"Đít bồ trôn vại, ăn hại chồng con": Quan niệm này còn đúng không?
Người xưa cho rằng, "đít bồ trôn vại, ăn hại chồng con" là tướng thô vụng, lười vận động, không biết lo liệu, vén khéo.
Trong khá nhiều sách từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam mà chúng tôi có trong tay, duy chỉ "Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh-2010) thu thập và giải thích: "Đít bồ trôn vại, ăn hại chồng con. Đít mà to như cái bồ, (lỗ) trôn mà lớn như cái vại (là hai nét hay gặp ở những ả đàn bà) chuyên ăn hại chồng con".
Tiếc rằng, tác giả mới chỉ dừng ở mức diễn giải nội dung câu tục ngữ, chứ chưa giải thích tại sao dân gian lại nói như vậy. Mặt khác, cách diễn giải còn có chỗ chưa chính xác. Cụ thể, "đít" (trong "đít bồ"); "trôn" (trong "trôn vại"), đều chỉ cái "đít", "mông", "mông đít"…("khối thịt dày và chắc ở hai bên hậu môn; Ăn rồi cắp đít ra về, Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào-cd"-Từ điển tiếng Việt-Vietlex), chứ không phải "đít" chỉ cái "mông", còn "trôn" lại là "(lỗ) trôn"(tức "lỗ đít", "hậu môn" của người).
Có lẽ, tác giả cho rằng "(lỗ) trôn" lớn như cái vại" nên "ăn lắm, ỉa nhiều" ("ăn hại chồng con"). Nhưng, về hình tượng, không ai ví "(lỗ) trôn" to như cái vại. Vì trôn vại kín mà bằng, không hề có lỗ. Mặt khác, đây là câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm nhân tướng học dân gian, cụ thể là "tướng mông" (đồn bộ tướng-臀部相), chứ không phải tướng "(lỗ) trôn" (to, nhỏ). Lỗ trôn đàn hồi, to nhỏ, giãn rộng hay đóng kín, còn tùy… Và nhất là không ai xem tướng qua quan sát "(lỗ) trôn" cả. Thế nên, ở dị bản thuộc mục chữ cái C, chính Nguyễn Đức Dương đã giải thích: "Chân vò đít vại ăn hại chồng con: Chân mà to như cái vò, mông mà to như cái vại (là hai nét hay gặp ở những đàn bà chỉ giỏi ăn hại chồng con)". Theo đó, "đít vại" hay "trôn vại" đều chỉ cái mông, cái đít, theo lối nói ngoa dụ của dân gian mà thôi.
Trở lại với nội dung câu tục ngữ. Người xưa tổng kết "Đàn bà to mông, đàn ông to vai". Đàn ông sức dài vai rộng nên vai, lồng ngực phải vạm vỡ; đàn bà đảm nhận thiên chức sinh đẻ nên mông cần nở nang, khung xương chậu phải phát triển. Về "tướng mông" (chủ yếu) người ta chia làm các loại:
1.Mông vuông (phương hình đồn-方形臀), còn gọi mông chữ H.
2. Mông tròn (viên hình đồn-圓形臀), còn gọi mông chữ O.
3. Mông trái tim (tâm hình đồn-心形臀), còn gọi mật đào đồn-蜜桃臀(mông trái đào), hoặc mông chữ A.
4. Mông chữ V.
Xét về mặt mỹ học và nhân tướng học:
Kiểu "mông vuông", trên dưới bằng nhau, cơ phát triển về hai bên; "mông chữ V", trên rộng dưới hẹp (phần trái đít beo lại). Hai loại này nhìn xấu, mông to mà thẳng đuột.
Xét hình dáng, bồ và vại cũng to thô, bằng phẳng, trùng trục từ trên xuống dưới đáy, không hề có dáng phình, cong ("Cháy nhà hàng phố, bình chân như vại"-tục ngữ). Thế nên, "đít bồ, trôn vại", hay "chân vò, đít vại" là kiểu mông to mà kém nở nang, không có đường nét, khi ngồi thì bằng, thẳng đuột, to thô.
- Kiểu "mông tròn", cơ mông khá nở nang, phát triển săn chắc, hai "trái đít" tròn, ngắn, không sệ; mông phân biệt rõ ràng với phần eo lưng. Tuy nhiên, phần chuyển tiếp giữa eo lưng và mông không thon, mà hơi gãy, không xấu không đẹp.
- Đẹp nhất là kiểu "mông trái tim" (trông như hình trái tim lộn ngược, còn gọi mông trái đào), phía trên (phần giáp eo lưng) hẹp, dưới rộng; khung xương chậu và cơ mông phát triển đầy đặn, nở nang, săn chắc; mông phân biệt với phần eo lưng bằng đường cong mềm mại. Dù Á hay Âu, xưa hay nay, đây cũng là kiểu mông mơ ước của nhiều phụ nữ.
Sở dĩ "mông trái tim", còn được gọi là "mật đào" 蜜桃 (quả đào ngọt, đào ăn quả) vì hình khối của trái đào, một bên cũng chia làm "hai múi" tròn căng, hồng hào, phơn phớt tơ mịn. Vẻ mơn mởn của "mông trái đào", không chỉ là vẻ đẹp về hình thể, đường nét, màu sắc, mà còn biểu hiện một cơ thể khỏe mạnh, khả năng sinh dục dồi dào, đảm nhận tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ nói chung của người phụ nữ.
Trong khi đàn bà "đít bồ, trôn vại" bị xếp vào diện "Cả vú to hông, cho không chẳng màng" thì kiểu mông trái đào, mông trái tim lại được dân gian đánh giá là "To mông rộng háng, đáng quan tiền"; "Những người thắt đáy lưng ong, Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con"; "Bổ củi xem thớ, lấy vợ xem hông/mông".
Tướng mông nở nang, khi ngồi lộ rõ hai "múi đít" cong cong, dân gian còn gọi là "đít bọ ngựa" [chữ gọi đường lang đồn-螳螂臀] hoặc "đít vịt" [áp tử đồn-鴨子臀]. Tú Xương mô tả "Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt" chính là nói cái tướng "đít ngồi cong cong" đĩ thõa của bà đầm. Theo dân gian, đây cũng là tướng mắn đẻ vì khung xương chậu phát triển, dồi dào sinh lực ("Đít ngồi cong cong, con đông như vịt"].
Như vậy, nếu như câu tục ngữ "Lưng chữ cụ, vú chữ tâm" (mà chúng tôi từng giới thiệu với bạn đọc trên Báo Người Lao Động) nói về kinh nghiệm xem "tướng lưng" (bối tướng-背相), "tướng vú" (nhũ tướng-乳相) thì câu "Đít bồ trôn vại, ăn hại chồng con", nhân tướng học dân gian lại tổng kết kinh nghiệm xem "tướng mông". Theo đó, "Đít bồ trôn vại, ăn hại chồng con" ý chỉ đàn bà mông to nhưng thẳng đuồn đuột (to vuông kiểu đít bồ), trùng trục (to bằng như trôn vại), là tướng đàn bà "ăn hại chồng con" (chồng con không được nhờ). Vì sao lại như vậy? Vì dân gian cho rằng đó là tướng thô vụng, lười vận động, không biết lo liệu, vén khéo.
Kinh nghiệm "xem tướng mông" của dân gian, ngoài cái lý đơn giản "đã đẹp lại tốt, đã xấu lại xa", xét về khoa học, không phải không có cơ sở. Dĩ nhiên cũng không phải đúng trong mọi trường hợp, đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại.
Xem thêm: Vì sao người xưa nói "trăm quan tiền nợ không bằng lấy nhầm vợ có con riêng"?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận