"Tổ cất nhà từ thiện" và phương châm "làm việc thiện không có ranh giới"
"Tổ cất nhà từ thiện" có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây, từ Long An, Đồng Tháp đến Kiên Giang, Cà Mau. Riêng năm 2023, tổ đã đã cất được hơn 40 căn nhà.
Ở khu vực cù lao Ông Hổ, không ai là không biết ông Huỳnh Văn Bảy (78 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang). Tiếng thơm về ông Bảy lan từ xã này sang xã khác, từ huyện này sang huyện khác, thậm chí là ở cả các tỉnh lân cận.
Ở cái tuổi đáng nhẽ ra ngày ngày chỉ ngồi uống trà, đọc sách nhưng ông Bảy lại chọn cách sống bận rộn với những việc thiện từ tâm. Ông dành hết thời gian, công sức đi khảo sát, xây nhà từ thiện. Nơi ông đang ở giống như một xưởng mộc, cột, kèo dùng để xây nhà chất đầy trong khuôn viên.
Theo VietNamNet, ông Bảy xuất thân trong gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn nên thời niên thiếu ông vào chùa học đạo. Từ năm 1975, ông xin về chùa Hưng Long (cách nhà khoảng 1km) sinh sống. Khi đó, ông đã bắt đầu bén duyên với công việc thiện nguyện.
Trong thời gian sống ở đây, ông Bảy nhận thấy bà con địa phương nghèo khó, nhiều gia đình sinh sống trong căn nhà dột nát, không đủ che mưa che nắng. Thương bà con, ông Bảy vận động các mạnh thường quân cùng chung tay cất nhà mới. Tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ được 1 căn nhà.
Từ năm 2001, ông Bảy không còn đi dựng một mình. Ông thành lập "Tổ cất nhà từ thiện" với hơn 40 thành viên, chủ yếu là những nông dân của xứ cù lao.
“Không có tiêu chí cụ thể nào để trở thành thành viên của tổ. Hễ ai có tâm muốn làm việc thiện, sẻ chia với đời, giúp đỡ người nghèo là có thể tham gia. Tuy kinh tế gia đình các thành viên không mấy khá giả, sống phụ thuộc vào nghề làm ruộng nhưng ai cũng sẵn lòng bỏ tiền túi để đóng góp cất nhà”, ông Bảy cười nói.
Thời gian đầu, kinh phí còn hạn hẹp nên ông và các cộng sự chỉ đơn thuần hỗ trợ gỗ bạch đàn để các hộ tự cất nhà. Nhưng việc này cũng có nhiều bất cập. Người dân sử dụng sai mục đích dẫn đến gỗ thất thoát. Tuổi thọ căn nhà cũng không được lâu bởi gỗ không được xử lý kỹ, mối mọt dễ tấn công.
“Chúng tôi thay đổi vật liệu làm nhà, chuyển sang mua gỗ khối. Để gỗ được bền lâu, khi mua về chúng tôi sẽ cắt, xẻ thành nhiều kích cỡ, sau đó quét một lớp dầu nhớt lên khắp các bề mặt.
Tổ được chia thành 2 nhóm nhỏ, gồm lên khung và lắp ráp. Khung nhà được làm sẵn, chỉ cần dùng xe tải chở đến ráp trong ngày là xong”, ông Bảy tâm sự.
Với phương châm "làm việc thiện không có ranh giới", tổ của ông đã có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây, từ Long An, Đồng Tháp đến tận Kiên Giang, Cà Mau.
Theo ông Bảy, tất cả những hộ khó khăn đều được địa phương xác minh và giới thiệu. Dựa trên danh sách và hoàn cảnh, tổ sẽ đến tận nơi tìm hiểu, sau đó ghi nhận để thông qua với nhà hảo tâm và anh em trong tổ.
Ông ước tính, gần 25 năm qua, tổ đã xây dựng được hơn 500 căn nhà. Diện tích mỗi căn rộng từ 30 - 32m2, mất gần 3 tuần để hoàn thiện và chi phí xây dựng khoảng 35 triệu đồng.
Ông hy vọng sẽ có đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình cất nhà cho người nghèo và tin rằng tương lai, anh em trong tổ sẽ duy trì việc làm từ thiện này, kể cả khi ông sẽ rời xa...
Ông Nguyễn Phước Minh (69 tuổi) đã tham gia tổ hơn 15 năm. Ông cho biết, dù công việc có phần cực nhọc nhưng cũng có niềm vui riêng khi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
“Mong có nhà mới, gia chủ tập trung làm ăn, phát triển kinh tế để từng bước thoát nghèo. Đó cũng chính là nguồn động viên để chúng tôi cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa”, ông Minh mong mỏi.
Theo bà Huỳnh Lê Thùy Dương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Mỹ Hoà Hưng, việc làm của ông Bảy và "Tổ cất nhà từ thiện" đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác an sinh xã hội ở địa phương.
“Ngoài tài trợ của mạnh thường quân, các thành viên trong tổ còn tự bỏ tiền để xây nhà tình thương cho người nghèo. Điều đáng trân quý hơn là tổ không giới hạn địa bàn hoạt động, sẵn sàng vượt đường xa, mang niềm vui tới cho bà con các tỉnh, thành phố lân cận”, bà Dương chia sẻ.
(Theo VietNamNet)
Xem thêm: Người đàn ông "bao đồng" ở Hậu Giang dành cả tuổi xuân để làm từ thiện
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận