Má tôi dạy sống một đời tử tế - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Đỡ khổ nhờ có chữ. Cứ vậy, anh mang bên mình lời răn ấy mà học mà hành. "Mẹ tôi cũng dạy sống một đời tử tế", anh chia sẻ.

Đỗ Thu Nga
11:00 25/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Anh viết trang cá nhân: "Tháng Bảy về! Đến những ngày này, nỗi nhớ của tôi lại nghiêng về phía mẹ, bóng dáng Người dù đã đi xa nhiều năm nhưng vẫn còn hoài đó trong tâm tưởng".

Ấu thơ của anh là những ngày bên mẹ. Anh bảo mẹ anh là bà mẹ quê tảo tần như bao mẹ quê khác đã lo cho anh và cô em gái được học hành. 

Anh cứ thắc mắc mãi, không hiểu mẹ anh lấy đâu ra "tầm nhìn" rộng vậy, khi cứ nhắc đi nhắc lại với các con của mình: "Má cực cả đời vì thiếu chữ. Tụi bây ráng kiếm cái chữ lận lưng để sau này đỡ khổ".

Đỡ khổ nhờ có chữ. Cứ vậy, anh mang bên mình lời răn ấy mà học mà hành. "Mẹ tôi cũng dạy sống một đời tử tế", anh chia sẻ. 

Và triết lý của bà cũng rất đơn giản: có đức mặc sức mà ăn. Người có đức là người sống tử tế, biết cho đi và biết làm những điều có lợi cho cộng đồng, cho số đông. 

Anh thương mẹ nên nghe theo lời giáo dưỡng ấy.

ma-toi-day-song-mot-doi-tu-te--cau-chuyen-nhan-van-sau-sac-0

Từ thời sinh viên anh đã đăng ký hiến máu tình nguyện. Làm thêm có chút tiền, anh chắt bóp mua hộ người già tờ vé cuối trong phút giây chờ xổ, "mua không phải cầu may mà cầu an cho người bán".

Anh cứ vậy mà cho đi, gom góp thói quen nhìn xuống, để thấy mình có khổ thì cũng còn bao người khó hơn. "Đâu phải đợi giàu có mới cho đi được", anh tâm niệm.

Và theo anh, cho đi không chỉ có tiền bạc, mà còn là ánh nhìn bi mẫn, lời nói chính trực, thương yêu; là lắng nghe sâu sắc để người ta bớt khổ, có nơi giãi bày và vượt qua chông chênh.

Lúc đi làm, anh giúp đỡ đồng nghiệp, làm hết việc chứ không phải chờ hết giờ để về và cuối tháng lãnh lương. Cho đi, anh cứ vậy mà làm giàu thêm cho mình sự lương thiện, kỹ năng. Sếp thấy hết cái tính lương thiện và sự vô tư trong công việc, tạo điều kiện để anh trau dồi thêm năng lực, từng bước giao những việc quan trọng…

Anh lấy những bài học không phải bằng lời sáo ngữ hay luận điểm theo kiểu đạo lý suông, mà từ chính cuộc đời của má.

Chồng mất sớm, một nách hai con giữa thời bao cấp khó khăn, má vẫn kiên gan làm nông, chạy chợ, làm thuê làm mướn cho bất kỳ ai cần sức, cần người. "Tui ráng lo cho tụi nhỏ cái chữ. Gia tài không có thì để cho tụi nó có cái chữ", má nói với tất thảy mọi người về món quà cho con cái.

Vậy đó, nhưng má anh không thở than, chỉ nói "tụi bây sinh làm con má nên không được sung sướng như bạn bè, nhưng ráng nghen". Anh và em gái nghe, không những không trách mẹ nghèo mà còn rưng rưng, khóc òa, ôm mẹ thút thít: "Má đừng nói vậy. Tụi con hạnh phúc khi được làm con của má. Má đã cho con bao nhiêu thứ còn quý hơn tiền".

Trải qua khó khăn, thấy cái khổ của má và nụ cười hồn hậu, luôn làm chỗ dựa cho con cái, dường như anh và em gái cũng hiểu chuyện hơn.

Bây giờ má đã bay về trời. Khoảng trống trong lòng anh và em gái mình là mênh mông. Nhưng, tình thương của má thì còn hoài trong sợi dây nối của hai anh em. Khoảng trống ấy lấp đầy khi hai anh em anh vẫn thấy má hiện diện trong lòng mình như chưa hề mất đi.

"Má chỉ mất về thân xác thôi chứ tình thương của má thì bao la, phủ trùm đại địa. Chỉ cần tụi con nhớ má là sẽ chạm tay vào má thôi mà", anh viết mà rưng rưng.

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm: Cãi nhau mới biết chồng… đàn ông - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận