Tiểu thư con quan bị đuổi học vì cãi cô giáo Pháp khi có lời lẽ xúc phạm dân tộc Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thiếu Anh là cô gái đầu tiên ở Huế biết đi xe đạp. Bà cũng là tiểu thư khuê các đầu tiên bị đuổi học vì dám cãi cô giáo người Pháp.

Đỗ Thu Nga
09:58 22/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bị đuổi học vì không chấp nhận bị cô giáo Pháp miệt thị

Nguyễn Thị Thiếu Anh sinh năm 1921 tại phủ Anh Sơn, Nghệ An. Quê ở xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là con gái cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm đương chức Phủ doãn Thừa Thiên - kinh đô Huế.

Từ khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế), bà Nguyễn Thị Thiếu Anh đã nổi tiếng. Bà nổi tiếng bởi là cô gái đầu tiên trong kinh thành Huế dám đi xe đạp khắp kinh đô; nổi tiếng vì là tiểu thư khuê các độc nhất vô nhị bị đuổi học. Chuyện bà bị đuổi học sau này đã trở thành giai thoại của gia đình, được nhiều người kể lại. Song nếu ai biết lý do vì sao bà bị đuổi học thì cũng lấy làm khâm phục tính cách của một vị tiểu thư con quan khẳng khái, chính trực.

Được biết, từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Thiếu Anh đã được cụ thân sinh là ông Nguyễn Khắc Niêm, Hoàng giáp khoa Đinh Mùi cho đi học. Năm 1937, cô học trò này đã nổi tiếng khi đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi văn toàn quốc với số điểm 20/20, được nhà vua đích thân trao giải thưởng gồm một xấp vải đẹp, một chiếc đàn banjolin và một cuốn Larousse Ménager.

tieu-thu-con-quan-dau-tien-bi-duoi-hoc-vi-cai-co-giao-la-ai-6
Bài thơ Chiếc nón Huế của Nguyễn Thị Thiếu Anh từng được chọn vào sách giáo khoa văn lớp 6

Nguyễn Thị Thiếu Anh không chỉ học giỏi mà ngay từ tuổi trăng tròn đã có bài thơ Chiếc nón Huế làm cho các bậc thi sĩ đàn anh như Xuân Diệu, Tế Hanh, Thanh Tịnh phải để mắt đến.

‘...Sung sướng cầm chiếc nón/ Đội nghiêng nghiêng lên đầu/ Thướt tha hơi làm dáng/ Thèn thẹn... em bước mau.../ Me cười: Ồ con me/ Dí dỏm học làm sang/ Chỉ thiếu chiếc kiềng vàng/ Con thành "Cô gái Huế"...’. Năm 1947, Giáo sư Nguyễn Lân đã chọn đưa bài này vào sách giáo khoa văn lớp 6.

Thế nhưng, con đường học vấn của cô tiểu thư khuê các này lại bị ngắt quãng khi dám cãi lời một cô giáo người Pháp vì bà ta xúc phạm, miệt thị dân tộc Việt Nam. Được biết, lúc đó, Nguyễn Thị Thiếu Anh là học lớp 2e année, tương đương lớp 7 bây giờ. Một lần, trong giờ thi học kỳ tiếng Pháp, chỉ vì bài làm xuất sắc hơn những bài kiểm tra bình thường mà Thiếu Anh bị cô giáo nghi quay cop. 

Không những thế, bà còn dùng những lời lẽ miệt thị để xúc phạm người Việt Nam: ‘Dân An Nam các cô đều là quân ăn cắp’. Câu nói đó đã động chạm đến lòng tự tôn dân tộc của Thiếu Anh, khiến bà đứng phắt dậy, khẳng khái nói: ‘Trên thế giới này, dân tộc nào cũng có người lương thiện, có kẻ ăn cắp. Tôi cũng công nhận người Pháp như các bà qua đây không ai ăn cắp, vì các vị đã bóc lột chúng tôi tận xương tủy, đã giàu có tột cùng rồi! Đối với chúng tôi thì tất cả những người Pháp sang xâm chiếm tàn bạo đất nước Việt Nam đều là quân ăn cướp’.

tieu-thu-con-quan-dau-tien-bi-duoi-hoc-vi-cai-co-giao-la-ai-0
Trường Đồng Khánh xưa

Câu nói của Nguyễn Thị Thiếu Anh lúc đó không chỉ khiến cô giáo người Pháp tím tái mặt mũi mà còn khiến cả lớp lặng im vì choáng váng. Câu chuyện đó nhanh chóng lan đi khắp trường Đồng Khánh rồi lan khắp kinh thành Huế. Không ai có thể tin rằng, một tiểu thư con nhà Phủ doãn Thừa Thiên lại dám nói những lời đó với thực dân Pháp.

Mặc cho bà Hiệu trưởng khuyên Nguyễn Thị Thiếu Anh xin lỗi, mặc cho thân phụ đang ngồi ghế Phủ doãn Thừa Thiên, bà vẫn quyết không cúi đầu. Bà thà chấp nhận bị đuổi học với cái "án" như chung thân: ‘...bị đuổi học khỏi trường... bị cấm thi 3 năm vì có tư tưởng phản nghịch’ chứ không chịu hạ mình, bởi với tiểu thư Thiếu Anh, đó không chỉ là danh dự của riêng bà, mà còn là danh dự của dân tộc. Điều thiêng liêng đó, không gì có thể xâm phạm được.

Nguyễn Thị Thiếu Anh thất học từ đó. Mãi đến sau 1954, ra Hà Nội, lúc đã gần 35 tuổi, mới được đi học lớp dược tá.

Chuyện tình của tiểu thư nhà quan Phủ doãn Thừa Thiên

Mặc dù là một nữ sinh khẳng khái, mạnh mẽ nhưng bà Nguyễn Thị Thiếu Anh lại có chuyện tình dịu dàng, nhún nhường. Bà vẫn hay đùa rằng được cha mẹ chọn cho vị hôn phu khi mới "âm" 13 - 14 tuổi. Nghĩa là trước khi bà thành bào thai trong bụng mẹ 14 năm, cha bà đã chọn sẵn cho bà một người chồng.

Ngày đó, cụ Nguyễn Khắc Niêm Hoàng giáp khoa Đinh Mùi, sau khi lĩnh áo mũ vua ban vinh quy bái tổ, cậu học trò Tân khoa đã về xã Nho Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An để bái yết và tạ ơn thầy học là cụ Đặng Văn Thụy (Hoàng giáp khoa Giáp Thìn). Quý mến cậu học trò trẻ tuổi, tài cao, cụ Hoàng giáp Đặng Văn Thụy rất muốn nhận làm con rể mình, nhưng vì con gái cụ Hoàng Giáp Thụy đã có gia đình nên đành hẹn: "Sau này anh có đứa con gái nào “kha khá” thì hãy gả cho cháu nội thầy một đứa”. Chỉ một câu nói đó đã xếp đặt sẵn cho cuộc đời tiểu thư Nguyễn Thị Thiếu Anh sau này.

Trong số những người con của cụ Đặng Văn Thụy có 1 người là ông Đặng Văn Dư, chơi thân với Nguyễn Khắc Niêm. Ông Dư có 1 người con trai là Đặng Văn Ấn. Ngày đó, tiểu thư Thiếu Anh trong lần theo cha ra Vinh, gặp cụ Thụy, vừa nhìn thấy Thiếu Anh, cụ đã nói với Nguyễn Khắc Niêm và con trai Đặng Văn Dư: “Bắt đầu từ hôm nay, hai ông sẽ là thông gia với nhau. Cả hai đều không được thất hứa với thầy đâu đấy”.

Lúc đó Nguyễn Thị Thiếu Anh mới là cô bé nhỏ xíu, đôi mắt xếch bướng bỉnh, tính cách như con trai, không có vẻ gì là “kha khá” như những gì mà mọi người vẫn hình dung, thế nhưng không hiểu lý do gì, cụ Thụy lại rất vừa mắt ngay trong lần đầu tiên gặp Thiếu Anh.

Lần ấy, khi 2 gia đình hứa hôn, Thiếu Anh mới 7 tuổi, kém hôn phi 2 tuổi. Buổi gặp đầu tiên, còn là con nít, chẳng hiểu chuyện gì, Thiếu Anh đã tặng hôn phi 1 cái liếc xéo chỉ vì tranh nhau chiếc xe đạp. Nhưng không hiểu vì lẽ gì, mà cái liếc xéo chanh chua của cô bạn nhỏ tuổi đã khiến Đặng Văn Ấn nhớ mãi, nhớ đến tận khi cả hai có cơ hội gặp lại nhiều năm sau đó.

tieu-thu-con-quan-dau-tien-bi-duoi-hoc-vi-cai-co-giao-la-ai-8
Chân dung bà Nguyễn Thị Thiếu Anh

Khi Thiếu Anh 16 tuổi, tức là 9 năm sau buổi gặp đầu tiên ở Vinh, Đặng Văn Ấn được gia đình cho vào Huế để đôi bên gặp gỡ, chính thức hỏi Thiếu Anh làm vợ. Đến lúc này, khi cha gọi lên nói chuyện nghiêm túc, tiểu thư Thiếu Anh mới biết duyên phận của mình đã được quyết định từ lúc chưa chào đời.

Vì mất mẹ từ nhỏ nên Thiếu Anh dành hết tình yêu thương cho cha. Vậy nên dù có cá tính đến đâu thì khi cha nhắc chuyện gả chồng cô vẫn gật đầu chấp nhận, với điều kiện đợi 20 tuổi rồi tính chuyện vợ chồng.

Tuy là hôn nhân sắp đặt nhưng những ngày bác sĩ Đặng Văn Ấn ở Huế và ở lại chơi trong gia đình, tình cảm của hai người khăng khít hơn. Trong hồi ký và trong những câu chuyện kể lại cho con cháu, bà Thiếu Anh thường nói: Suốt cả tuần lễ ông ở Huế để tập “ở rể”, bà gần như chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Ngày nào bà cũng phải tiếp “vị khách không mời mà đến” suốt từ 8h sáng đến 9h tối. Tiếng là tiếp chuyện nhau cả ngày, nhưng vì ngượng ngùng, nên cả hai ông bà chỉ nói được với nhau vài câu: “Trời hôm nay nóng quá”, hoặc: “Nhãn năm nay sai quả quá”, thế rồi cuộc nói chuyện lại kết thúc, bầu không khí nhanh chóng rơi vào im lặng, cả hai mỗi người một việc, người thì cố tập trung đọc sách, người thì vụng về thêu những đường thêu vô nghĩa, chẳng thành hình.

Những ngày ông ở rể tại Huế, kiên trì bám trụ nhà bà, bắt bà tiếp chuyện từ sáng đến tôi, bà thường nguyền rủa ông và chỉ mong ông sớm rời đi. Thế nhưng, khi thực sự "thoát nợ" lại thấy lòng trống trải. Đó là đầu tiên trong đời bà phát hiện ra mùa thu đến sớm hơn mọi năm và khiến bà buồn bã, bâng khuâng hơn mọi năm.

Những ngày ông rời Huế, nhận ra tình cảm có phần đặc biệt mà mình dành cho ông, 10 ngày sau đó bà đã chủ động viết cho ông lá thư đầu tiên: “Việc hôn nhân của chúng ta là do lời cam kết của hai bên gia đình, nhưng hôn nhân không có tình yêu sẽ không thể hạnh phúc. Vì vậy, nếu anh hoàn toàn do bị gia đình ép buộc thì cứ trả lời cho Thiếu Anh biết, Thiếu Anh sẽ xin thầy Thiếu Anh hủy bỏ hôn ước này rất dễ dàng, không ảnh hưởng gì đến giao hảo giữa hai nhà. Riêng về phần Thiếu Anh thì tình cảm với anh thế nào hiện nay chưa thể nói được”.

Tuy không chịu thừa nhận tình cảm trong lá thư đó, nhưng bà lại gửi tặng ông những câu thơ đầy hàm ý: “Gần anh tuy chỉ mấy ngày thôi/ Nhưng lúc xa nhau đã nhớ rồi/ Em vẫn đùa vui khi trí nghỉ/ Chập chờn theo dõi chốn xa xôi”…

Đáp lại thư của bà, ông viết: "Từ hôm ra Hà Nội đến giờ, trước mắt anh luôn hiện ra hình ảnh cô nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng ngồi cạnh anh và anh đang mong cho thời gian như bóng câu qua cửa sổ để mau cho đến hè sang năm, anh lại được vào Huế gặp vị hôn phu xinh đẹp dịu dàng…”.

Yêu nhau chủ yếu qua những lá thư gửi đi gửi lại giữa hai miền Trung - Bắc, cho đến ngày chính thức trở thành vợ chồng, bà đã có 200 bức thư ông gửi. Ngày lấy chồng, bà cất gọn gàng 200 bức thư đó trong một cái hộp và mang theo bên mình như một của hồi môn quý báu. Nhưng trong một lần nhà bị bom đánh, bà đã mất những lá thư kỷ niệm ấy.

Xem thêm: Ân phi Hồ Thị Chỉ: Tiểu thư "cành vàng lá ngọc" yêu vua đời trước, ngậm ngùi cưới vua đời sau

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận