất đi rồi mới biết trân trọng. Lúc ta còn trẻ, bố mẹ còn bên cạnh, hãy yêu thương, bao dung hơn với bố mẹ.

Đừng để những giọt nước mắt muộn màng mới biết mình thực sự đã đánh mất đi điều gì quan trọng nhất. Đừng để khi bố mẹ mất rồi, lối về có thể vẫn còn, căn nhà có thể vẫn ở đó, thế nhưng điều mình cần nhất, bóng hình của bố mẹ chỉ còn trong ký ức.

Xem thêm: Bình yên đích thực là khi đứng giữa trời giông bão tâm ta vẫn lặng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận